Từ mối quan hệ làm ăn, Huỳnh Thị Quai (SN 1979, ngụ phường An Bình, TP. Rạch Giá, Kiên Giang) quen biết với Lê Văn Đông (SN 1971, ngụ phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá) là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Đông Bắc (Cty Đông Bắc) có trụ sở tại TP. Rạch Giá.
Sau đó, Đông nhiều lần đưa Quai cùng Lưu Thiên Vĩnh (SN 1977, chồng Quai) đi giao dịch với nhiều đối tác làm ăn như những thành viên chính thức của Cty Đông Bắc. Những lần gặp gỡ đối tác, cả nhóm thường giới thiệu Quai là cháu ruột của một cán bộ cao cấp ở Trung uơng, có mối quan hệ quen biết nhiều và có thể mua được sắt, thép phế liệu với giá rẻ. Do tin tưởng, nhiều đối tác đồng ý hợp đồng làm ăn với Quai để rồi bị sập bẫy của nhóm lừa đảo này.
Tháng 5/2011, Cty Đông Bắc mua được lô hàng sắt phế liệu tại kho Long Bình (Đồng Nai) và Đông ký hợp đồng bán lại cho ông Trần Minh Dũng, chủ Doanh nghiệp tư nhân Trần Ánh. Được giao nhiệm vụ thực hiện vụ mua bán này, Quai đưa người của ông Dũng đến kho Long Bình cho xem lô hàng và yêu cầu ứng trước 800 triệu đồng. Sau khi nhận tiền qua hệ thống ngân hàng, Quai giao sắt không đúng chuẩn loại như lúc xem hàng nên bên ông Dũng từ chối không nhận (Lô hàng này, Quai tiếp tục liên hệ bán cho Cty Hùng Long do ông Ngô Anh Hùng làm Tổng Giám đốc). Ông Dũng nhiều lần điện thoại và đến gặp trực tiếp yêu cầu hoàn trả tiền tạm ứng nhưng Quai luôn tìm cách kéo dài thời gian nhằm chiếm đoạt số tiền này.
Phi vụ đầu tiên trót lọt dễ dàng, Quai tiếp tục thực hiện vụ lừa thứ hai với ông Ngô Anh Hùng. Đầu tháng 7/2011, Quai liên hệ bán cho ông Hùng 1 sà lan sắt phế liệu (loại sắt xây dựng cầu) với giá 8.000đ/kg và yêu cầu đặt cọc 1 tỷ đồng. Khi ông Hùng đặt vấn đề xem hàng, Quai cấu kết với Bùi Văn Xoa (SN 1971, ngụ xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) dùng thủ đoạn gian dối để lừa ông Hùng. Theo kịch bản đã bàn trước, Xoa dẫn ông Hùng đến cầu Rạch Miễu thuộc tỉnh Tiền Giang giới thiệu sản phẩm là một sà lan chở sắt phế liệu của một chủ khác đang neo đậu dưới sông.
Thấy có lời, ông Hùng chấp nhận mua lô hàng này và trực tiếp giao cho Quai số tiền đặt cọc 1 tỷ đồng vào ngày 2/7/2011 tại TP.HCM. Sau đó, không thấy Quai thực hiện hợp đồng, ông Hùng nhiều lần điện thoại hối thúc giao hàng thì Quai đưa ra nhiều lý do để kéo dài thời gian. Đến ngày 20/7/2011, Quai tiếp tục điện thoại báo tin muốn bán cho ông Hùng lô hàng sắt phế liệu gồm xe cuốc, xe ô tô hư hỏng... vừa mua được tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang.
Cũng như lần trước, Quai yêu cầu ông Hùng tạm ứng số tiền 500 triệu đồng chuyển vào tài khoản của Lưu Thiên Vĩnh. Số tiền này Vĩnh đã rút ra hết và chuyển vào tài khoản của Quai, còn lô hàng sắt thì Quai tìm cách né tránh không giao cho ông Hùng như thoả thuận.
Chưa dừng lại ở đó, Quai còn sử dụng “mỹ nhân kế” để chiếm đoạt tiền của ông Lương Thành Đại, chủ doanh nghiệp tư nhân Đ.T ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Quá trình quen nhau, Quai nói dối chưa có chồng, thường xưng hô với ông Đại là “chồng, ông xã” và muốn tiến đến chuyện hôn nhân nhằm tạo sự thân mật với ông Đại. Đồng thời, Quai còn giới thiệu đang là thành viên Cty Đông Bắc chuyên mua, bán sắt, thép phế liệu và là cháu của một cán bộ ở Trung ương.
Từ cuối tháng 7/2011, Quai bắt đầu rủ ông Đại hùn vốn mua sà lan về bán lại kiếm lời chia nhau. Vì tin tưởng, ông Đại nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của Quai tổng cộng 1,19 tỷ đồng để cùng hợp tác làm ăn. Thực chất, Quai không mua sà lan như thoả thuận mà sử dụng số tiền của ông Đại chi xài cá nhân. Vì vậy, khi ông Đại yêu cầu xem số sà lan đã mua, Quai tìm nhiều lý do tránh mặt và nhờ Xoa đưa đến TP. Cần Thơ giới thiệu sản phẩm là những sà lan của chủ khác để đối phó.
Đến ngày bị phát hiện, Quai cùng các đồng phạm đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo và chiếm đoạt tổng cộng 5,37 tỷ đồng của các đối tác làm ăn.
Ngày 17/1/2014, TAND tỉnh Kiên Giang đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Huỳnh Thị Quai 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên tòa này, người bị hại Ngô Anh Hùng đề nghị xử lý hình sự đối với Lê Văn Đông vì có hành vi tiếp tay cho bị cáo Quai phạm tội.
Theo ông Hùng, trong khi bị cáo chưa phải là thành viên của Cty Đông Bắc nhưng ông Đông lại giới thiệu đi giao dịch với nhiều đối tác, tạo điều kiện cho bị cáo Quai thực hiện các vụ lừa đảo. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được Hội đồng xét xử chấp thuận. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, những người bị hại cùng gửi đơn chống án với nội dung yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, riêng bị cáo Quai cũng có đơn xin giảm nhẹ một phần hình phạt.
Phiên xử phúc thẩm ngày 22/4/2014, Hội đồng xét xử nhận thấy trong vụ án này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, vi phạm tố tụng trong biên bản nghị án... cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Từ nhận định trên, TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Ngày 22/1/2016, TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm lần 2 đối với 4 bị cáo Quai, Đông, Vĩnh, Xoa cùng bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hội đồng xét xử tuyên phạt Quai 20 năm tù; Đông, Vĩnh cùng mức án 12 năm tù; Xoa 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tuyên buộc các bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho những người bị hại.
Mới đây, TAND Cấp cao tại TPHCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án này do có đơn kháng cáo của các bị cáo cũng như những người bị hại. Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của bị cáo Quai (về vai trò của Vĩnh và Đông trong vụ án này) ở cơ quan điều tra và tại các phiên tòa còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ, việc đánh giá chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ… nên tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Kiên Giang.