Tình trạng nợ đọng tiền đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh ta đã đến mức báo động. Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết tháng 9-2010, toàn tỉnh có 529 đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, thành phố Nam Định có nhiều đơn vị nợ đọng nhất với 145 doanh nghiệp, cơ sở với tổng số tiền nợ là 6,74 tỷ đồng. Phòng Thu BHXH tỉnh có 47 đơn vị nợ đọng nhưng số tiền nợ lên tới trên 22,3 tỷ đồng. Tổng nợ BHXH toàn tỉnh ước tính gần 39 tỷ đồng.
Cán bộ phòng thu (Bảo hiểm Xã hội tỉnh) theo dõi, quản lý danh sách các đối tượng tham gia BHXH thuộc khối các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Xuân Thu
|
Lãnh đạo ngành BHXH tỉnh cho biết, tình trạng nợ đọng trước đây chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng vài năm gần đây có xu hướng “lây lan”. Nhiều doanh nghiệp không gặp khó khăn nhưng cố tình không đóng nộp đầy đủ. Đơn cử như Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinatex, hàng năm vẫn tuyển sinh với số lượng năm sau cao hơn năm trước, công tác xây dựng trường sở, tuyển dụng giáo viên, mở rộng quy mô vẫn tiến hành đều đặn nhưng chưa thực hiện trách nhiệm trả nợ BHXH và là đơn vị trong “tốp” 3 đơn vị có số nợ BHXH cao nhất toàn tỉnh, lên tới 1,38 tỷ đồng! Công ty cổ phần xây lắp I Nam Định có số nợ BHXH cao nhất là 1,79 tỷ đồng, thời gian nợ trên 44 tháng!... Nguyên nhân của tình trạng cố tình nợ BHXH như trên là do lãi suất chậm đóng của nợ BHXH luôn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, mức xử phạt nợ, chậm đóng BHXH dù đã được nâng cao trong Nghị định 86/2010/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 135/2007/NĐ-CP nhưng vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức ngăn chặn việc trục lợi trong việc chậm đóng BHXH. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trách nhiệm trong vấn đề này chưa “vào cuộc”, thậm chí có nơi, có chỗ còn thờ ơ, là điều kiện cho doanh nghiệp, đơn vị tiếp diễn vi phạm.
Theo quy định của ngành BHXH, đơn vị chậm đóng BHXH là bị khoanh sổ, dừng chi trả chế độ cho người thuộc đơn vị chậm đóng. Vì vậy, người thiệt thòi là lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng trên. Hiện nay, ở 529 đơn vị nợ đọng BHXH có tới gần 16 nghìn lao động đang tạm thời bị dừng thanh toán các chế độ hưu trí, thai sản, ốm đau… để chờ doanh nghiệp trả nợ. Từ việc không được thanh toán, chi trả chế độ quyền lợi chính đáng này đã gây bức xúc, phản ứng của nhiều lao động. Chị P.T.G, một giáo viên của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex phản ánh: “Tôi nghỉ theo chế độ thai sản từ đầu năm, đến nay chưa được hưởng chế độ gì. 4 tháng nghỉ đẻ tôi không được đồng lương nào!”. Theo điều tra của cơ quan quản lý lao động, các vụ bỏ việc của người lao động, lãn công, đình công xảy ra thời gian qua chỉ tập trung ở hai nguyên nhân là do chủ doanh nghiệp nợ lương hoặc không đóng nộp đầy đủ các khoản BHXH bắt buộc cho người lao động dẫn đến không được hưởng các chế độ quyền lợi chính đáng. Các chủ doanh nghiệp cũng không lường hết được “hậu quả” của việc cố tình trục lợi từ nợ BHXH, người lao động rủ nhau bỏ việc, đưa doanh nghiệp vào tình thế lao đao. Đơn cử trường hợp Cty TNHH may Garnet Nam Định có thời điểm có tới 300 công nhân, làm không hết việc. Sau đó, do nợ BHXH lên tới trên 1,1 tỷ đồng, nợ lương công nhân vài tháng, người lao động đã tổ chức lãn công, rủ nhau bỏ việc, dẫn tới tình trạng Cty gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2010, Cty đã tập trung trả hết nợ BHXH, đảm bảo đầy đủ lương thưởng, quyền lợi chính đáng cho người lao động. Việc làm kịp thời này đã giúp Cty TNHH may Garnet tiếp tục tuyển dụng được lao động và đang trên đà phục hồi sản xuất. Đến nay, Cty đã có 200 lao động làm việc với mức lương bình quân 2,6 triệu đồng/người/tháng. Đây là bài học cho nhiều chủ doanh nghiệp đang “tham bát bỏ mâm”, trục lợi từ nợ đọng BHXH, làm ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, từ tháng 10-2010, ngành BHXH tỉnh đã thành lập Tổ công tác thu nợ chuyên ngành. Trong gần 1 tháng qua, các thành viên của tổ công tác đã đến từng đơn vị nợ đọng đôn đốc trả nợ BHXH. Tuy nhiên, kết quả thu nợ chưa có chuyển biến đáng kể vì thẩm quyền của “chủ nợ” BHXH chưa đủ sức buộc doanh nghiệp nợ đọng phải trả nợ mà chỉ là thuyết phục, vận động. Từ đó, đòi hỏi phải có những giải pháp kiên quyết, triệt để hơn. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã có đề xuất các tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các ngành có đủ thẩm quyền, chức năng buộc doanh nghiệp tuân thủ trả nợ như Thanh tra tỉnh, Thanh tra lao động, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh… Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo để đưa tổ công tác này vào hoạt động. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp hỗ trợ việc chống nợ đọng BHXH như tuyên truyền, vận động người lao động lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân; ban hành các cơ chế ngăn chặn nợ đọng BHXH như không xét thầu, khen thưởng đối với đơn vị vi phạm BHXH; thậm chí, tiến hành khởi kiện các đơn vị cố tình nợ đọng BHXH./.
Hoàng Vũ