Bác sĩ Vương Đình Nguyên năm nay 55 tuổi và đã dành hơn nửa số tuổi này gắn bó với nghề chữa bệnh cho mọi người.
Bác sĩ "đặc biệt", 12 tuổi mới đi học lớp 1
Sinh ra và lớn lên tại huyện Hoàng Su Phì, một huyện nghèo, biên giới miền núi thuộc tỉnh Hà Giang, từ nhỏ cậu bé dân tộc Tày Vương Đình Nguyên đã ước mơ trở thành một bác sĩ khám chữa bệnh cho Nhân dân ở vùng sâu vùng xa, vùng dân trí còn thấp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, 12 tuổi Nguyên mới được đi học lớp 1 và khi 21 tuổi (năm 1990) mới học xong cấp ba.
Bác sĩ Vương Đình Nguyên chăm chỉ học tập, theo đuổi nghề y cao quý và chọn chính nơi mình sinh ra để làm việc và cống hiến. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đi học sau các bạn cùng trang lứa nhiều năm nhưng thanh niên này không e ngại mà rất chăm chỉ học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Học xong Trung cấp Y tế tại tỉnh Tuyên Quang, anh Nguyên nhận công tác tại Trạm Y tế xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, rồi chuyển công tác về Đội vệ sinh phòng dịch trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì. Năm 2002 - 2006, anh Nguyên theo lớp chuyên tu 34 E Tại trường đại học Y dược Thái nguyên và tốt nghiệp Bác sỹ đa khoa. Bác sĩ Nguyên trở lại công tác tại khoa Y tế công cộng Trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì, phụ trách về các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Năm 2020 đến nay, bác sĩ Nguyên công tác tại Trạm Y tế xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì.
Chọn chính nơi mình sinh ra để làm việc và cống hiến, Bác sĩ Nguyên trải lòng: “Với thời gian học tập và chuyên môn của mình, thời điểm đó tôi hoàn toàn có thể tìm được một công việc ở thành phố, thay đổi cuộc sống. Ban đầu quyết định trở về quê hương tôi không hẳn không đắn đo. Nhưng tôi nghĩ, nếu chính mình cũng rời xa quê hương của mình thì sẽ chẳng ai muốn đến và khám chữa bệnh cho người dân quê mình. Ở nơi khác có nhiều bác sĩ giỏi, quê hương cần tôi hơn”.
Bác sĩ Nguyên chia sẻ thêm: "Lợi thế của tôi lúc đó chính là biết cả tiếng Tày, Nùng, Dao, La Chí và tiếng H' Mông. Nhờ thế, việc giúp đỡ người dân cũng dễ dàng hơn, bởi nếu muốn khám bệnh chính xác, định hướng điều trị tốt phải khai thác kỹ về triệu chứng từ người bệnh”.
Giúp đỡ quê nghèo bằng “trái tim nóng”
Quan niệm rằng, dù ở đâu cũng phải cố gắng, làm việc bằng cả tri thức và trái tim, Bác sĩ Nguyên đã vượt qua những khó khăn ban đầu như thiếu trang thiết bị y tế, lương thấp không đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình... Thời điểm đó, người được đào tạo chuyên môn còn hiếm và người dân cũng chưa thực sự hợp tác. Khi ốm đau, bệnh tật, người dân ít đến Trạm y tế khám và không tuân theo quy trình điều trị mà đến thầy cúng, khi ốm quá nặng mới tìm thầy thuốc. Bác sĩ Nguyên muốn góp sức tác động tới để thay đổi dần suy nghĩ của người dân, giúp người dân giữ gìn sức khỏe tốt hơn.
Bác sĩ Nguyên muốn dùng tâm và tài của mình để giúp người dân quê mình thoát khỏi mê tín dị đoan, ốm thì tìm đến bác sĩ, cơ sở y tế... Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bác sĩ Nguyên hồi tưởng, từ năm 1993 đến 1995, huyện có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lây nhiễm: sốt rét, sởi, thủy đậu… Dịch bệnh hoành hành do người dân không quen nằm màn và không thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Khoảng thời gian đó huyện Hoàng Su Phì tưởng như không dập nổi những dịch bệnh này, chính quyền đã đề nghị huy động lực lượng từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đến tỉnh, huyện xuống các địa bàn xã và thôn bản để tuyên truyền và triển khai các biệ pháp phòng dịch bệnh.
Lực lượng chức năng đã cấp phát màn phòng bệnh, phun thuốc diệt côn trùng, điều trị tại chỗ cắt cơn chống lây lan, truyền thông và phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh diệt lăng quăng cho người dân. "Tôi cũng đã xuống thôn, bản và từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động người dân nằm màn phòng chống sốt rét và tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Rất may sau khi được tuyên truyền, người dân hiểu và hợp tác. Sau 3 năm, sốt rét đã giảm, hiện tại địa phương gần như đã “thanh toán” được bệnh này”, bác sĩ Nguyên vui mừng nói.
Tuy nhiên, khó khăn này vừa qua đi, thử thách mới đã đến. Người cao tuổi tại huyện lần lượt mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản… nhưng nhất định không chịu đến Trạm y tế lấy thuốc và điều trị hàng tháng.
"Việc này dẫn đến bệnh nhân tử vong vì tai biến mạch máu não rất nhiều", Bác sĩ Nguyên nghẹn lại khi nhớ tới khoảng ký ức đau thương ấy. “Không thể ngồi yên nhìn người dân coi thường mạng sống của mình, tôi lại lên đường xuống từng thôn bản, từng gia đình tuyên truyền vận động người bệnh đi khám và điều trị. Dần dần, có 34 bệnh nhân đến Trạm y tế khám và điều trị tăng huyết áp tại nhà, được Trạm y tế cung cấp thuốc”.
Việc sinh nở của phụ nữ tại địa phương cũng từng là vấn đề nhức nhối, bởi rất ít người chọn sinh tại Trạm y tế. Nhưng qua tuyên truyền vận động, đến nay 100% phụ nữ chọn Trạm y tế để “vượt cạn”.
Địa hình hiểm trở, xa xôi không thể cản bước chân của người bác sĩ hiền từ, giàu lòng yêu quê hương. Bác sĩ Nguyên luôn tâm niệm rằng, người giàu hay nghèo bị bệnh đều phải được khám và điều trị đầy đủ. “Người dân có bệnh đi khám tưởng như bình thường, nhưng lại là chuyện khiến người bác sĩ ở vùng quê còn nhiều khó khăn như tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”, bác Nguyên cười nói.