Chiều 24/2, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tỉnh Yên Bái tại trung tâm hội nghị tỉnh và kết nối với 8 điểm cầu tại các huyện thị.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, đánh giá cao những đóng góp của ngành y tế, đặc biệt là những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ông Duy đề nghị các cán bộ y tế cần mạnh dạn hiến kế, tham góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác y tế. Đối với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành, ông Duy yêu cầu nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu, giải đáp đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, không né tránh.
Mở đầu hội nghị, bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, cho biết có nhiều cán bộ, y bác sĩ được cử đi đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và đã đầy đủ các tiêu chí tuy nhiên việc thi nâng hạng không được tổ chức thường xuyên. Vì thế bà Liên đề nghị tỉnh cần có cơ chế chính sách tổ chức thi nâng hạng kịp thời để tránh thiệt thòi cho người lao động.
Trong khi đó, ông Cứ A Hồng, Giám đốc TTYT huyện Mù Cang Chải, đề nghị tỉnh cần quan tâm hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế thôn bản cũng như “cô đỡ” thôn bản bởi Yên Bái có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thưa thớt. Ông Hồng cho rằng, với mức hỗ trợ tương đương 0,6 mức lương cơ bản sẽ rất khó duy trì đội ngũ này hoạt động hiệu quả.
Đáng chú ý, ông Mai Long Sơn, Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần tỉnh Yên Bái cho hay, bệnh viện của ông đang gặp khó trong việc mua sắm thuốc chữa bệnh. Trong đó, một số mặt hàng như thuốc gây nghiện hướng thần không có nhà thầu tham dự do mặt hàng thuốc này vốn đã khan hiếm trong khi quy trình bảo quản, vận chuyển lại nghiêm ngặt, mức lợi nhuận thấp. Vì lẽ đó, ông Sơn đề xuất cần có giải pháp phù hợp để kịp thời giải bài toán thiếu thuốc.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái nhận định, trong thời gian qua tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại không ít các cơ sở y tế từ trung ương tới tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuy nhiên về cơ bản Yên Bái không thiếu thuốc, ngoại thuốc gây nghiện hướng thần. Để giải bài toàn này, bà Vân cho biết về lâu dài cần phải tổ chức đấu thầu tập trung hoặc giữa các cơ sở y tế cần có sự chia sẻ, chuyển nhượng nguồn thuốc để kịp điều trị cho bệnh nhân.
Hội nghị ghi nhận tổng cộng 48 câu hỏi của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, trong đó đã có 20 ý kiến đối thoại trực tiếp tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm thể chế, cơ chế, chính sách; hệ thống tổ chức, nhân lực y tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực; mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất. Tại buổi đối thoại này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tỉnh nhà cũng có cơ hội đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của ngành Y tế trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giải đáp một số vấn đề liên quan cơ chế, chính sách, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ khoảng 1.200 nhân viên y tế đào tạo nâng cao trình độ với tổng số kinh phí trên 27 tỷ đồng nhờ đó mới có đạt tỉ lệ 10,8 bác sĩ trên 1 vạn dân. Bên cạnh đó nhằm thu hút nhân lực cao trong ngành y tế, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ 550 triệu đối với tiến sĩ y học, 450 triệu đối với bác sĩ nội trú. Đối với đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, bà Hạnh cho biết là tỉnh đã cố gắng để hỗ trợ đội ngũ này nếu một cán bộ y tế thôn bản kiêm nhiệm cả nhiệm vụ cán bộ dân số và là “cô đỡ” tại thôn bản thì mức hỗ trợ cũng đạt gần mức lương cơ bản.
Những vấn đề do cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế Yên Bái nêu ra tại hội nghị cũng được lãnh đạo tỉnh và các sở sở, ban, ngành thông tin, giải đáp trực tiếp tại hội nghị và sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
Phát biểu kết luận, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cảm ơn và tiếp thu ý kiến tham gia đối thoại của cán bộ ngành Y tế. Để có thể giải quyết tốt 4 nhóm vấn đề mà các đại biểu nêu, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái giao các sở ngành liên quan chủ trì, phối hợp để tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành hoặc kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân.