Giống như hàng trăm hàng ngàn người lao động về hưu ở thành Nam, ông Đỗ Đình Tuyển (57 tuổi, ngụ thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) chỉ là một người thợ lái máy ủi về hưu bình thường. Thế nhưng đến cả người quen biết của ông cũng ngã người ngạc nhiên khi phát hiện ra hoa tay thư pháp của ông. Vừa rời công việc lam lũ vất vả, bác tài xế ngày nào bỗng trở thành một thành viên tích cực của Câu lạc bộ thư pháp Nam Định.
Nhà thư pháp Đỗ Đình Tuyển (ngoài cùng, bên phải) cùng các thành viên CLB thưởng thức một tác phẩm mới hoàn thành |
Tiết kiệm lương hưu học cổ tự
Ông Tuyển sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm thợ, vợ ông cũng đứng máy sợi tại Nhà máy Dệt Nam Định. Bản thân ông đã có gần 30 năm công tác trong ngành dệt, với công việc chính là ủi than để tiếp nhiên liệu cho hệ thống nồi hơi sử dụng trong công đoạn hấp, nhuộm của nhà máy. Thời “hoàng kim” của nghề dệt chẳng kéo dài bao lâu, trước cơn lốc cạnh tranh của thời kinh tế thị trường, chẳng mấy chốc Nhà máy Dệt Nam Định sa vào khó khăn, phải giảm biên chế hàng loạt.
Ông Tuyển vẫn gắn bó với công việc cho đến năm 2005, nay cười cười dẫn câu hát trong bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” để nói về công việc của mình: “Ngồi trong xe ủi anh nhớ những ngày hè/ Chân lội qua khe em nhớ mùa đông giá”. Ông giải thích cực kỳ ấn tượng: “Ai đã ngồi trong xe ủi thì mới biết nó nóng bức lắm, giữa mùa đông cũng nóng hầm hập như chính hạ. Nhất là xe ủi ủi than thì không còn nghề nào vất vả, nặng nhọc hơn” .
Về hưu khi mới ở tuổi năm mươi, khoản lương hưu của ông chẳng được bao nhiêu nhưng người ta cứ thấy ông cặm cụi mua rất nhiều sách về đọc, rồi còn gửi người mua giấy xuyến, mua mực tàu, bút lông… Hàng xóm đoán già đoán non cũng không ai giải thích được “lão gàn” này định làm gì.
Ông Tuyển kể: “Từ thời làm thợ tôi đã thích nghệ thuật thư pháp. Tôi mò mẫm đến các cụ cao niên giỏi về thư pháp ở Nam Định xin chữ về treo ở nhà. Từ đó tôi mới biết có một Câu lạc bộ thư pháp hoạt động ở Nam Định, nhưng chưa dám xin tham gia vào vì mình đã biết gì đâu. Đến khi về hưu thì thời gian rộng dài hơn, tôi mới mày mò tự đọc sách, tập viết. Phải ba năm đóng cửa tự học tôi mới dám đến xin tham gia vào Câu lạc bộ thư pháp thành phố”.
Có nhìn thấy cách ông Tuyển giữ gìn những cuốn sách như “Tam tự kinh” (sách vỡ lòng học chữ Hán), những cuốn tuyển thơ Đường, thơ văn của các bậc danh nho Việt Nam… mới thấy ông đến với nghệ thuật thư pháp không phải theo kiểu “tài tử” mà tâm huyết, dốc lòng dốc sức đeo đuổi. “Lượng giấy mà tôi mua về tập viết có lẽ phải tính bằng con số… hàng tạ. Còn bút, mực thì không phải thứ nào ở tỉnh cũng có, tôi phải lên tận Hà Nội mua, có những cái bút lông phải săn lùng cả năm trời mới mua được”, ông Tuyển tâm sự. Ông bảo thư pháp là thú chơi không kiếm ra tiền như người ta chơi cây cảnh, chơi đồ cổ… nhưng lại ngốn thời gian, tiền bạc không thua kém.
Lương của cả hai vợ chồng về hưu được hơn 5 triệu đồng, với mức sống ở quê cũng không quá khó khăn nhưng để đeo đuổi nghiệp “bút nghiên” thì không đơn giản chút nào. Một điều may mắn đối với sự nghiệp “cày cuốc” trên cánh đồng chữ nghĩa của ông Tuyển là ông được sự ủng hộ nhiệt thành của người vợ. Bà không hiểu gì về thứ nghệ thuật cao siêu mà ông theo đuổi nhưng chỉ lặng lẽ ủng hộ bằng cách… lánh đi mỗi khi ông tập trung vào những nét bút. “Ngày Tết ngày xuân tôi thấy hàng xóm kéo sang xin chữ của ông ấy tôi cũng thấy vui. Ông ấy tụ tập bạn bè đàm đạo về chữ nghĩa, rồi đi quanh năm suốt tháng để tìm chữ còn lại ở đền chùa các nơi”, bà mộc mạc kể.
Bức thư pháp "Hịch tướng sĩ" |
Nỗi niềm giữ gìn văn hóa truyền thống
Từ chỗ là anh “lính mới tò te” ở Câu lạc bộ thư pháp Thành phố Nam Định, giờ đây ông Tuyển đã có thể trao đổi, hướng dẫn nghệ thuật thư pháp cho những người có cùng đam mê. “Không phải cứ biết chữ là sẽ viết đẹp, mà nghệ thuật thư pháp phải có thiên tư. Ông Tuyển là “tay ngang” khi tìm hiểu về thư pháp nhưng thành viên này rất kiên trì”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Nam Định, Thiện Nguyên Đặng Kim Ba nhận xét.
Trong ngôi nhà nhỏ của ông Tuyển, những tác phẩm thư pháp treo gần kín các bức tường. Đặt ở vị trí trang nghiêm ở giữa phòng khách là bản thư pháp “Hịch tướng sĩ” của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Bài hịch viết trên giấy xuyến treo kín một góc tường nhưng trăm chữ như một, vừa mềm mại bay bổng vừa rắn rỏi, trang trọng. Một người bạn ông Tuyển đã nói đùa: “Viết xong một bức như thế này thì tôi phải nhập viện!”.
Ai đã từng theo đuổi thư pháp đều hiểu rằng viết một chữ đã khó, viết cả một bài hịch dài thì chỉ cần sai một nét chữ là phải bỏ đi cả tác phẩm công phu. Đây là bức thư pháp ông Tuyển đã dành nhiều ngày dồn hết tâm huyết thực hiện nhân dịp kỷ niệm 750 năm thành lập phủ Thiên Trường (một địa danh văn hóa – lịch sử nổi tiếng tại Nam Định). Cũng như nhiều tác phẩm khác của ông, sau những đợt trưng bày phục vụ các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm của tỉnh nhà, những bức thư pháp lại trở về trên… tường nhà tác giả mà ông không có một đồng “nhuận bút” nào.
Cùng với ông Đặng Kim Ba và một vài người bạn khác trong câu lạc bộ, ông Tuyển đã có nhiều chuyến đi các đền chùa, miếu mạo, đình làng để tìm hiểu những di sản thư pháp còn lại. Một câu, một ý hay trong các bức hoành phi, câu đối, sắc phong; Một chữ dùng “đắt” trong văn bia, văn chuông… đều trở thành đề tài để các ông bàn luận.
Như với cách nghĩ của một người thợ, ông Tuyển bảo rằng mình chỉ cần cố gắng làm được những gì trong khả năng của mình để nhiều người nhìn thư pháp thấy đẹp, thấy mến, thấy trọng. “Như thế là “quảng văn nạp khánh”, nghĩa là quảng bá chữ nghĩa, văn chương ngày xưa để thu về niềm vui cho mình”, ông Tuyển giải thích với khách mà như tự nói với mình.
Đa phần các thành viên trong Câu lạc bộ Thư pháp Nam Định đều là dân "ngoại đạo", tự mày mò học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cùng chia sẻ thú chơi. Các thành viên của CLB thường có mặt ở các Hội hoa xuân, lễ hội đền Trần... như những ông đồ trong phiên chợ Tết, góp một nét xưa cho cảnh hội hè nhộn nhịp. Người đến xin chữ chỉ trả chút tiền giấy mực, còn chữ thì các "ông đồ" viết tặng. Tất cả những hoạt động của CLB đều nhằm giữ gìn tiếng thơm của "Đất học, đất văn thơ" - danh xưng nổi tiếng của đất Thành Nam. |
Nguyễn Phượng