Giải quyết tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng (hiện đang ở mức hai con số) sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama trong năm nay.
Trong quý III/2009, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu tăng trưởng sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tích cực.
Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ xem xét dự luật hỗ trợ tạo việc làm trị giá 155 tỷ USD, đã được Hạ viện thông qua trung tuần tháng 12 vừa qua.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội nới lỏng các hạn chế đối với Chương trình Giải cứu Tài sản xấu (TARP) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Ưu tiên thứ hai là cải cách y tế. Trong bối cảnh nước Mỹ trở thành quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất thế giới (với chi phí bình quân đầu người trên 7.000 USD/năm), trong khi 45 triệu người Mỹ (15% dân số) khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do không có bảo hiểm y tế, kế hoạch cải cách y tế của Tổng thống Obama được kỳ vọng là một trong những thay đổi mà nước Mỹ cần phải có.
Mặc dù dự luật trên đã được Thượng viện thông qua ngay trước thềm Giáng sinh, song chính quyền Obama sẽ phải đối mặt với các cuộc thương lượng khó khăn tại Quốc hội để kết hợp hai dự luật của Hạ viện và Thượng viện.
Các nghị sỹ Cộng hòa quyết tâm ngăn cản Tổng thống Obama ký ban hành Luật cải cách y tế trong năm 2010.
Tiếp đến là mục tiêu kiềm chế thâm hụt ngân sách. Chính quyền Obama hiện đang bị chỉ trích mạnh mẽ về khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục 1.420 tỷ USD trong tài khóa 2009 (kết thúc ngày 30/9/2009).
Tuy nhiên, dự kiến về ngắn hạn chi tiêu chính phủ vẫn sẽ tăng do nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm hơn so với dự kiến. Trong khi đó, chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn trong cải tổ hệ thống tài chính do mâu thuẫn nội bộ.
Đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng sẽ một trong những ưu tiên lớn của chính quyền Obama. Sau khi đạt được một thỏa thuận không mang tính ràng buộc về việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu ở Copenhagen, Đan Mạch, chính quyền Obama sẽ phải thúc đẩy Thượng viện thông qua một dự luật về cắt giảm khí thải.
Ngoài ra, các nỗ lực của chính quyền cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nghị sỹ Cộng hòa và các nhà lập pháp từ các tiểu bang sản xuất than đá và dầu lửa.
An ninh tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối nội của Mỹ. Sau vụ đánh bom máy bay hụt đúng ngày Giáng sinh vừa qua, các nghị sỹ bảo thủ và độc lập đã chỉ trích Nhà Trắng lơ là công tác chống khủng bố và kêu gọi Tổng thống Obama xem xét lại quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo, nơi giam giữ các nghi can khủng bố.
Cuối cùng là hai cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq. Trước tình trạng bạo lực gia tăng tại Afghanistan, Tổng thống Obama đã ra lệnh tăng thêm 30.000 lính Mỹ tới chiến trường này, nâng tổng số quân Mỹ tại Afghanistan lên khoảng 100.000 người.
Đây là một quyết định khó khăn trong bối cảnh nước Mỹ hiện đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt ngân sách kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Trong khi đó, mặc dù Tổng thống Obama tuyên bố sẽ rút hết binh lính chiến đấu khỏi chiến trường Iraq vào cuối năm 2011, song dư luận không khỏi hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch này khi thời gian qua, tại đây liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom khủng bố./.
(TTXVN/Vietnam+)