Không ồn ào, dữ dội như những con sóng giữa biển Đông, họ lặng lẽ với công việc khám, chữa bệnh cứu người. Đó là những chiến sĩ quân y quần đảo Trường Sa…
Các y bác sỹ ở Trường Sa đã cấp cứu kịp thời nhiều ca bệnh hiểm nghèo xảy ra đối với cán bộ, chiến sĩ và ngư dân.
“Độc lập tác chiến”
37 tuổi, quê ở tỉnh Hưng Yên, tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sỹ, đại úy Phan Đình Mừng nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa lớn công tác từ tháng 5/2012, với chức danh Bệnh xá trưởng.
Bác sỹ trên đảo Trường Sa |
Chia sẻ với chúng tôi, bác sỹ Mừng cho biết: “Khối lượng công việc ở trên đảo Trường Sa lớn rất nhiều và đa dạng hơn so với đất liền vì các y bác sỹ phải xử lý tất cả các loại bệnh, chấn thương. Do vậy, anh em phải tự học thêm nhiều qua sách, tài liệu mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
Các y, bác sỹ ở đảo phải độc lập tác chiến, nếu cần sẽ nhờ tư vấn từ đất liền qua điện thoại hoặc ghi điện phim, chụp ảnh lại rồi gửi email để các bác sỹ ở Bệnh viện 175 xem và chuẩn đoán giúp. Do vậy, chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp ở Trường Sa đặc biệt quan trọng.”
Trong năm 2012, cùng với việc khám, chữa bệnh cho quân dân trên đảo, bác sỹ Mừng và đồng nghiệp đã khám, chữa bệnh bệnh cho hơn 400 lượt ngư dân trên biển, trong đó phẫu thuật, cấp cứu kịp thời thành công 7 ca khó do bị tai nạn lao động. Với trách nhiệm của một thầy thuốc và sự cẩn trọng ở từng ca bệnh, hầu hết các trường hợp đưa đến Bệnh xá đảo Trường Sa lớn đều được xử lý kịp thời, đúng phương pháp và sớm phục hồi sức khỏe.
Điển hình như trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Dự (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị viêm ruột thừa khi đang đi biển được cấp cứu kịp thời đã qua cơn nguy kịch. Bác sỹ Phan Đình Mừng kể lại: “Bệnh nhân Dự vào bệnh xá cấp cứu trong tình trạng đau bụng đã 10 ngày, với triệu chứng không rõ ràng, sốt nhẹ. Sau khi trao đổi với các bác sỹ Bệnh viện 175 trong đất liền, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành mổ, lấy toàn bộ khối mủ trong ruột thừa ra. Sau 2 ngày mổ, bệnh nhân bắt đầu đi tiểu được và đến ngày thứ 3, bệnh nhân Dự thấy đói bụng, đòi ăn, ca phẫu thuật coi như đã thành công”.
Một trường hợp khác bác sỹ Mừng không nhớ tên, bệnh nhân cũng là ngư dân bị dây cáp tàu cứa đứt nửa bàn chân, vào bệnh xá trong tình trạng mất nhiều máu. Với sự cứu chữa tận tình của các y, bác sỹ, chỉ vài ngày sau bệnh nhân đã rời đảo trở về đất liền.
Ngoài việc cứu chữa cho các ca cấp cứu khẩn cấp, bác sỹ ở Trường Sa còn khám và cấp thuốc cho bà con ngư dân đi biển dài ngày bị bệnh. Từ những việc làm trên, tình cảm quân dân của chiến sĩ ở các đảo Trường Sa với bà con ngư dân ngày càng khăng khít.
Bảo vệ kịp thời cho ngư dân
Cũng làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, trong năm qua, các y, bác sỹ của Bệnh xá đảo Trường Sa Đông ngoài việc làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội trên đảo đã khám, cấp cứu thành công cho nhiều ngư dân bị tai nạn lao động trên biển. Trong đó, đặc biệt là trường hợp ngư dân Phạm Tiễn (46 tuổi, ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) bị gãy xương cánh tay phải. Bác sỹ, đại úy Nguyễn Duy Ngọc (41 tuổi, quê Nông Cống, Thanh Hóa), Bệnh xá trưởng kể:
“Tối 31/7/2012, bệnh xá đón nhận bệnh nhân Tiễn vào bệnh xá trong tình trạng gẫy hở xương cánh tay phải, vết thương rộng, mất nhiều máu và sức khỏe rất yếu. Ngay sau đó, kíp quân y bệnh xá đã khẩn trương tiến hành cấp cứu bằng biện pháp cắt lọc vết thương dập nát, khâu cầm máu, đặt dẫn lưu, băng bó cố định xương gẫy, truyền dịch chống sốc và giảm đau. Đến sáng hôm sau, bệnh nhân ổn định, không còn nguy hiểm đến tính mạng, chúng tôi mới yên tâm và tiến hành làm các thủ tục chuyển bệnh nhân vào đất liền để tiếp tục điều trị”. Bác sỹ Ngọc cũng cho biết, đây là 1 trong 8 ca đặc biệt năm 2012 mà anh cùng đồng nghiệp đã tiến hành cấp cứu thành công.
Cũng theo bác sỹ Ngọc, các vụ tai nạn lao động trên biển của các ngư dân nếu không được điều trị kịp thời, mức độ nguy hiểm sẽ rất cao, bệnh nhân dễ kiệt sức vì mất máu và khó bảo đảm được tính mạng… Khác với đảo nổi, ở các đảo chìm, ngoài công việc chữa bệnh, cứu người, y, bác sỹ còn phải là một chiến sỹ thực thụ.
Bác sỹ Nguyễn Văn Sỹ (35 tuổi, quê Chương Mỹ, Hà Nội) ở đảo chìm Đá Đông, trước đó đã có 5 năm công tác tại nhà dàn 115, 110, 118, 120 và đảo Đá Lớn cho biết: Cùng với việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội các anh cũng gác đêm, sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có lẽ với lính đảo Trường Sa nói chung và những chiến sĩ quân y nói riêng mà chúng tôi đã gặp có một nét chung đó là tinh thần lạc quan, vui vẻ. Họ được tăng cường ra Trường Sa công tác thường ở các Bệnh viện Quân y 175, 108, 103 với nhiều chuyên ngành khác nhau nhưng khi ra đảo anh em vẫn thường đùa thành bác sỹ “đa khoa” cả.
Khép lại hành trình, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh những người chiến sĩ, y, bác sỹ bệnh xá Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, tổ quân y đảo chìm Đá Đông dậy từ sáng sớm ra cầu cảng để chia tay. Những chiếc xuồng chuyển tải rời bờ xa dần, những cánh tay vẫn giơ cao vẫy chào tạm biệt, chúng tôi không bao giờ quên các anh, những lương y Trường Sa.
Nguyễn Cường