Các đại biểu khác cũng nêu thực trạng đã 10 năm nay đất trong quy hoạch người dân phải giữ nguyên hiện trạng gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ. Khâu đền bù, giải phóng mặt bằng quyết định rất lớn đến thành công và tiến độ của dự án mà xem ra vấn đề này chưa ổn, đặc biệt số tiền đền bù là ít, cộng với các con số dự toán “nhảy múa” khiến các đại biểu Quốc hội lo ngại khi bấm nút thông qua.
Những ý kiến đó đã vì dân, xuất phát từ vị trí người dân, thấu hiểu những khó khăn mà họ gặp phải khi bắt buộc rời khỏi miếng đất sinh sống của mình. Đã là “quốc kế, dân sinh” thì mọi phương án phát triển đất nước phải gắn liền với quyền lợi người dân.
Cùng trong thời điểm, tại TP HCM, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố, có cuộc đối thoại với cư dân quận 1 về việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Chính quyền thành phố, bằng một văn bản vào năm 1993, dựa trên một văn bản của Chính phủ đã hết hiệu lực từ năm 1979 để thu hồi khu đất “đắc địa” mà cư dân, có cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sống ổn định ở đây từ năm 1980 thành đất thuộc “sở hữu nhà nước”.
Việc đền bù không thỏa đáng và “cuộc chiến” giữa dân và chính quyền về mức đền bù này đã diễn ra suốt từ đó đến nay. Giờ thì có cuộc đối thoại để “gỡ nút” này mặc dù cư dân đã phải rời từ lâu và nơi đây được giao cho doanh nghiệp và đã mọc lên công trình tổ hợp kinh doanh. Điều này đủ thấy lối hành xử tắc trách của chính quyền địa phương.
Thậm chí, dùng các văn bản đã hết hiệu lực pháp luật làm cơ sở để thu hồi đất đai, gây nên bất ổn và bất công xã hội. Đó là nguyên nhân chính gây ra những xung đột giữa dân và chính quyền. Hiện trạng này khá phổ biến đến nỗi ở đâu có giải phóng mặt bằng là nơi đó xảy ra xung đột và bao giờ dân cũng phải trả giá đắt, kể cả lâm vào vòng lao lý.
Hiện tại, hơn ai hết, các đại biểu của dân hiểu rất rõ thực trạng này và không ít người đã lên tiếng, vừa bảo vệ quyền lợi của dân cũng như thực hiện chức năng giám sát để các dự án thực hiện suôn sẻ trên cơ sở “ích nước, lợi nhà”!