Đại úy biên phòng “Chung tay và sẻ chia”
Đại úy Trịnh Tứ Thắng, hiện công tác tại Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa, nhưng trước đó, anh đã gắn bó với nhiều vùng đất biên cương Tổ quốc như Trà Vinh, Quảng Bình.
Cuối năm 2011, anh Thắng được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình. Chứng kiến đời sống khó khăn của dân bản, anh Thắng thường chụp lại những hình ảnh đó và chia sẻ với người thân, các nhà hảo tâm trên mạng xã hội. Từ sự kết nối này, nhóm “Chung tay và sẻ chia” được thành lập, đến nay có nhiều thành viên tích cực tham gia. Hoạt động chính của nhóm là kết nối, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, bà con nghèo ở vùng biên giới.
Hơn 6 năm qua, Đại úy Thắng trực tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm phối hợp với các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Quảng Bình thực hiện hiệu quả chương trình chung tay vì đồng bào nghèo biên giới, với tổng trị giá hàng hóa hơn 450 triệu; kêu gọi các doanh nghiệp giúp đỡ xây dựng phòng học trị giá 450 triệu tặng Trường Tiểu học số 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.
Trong đợt mưa lũ năm 2016, anh kêu gọi các nhà hảo tâm giúp gạo, mỳ ăn liền, tiền mặt, quần áo... cho các xã biên giới của huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh, Bố Trạch... với tổng trị giá hơn 680 triệu. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, anh vận động các nhà hảo tâm trao hơn 200 suất quà, gồm: Cặp, sách, vở, chăn ấm, miến gạo tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới biển, tổng trị giá 120 triệu đồng, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Đầu tháng 11/2017, Đại úy Thắng về nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa, nhưng anh vẫn tích cực liên lạc với các thành viên trong nhóm “Chung tay và sẻ chia” vận động các mạnh thường quân hỗ trợ. Năm 2018, anh đã thực hiện 15 chuyến hàng đến vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa tặng quà cho nhân dân bị thiên tai, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường bàn ghế, ti vi, trống trường, sách vở, quần áo, xe đạp, lương thực, thực phẩm... trị giá hơn 1,8 tỉ đồng.
Trăn trở với những mô hình giúp dân thiết thực
Trước khi chuyển về làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y, BĐBP Kon Tum, Đại úy Xiêng Văn Thang là Đội trưởng Đội VĐQC, Đồn Biên phòng Đăk Xú.
Quản lý địa bàn xã Đăk Xú có mặt bằng kinh tế thấp, tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp, bám sát sự lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, Đại úy Thang đặt ra quyết tâm phải xây dựng bằng được những mô hình giúp dân thiết thực nhất. Từ suy nghĩ đó, anh tích cực tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương và chỉ huy đồn Biên phòng tập trung xây dựng mô hình VAC ở thôn Đăk Nông, với những cây, con phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng nuôi trồng của người dân. Mô hình kinh tế này nhanh chóng phát huy tác dụng, mở ra hướng đi mới giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, Đội VĐQC Đồn Biên phòng Đăk Xú triển khai xây dựng mô hình “Thôn đạo bình yên” ở hai làng Kei Joi và Đăk Long, xã Đăk Xú, vừa giữ vững an ninh nông thôn, vừa tăng cường khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, cùng nhau sống tốt đời đẹp đạo.
Trong trận hạn hán lịch sử xảy ra vào năm 2016, anh Thang cùng đồng đội một mặt tập trung giúp dân chống hạn, mặt khác phối hợp với chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xây dựng công trình nước tự chảy tại thôn Đăk Long và Đăk Giao, xã Đăk Xú. Công trình có tổng trị giá hơn 93 triệu đồng cùng 200 ngày công lao động của bộ đội và nhân dân.
Về đơn vị mới nhưng vẫn giữ nguyên tâm thế của người cán bộ “3 bám, 4 cùng”, Đại úy Thang cùng cán bộ, chiến sĩ trong Đội VĐQC, Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y tập trung xây dựng những mô hình phát triển kinh tế quy mô nhỏ ở hộ gia đình, làm cơ sở nhân rộng ra toàn địa bàn. Từ hai địa chỉ trợ giúp ban đầu là chăn nuôi gà tại gia đình ông Đặng Văn Dũng (thôn Ngọc Hải) và phát triển diện tích cây bời lời ở gia đình ông Lương Văn Nghị (thôn Đăk Mế), đến nay, người dân trong xã Bờ Y đã tiếp cận các công đoạn kỹ thuật, nhất là phòng chống dịch bệnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Mỗi Tết Nguyên đán, Đại úy Thang đã tham mưu cho chỉ huy đơn vị và chính quyền thôn, xã tổ chức vận động, quyên góp, hỗ trợ hưởng ứng Ngày hội bánh chưng xanh với hơn 1.000 cặp bánh chưng được trao tận tay tất cả các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Năm 2018, Đồn đã khánh thành, bàn giao “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Y Vay, ở thôn Kon Khôn, trị giá 52 triệu đồng (nguồn vốn do Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y phối hợp với Hội Phụ nữ xã và Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Kon Tum đóng góp xây tặng).
Dấu ấn Trưởng thôn Nông Thị Hợp
Với thâm niên gần 20 năm làm trưởng thôn, bà Nông Thị Hợp (60 tuổi, người dân tộc Tày, trưởng thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có dấu ấn ở khắp các “mặt trận” của thôn như: Thực hiện kế hoạch hóa gia đình; không còn hiện tượng tảo hôn; tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 0-5 tuổi; vận động học sinh đến trường, người dân không vận chuyển trái phép lâm sản; tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc và cùng với Đồn Biên phòng CKQT Thanh Thủy tuần tra bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản...
Trước đây, Giang Nam là thôn có hơn 40 hộ dân người dân tộc Mông, đa số là hộ nghèo, dân trí thấp, có người không biết tiếng phổ thông, nên việc tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều hạn chế.
Nằm ở trung tâm xã Thanh Thủy, Giang Nam có lợi thế trong việc phát triển các hình thức kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, trưởng thôn Nông Thị Hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng CKQT Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp sang hoạt động kinh doanh là chính... Đến nay, Giang Nam có gần 100/241 hộ làm dịch vụ kinh doanh, thu nhập trung bình 6-7 triệu đồng/tháng/hộ.
Đối với những hộ dân không lựa chọn kinh doanh thì trưởng thôn Nông Thị Hợp vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa vào nuôi, trồng vào những giống con, cây trồng mới, cho năng suất cao lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Mô hình trồng cỏ voi, chuối, mận tam hoa, ngô thâm canh, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn đen... đã phát huy tốt hiệu quả, đưa lại thu nhập khấm khá cho bà con. Nhờ đó, số hộ nghèo của thôn giảm theo từng năm. Năm 2016, toàn thôn có 63 hộ nghèo, năm 2017 còn 53 hộ nghèo và năm 2018 chỉ còn 48 hộ nghèo.
Bên cạnh đó, bà Hợp còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm đường, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã Thanh Thủy. Cho đến nay, với sự vận động của bà, người dân thôn Giang Nam đã tự nguyện hiến 1.220 mét (theo chiều dài) để làm đường. “Để bà con tin và làm theo, bản thân tôi phải gương mẫu và làm đầu. Tôi đã hiến 250 mét vuông để làm đường” - Bà Hợp cho biết.
Tấm gương mẫu mực trong thực hiện các phong trào
Ông Phùn Hợp Sềnh (SN 1950, dân tộc Dao, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII) có 26 năm làm cán bộ xã với cương vị là Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Điều khiến ông luôn suy nghĩ, trăn trở là “nếu bà con cứ phát nương, làm rẫy thì đủ ăn là may mắn lắm rồi. Cứ như thế sẽ mãi không thoát khỏi đói nghèo”. Vì vậy, ông Sềnh mạnh dạn áp dụng những kiến thức tích lũy được từ việc chuyển hướng trồng chè, mở rộng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Qua một năm triển khai thực hiện mô hình trồng cỏ voi, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu nhập gần 40 triệu đồng/vụ.
Từ thành công của gia đình, ông Sềnh đã vận động bà con trong xã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa cây cỏ voi vào trồng thay thế cây keo và một số cây kém hiệu quả kinh tế. Từ khi chuyển đổi được giống, vật nuôi, cây trồng, các gia đình trong xã khấm khá hẳn lên, đời sống tinh thần của người dân được cải thiện.
Không chỉ vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, ông Sềnh còn cùng với các già làng, trưởng bản tổ chức hướng dẫn thế hệ trẻ học tập, giữ gìn phong tục tập quán của người Dao. Đồng thời, vận động nhân dân loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu trong các nghi thức cúng lễ. Khi đời sống của người dân được nâng lên thì các tệ nạn xã hội, tập quán lạc hậu cũng được đẩy lùi.
Không chỉ là một người mẫu mực trong thực hiện các phong trào, ông Sềnh còn là người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư. Trước đây, một số thanh thiếu niên con em dân tộc Dao trên địa bàn hiếu kỳ, bị các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, trọng điểm là ở bản Tài Phố. Chính ông Sềnh và các già làng, trưởng bản là những người có sáng kiến vận động người dân trên địa bàn từ bỏ tà đạo, “tạp đạo” thông qua mô hình “Nhân dân bản Tài Phố giữ gìn phong tục tập quán, ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo, tạp đạo từ biên giới vào trong nội địa”.