Biến CO2 thành sản phẩm hữu ích
Một trong những thách thức lớn nhất của việc giảm thiểu hiệu ứng khí thải nhà kính, đó là có thể thu giữ carbon trên quy mô lớn. Chất thải Carbon dioxide từ các nhà máy đốt bằng nhiên liệu hóa thạch bị “thu giữ”, bảo quản dưới lòng đất thay vì phải giải phóng vào bầu khí quyển nhưng cách này có chi phí khá đắt đỏ.
Liệu có cách nào hay trong việc cải tạo chất thải carbon dioxide thành các sản phẩm để sau đó có thể tái sử dụng? Đó là trọng tâm của một công ty tên là Opus 12 đặt trụ sở chính ở Berkeley, tiểu bang California, với đồng sáng lập là 3 nhà khoa học trẻ tuổi gặp nhau ở Đại học Stanford là Kendra Kuhl, Nicholas Flanders và Etosha Cave.
Họ đã sáng tạo ra một lò phản ứng quy mô nhỏ có thể tái xử lý carbon dioxide thành các hợp chất khác dựa trên carbon và cuối cùng, các hợp chất này dùng để thay thế nhựa từ dầu hỏa hay có thể cải tạo thành khí đốt.
Ba nhà khoa học trẻ Kendra Kuhl, Nicholas Flanders và Etosha Cave sáng lập ra Opus 12, công ty chuyên trách biến đổi Carbon Dioxide thành các dạng nhiên liệu mới |
Năm 2016, công ty Opus 12 đã được chọn lựa để nhận ngân sách từ Breakout Labs, một tổ chức chuyên hậu thuẫn cho các nghiên cứu khoa học, và bộ ba nhà khoa học là người chiến thắng tại cuộc thi Forbes thay đổi thế giới (Forbes change the World). Opus 12 cũng lọt vào vòng bán kết của cuộc thi NRG COSIA Carbon XPRIZE nhằm phát triển các công nghệ mang tính đột phá dùng để biến đổi khí thải carbon dioxide thành các sản phẩm mới và hữu ích.
Nhà khoa học Kendra Kuhl tự hào phát biểu: “Trong năm 2017, chúng tôi sẽ tập trung mở rộng quy mô thiết bị của mình đến một kích thước mà quý vị có thể cầm nó trong tay hoặc có thể bằng cái tủ lạnh để có thể chứa đựng 226,7kg chất thải carbon dioxide/ngày và biến đổi nó thành các sản phẩm giá trị cao”.
Lập trình tế bào robot tí hon chống ung thư
Liệu pháp miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể con người được kích thích để tấn công các tế bào khối u, đã được nhìn nhận là một trong những hướng tiếp cận mới mẻ trong việc chống lại căn bệnh ung thư. Nhưng nhà khoa học Wendell Lim còn cải thiện phương pháp điều trị này lên một tầm cao mới.
Tháng 9/2016, một nhóm nghiên cứu do Wendell Lim - nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco và đồng thời là một nhà điều tra cho Viện y tế Howard Hughes – dẫn đầu đã cho công bố một nghiên cứu, trong đó nói rằng có thể tạo ra việc lập trình tổng hợp các tế bào T có chức năng tinh vi hơn, nhắm mục tiêu điều trị chính xác hơn.
Nhà khoa học Wendell Lim, chuyên gia lập trình các các tế bào rô-bốt siêu nhỏ để chống ung thư |
Theo đó, “những tế bào synNotch T” sẽ được thiết kế để “nằm vùng” trên các mô u và điều trị nó bằng kháng thể. Các tế bào này cũng được thiết kế, tiêu diệt mô độc chỉ khi chúng nhận diện ra 2 cơ chế sản xuất khác nhau trong các tế bào ung thư, là một tính năng làm giảm đáng kể sự tổn hại đối với các mô khỏe mạnh.
Thêm nữa, các tế bào còn có tiềm năng chống lại các căn bệnh khác ngoài ung thư. Các tế bào T có thể được hướng dẫn nhằm ngăn ngừa phản ứng miễn dịch, nghĩa là chúng có thể dùng cho việc điều trị các bệnh tự miễn dịch, như bệnh tiểu đường típ I.
Xa hơn, các tế bào tổng hợp T như Wendell Lim mô tả là “những người máy siêu nhỏ” chỉ có thể dùng trong cơ thể chuột. Và công ty Cell Design Labs của Wendell Lim đang cố gắng tinh chỉnh các con rô-bốt siêu tí hon này trong năm 2017, bắt đầu ứng dụng trị lâm sàng cho người từ năm 2018.
Pha trộn nghệ thuật và...thực tại ảo
Đó là khi mà họa sĩ New York-Rachel Rossin biến mình thành nhà tiên phong khi pha trộn giữa hội họa và lập trình. Phát minh mới mẻ này được hiển thị bằng cách tạo ra những trải nghiệm quanh những mảnh vỡ được quét từ những bức họa và ảnh của Rossin, thay đổi thông qua phần mềm trò chơi. Kế đó, cô sẽ tạo ra một dạng “trừu tượng tĩnh vật” – những bức họa sơn dầu trong những hình ảnh kỹ thuật số nhìn rất siêu thực.
Họa sĩ Rachel Rossin, tiên phong trong phối hợp thực tại ảo giữa lập trình và tranh hội họa |
Hồi tháng Giêng năm 2016, một bức họa của Rossin có tựa đề “Bầu trời là khoảng trống” đã được đem ra triển lãm ở Liên hoan phim Sundance, sau đó được đem đi triển lãm ở các bảo tàng Thượng Hải và Helsinski.
Lấy nguồn cảm hứng từ một vụ nổ vào phút cuối trong bộ phim công chiếu hồi năm 1970 mang tựa đề Zabriskie Point, bức họa cho phép người xem cảm nhận thời gian chuyển động thông qua một dụng cụ đội đầu được chế tạo đặc biệt.
Máy bay không người lái “né” cây cối
Anh Adam Bry chắc mẩm máy bay không người lái có thể làm được khối việc hay ho, miễn sao cho nó có thể bay tự do. Và đó là lý do để ra đời Skydio, một dự án khởi nghiệp ở California mà Adam Bry là đồng sáng lập và giờ đảm đương cương vị giám đốc điều hành (CEO) với mục tiêu phát triển các loại máy bay không người lái có thể bay tự động với “sự nhanh nhẹn, nhìn thấy và vượt xa khả năng của một phi công có chuyên môn”.
Trước đó, Adam Bry đã giúp khởi động hệ thống giao hàng bằng máy bay không người lái mang tên Project Wing của Google, chế tạo ra các loại máy bay không người lái có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và “nhìn” vi tính thông qua các camera để đưa các quyết định bay.
Adam Bry chế tạo ra những chiếc máy bay không người lái có khả năng “né” cây cối khi bay |
Nó có thể “nhìn ra” cây cối và các vật thể khác để “né” chính xác. “Năm 2017, chúng tôi khởi động sản phẩm đầu tiên dùng kiến thức sâu và trí tuệ nhân tạo với hứa hẹn về một loại camera bay tự động” - Adam Bry nói.
Cửa hàng trực tuyến về phân tích ADN
Giờ đây bạn có được ADN đã được phân tích, vậy tại sao không có một cửa hàng ứng dụng để bạn có thể chọn lựa về thứ mà bạn muốn biết về di truyền của mình? Đó cũng là tiền đề để ra đời Helix, một công ty gene tư nhân đang phấn đấu tìm ra thị trường trực tuyến cho việc tự phân tích gene.
Justin Kao, một trong những nhà đồng sáng lập công ty ở San Francisco và giờ đây là Phó chủ tịch cao cấp về đối tác và phát triển, đang nhìn thấy rất nhiều tiềm năng. “Trong cuộc đời chúng ta sẽ đến một lúc nào đó, ai cũng được hưởng lợi từ việc cho kết quả ADN có sẵn của mình”. Được công nhận là một trong 10 công nghệ đột phá của năm 2016 theo bình chọn của MIT, Helix giờ đang có nhiều đối tác “nặng ký”.
Justin Kao sáng lập công ty trực tuyến về phân tích di truyền |
Một khi Helix phân tích đầy đủ về ADN thông qua mẫu nước bọt của các cá nhân, họ sẽ bảo lưu tất cả nguồn dữ liệu, hoàn tất quá trình mã hóa di truyền để được sử dụng cho các dịch vụ phân tích ADN được cung cấp cho các đối tác của Helix, có thể là truy về nguồn gốc tổ tiên hay quyết định về ảnh hưởng tiềm tàng về sức khỏe của cha/mẹ cho con cái.
Làm khảo sát nhanh và dễ
Những chuyến khảo sát thường tốn thời gian và nhàm chán, nhưng Natasia Malaihollo lại chứng minh rằng, có một cách khảo sát tốt hơn để lấy được thông tin phản hồi và ... rất vui vẻ.
Wyzerr, dự án khởi nghiệp của Natasia Malaihollo ở Covington, tiểu bang Kentucky (Mỹ) chuyên tạo ra phần mềm khảo sát mới có thể dùng trong các dạng ứng dụng trò chơi di động, mạng xã hội hay thi cử, dựa trên một công nghệ gọi là Smartforms, sử dụng trí tuệ nhân tạo để “ăn” các phản hồi của người tiêu dùng trong thời gian thực tế và thích ứng với các câu hỏi phù hợp, khiến cho mỗi khảo sát là một trải nghiệm cá nhân.
Natasia Malaihollo sáng lập Wyzerr chuyên về các mô hình khảo sát mới |
Các khảo sát cũng được tạo ra rất nhanh chóng. Theo CEO Malaihollo, phần mềm Smartforms có thể trả lời 25 câu hỏi trong không đầy 1 phút – giúp giải thích tại sao Wyzerr có thể hoàn thành hơn 80% các nghiên cứu thị trường của mình thông qua khảo sát người tiêu dùng.
“Chúng tôi muốn tạo ra các nghiên cứu tầm doanh nghiệp có sẵn cho mọi người bằng cách khai thác trí tuệ nhân tạo để thực hiện một số công việc - rất tốn kém – những nhiêm vụ mà các nhà nghiên cứu gần đây phải làm bằng tay”.../.