Những đổi mới khang trang
Tròn một năm kể từ ngày núi vỡ ập xuống làng, trở lại xã miền núi Phước Kim (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) giữa thời điểm đất trời giao hòa đón mùa xuân mới, đường đi đã bớt bùn lầy, cây cối cũng vững vàng hơn sau thời gian dài nghiêng ngả vì mưa bão. Những căn nhà ở khu tái định cư thôn Trà Vân A đã được dựng lên, dần trở thành hình hài của một bản làng mới. Làng mới nhưng vẫn lấy tên cũ – Trà Văn A như một sự nhắc nhớ nỗi đau mà dân làng đã trải qua, để rồi từ đó biến thành động lực bước tiếp, kiên cường hơn.
Ngồi cùng vợ con bên chén trà, thấy có người lạ đến, anh Hồ Văn Long vội nhoẻn miệng chào. Nơi góc nhà, chiếc đệm mới tinh được xếp gọn, kế đó là nồi cơm điện, gạo và quần áo. Còn có cả chiếc ti vi màn hình phẳng là tài sản quý giá nhất trong nhà. Một sự đổi mới khang trang. Anh Long khoe: “Hồi lũ đi qua, cơm ăn còn lo thiếu, huống chi chuyện làm nhà. Không ngờ rằng bây giờ có được nhà mới, mà còn chắc chắn, an toàn hơn nhà cũ. Sắp tới thì có điện, được xem ti vi. Năm nay, mình ăn Tết trong ngôi nhà riêng của vợ chống".
Những nụ cười hạnh phúc đã trở lại với bà con tại Khu tái định cư thôn 1, xã Phước Thành. |
Nụ cười đã trở lại trên nét mặt người làng như bà Hồ Thị Sương, ở khu tái định thôn 3, xã Phước Thành bảo với tôi, sống gần hết cuộc đời chỉ kịp nghĩ tới cái ăn ngày mai, nghĩ tới chuyện chạy đi đâu mỗi khi trời mưa bão vậy mà giờ mới có cái nhà kiên cố để ở. Giờ không ai muốn nhắc chuyện cũ nữa. Về mặt bằng mới, qua vài trận mưa núi, bà con đã thấy mình an tâm hơn rất nhiều. “Mấy tháng vừa rồi mình nhận quà, nhận tiền hỗ trợ suót. Mình dành dụm mua sắm đồ dùng trong nhà cho Tết hôm nay”- bà Sương tâm sự.
Huyện miền núi Phước Sơn, có hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 đã làm hàng trăm ngôi nhà của người dân các xã Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc bị dòng nước Xe hung dữ cuốn trôi. Sau bão lũ, cuộc sống bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Nhiều tháng liền người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, đồ ăn, thức uống phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Những đứa trẻ ở Phước Sơn đã tươm tất hơn trong bộ quần áo mới để đến trường sau những ngày giông bão. |
Đến nay, tất cả bà con đã chuyển về làng mới sinh sống, gây dựng lại từ đầu. Ông Hồ Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim cho biết: “Chúng tôi đã tính toán đến từng nhu cầu nhỏ nhất của bà con, lắng nghe ý kiến của từng nhà, từng người, để rồi kịp thời kiến nghị các cấp, ngành và cả những nhà hảo tâm hỗ trợ. Xã nỗ lực cân đối nguồn hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, không để ai bị thiệt thòi. Hiện nay, tại khu Trà Vân A đã xây xong, đưa bà con về ở. Từ nay tới Tết Nguyên đán, điện và nước ở khu này sẽ ổn định”- ông Hồ Văn Thương chia sẻ.
Tái thiết vùng cao
Sau câu chuyện an cư, huyện Phước Sơn cũng đang tính toán để khôi phục lại thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, từng bước tìm kiếm sinh kế lâu dài cho người dân địa phương. Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, UBND huyện đã hỗ trợ đồng bào trồng và chăm sóc cây dược liệu dưới tán lá rừng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng sinh kế mới, bền vững và lâu dài cho đồng bào và thay thế cây keo, loại cây trồng vừa có hiệu quả kinh tế không cao, không giữ được đất, gây sạt lở núi trong mùa mưa lũ.
Những ngôi nhà an cư ở vùng cao huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, những ngôi nhà mới của bà con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là điểm tựa để mọi người yên tâm lao động sản xuất, từng bước tạo nên một diện mạo mới, đổi thay sau thiên tai. Dù hiện tại vẫn còn khó khăn nhưng bà con cũng rất cố gắng.
“4 khu tái định cư với 120 hộ đã được địa phương gấp rút thi công hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Về lâu về dài, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay huyện cũng đang chờ chủ trương của tỉnh tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất cho nhân dân để đảm bảo ổn định cuộc sống. Hiện nay, các ban ngành của huyện cũng hướng dẫn triển khai cho bà con có hướng làm ăn lâu dài"- ông Trung chia sẻ.
Sau tất cả nỗi mong chờ, nắng ấm trở lại với vùng cao, lặng lẽ hồi sinh cho góc núi. |
Theo tính toán của tỉnh Quảng Nam, địa phương vẫn còn đến khoảng 7.000 hộ dân ở các bản làng vùng cao cần được sắp xếp, bố trí di dời đảm bảo an toàn trong thiên tai giai đoạn 2021-2025. Do vậy, vừa khắc phục thiệt hại, vừa lồng ghép chương trình tái thiết với phục hồi và phát triển kinh tế xã hội địa phương là quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh trong ứng phó thiên tai, đáp ứng những yêu cầu mới. Đây sẽ là một câu chuyện dài và nhiều gian nan đòi hỏi sự nỗ lực, mạnh mẽ hơn nữa của cả người dân và chính quyền các huyện vùng cao Quảng Nam như họ đã từng.
Chưa đủ lâu để xanh lại những vết lở in hằn trên từng quả núi, ngọn đồi. Nhưng, sau tất cả nỗi mong chờ, nắng ấm trở lại với vùng cao, lặng lẽ hồi sinh cho góc núi. Đi qua những miền đất lở, trên gương mặt người già, trẻ thơ, nét âu lo đã tạm lui, nhường chỗ cho nụ cười.