Sáng 12-2 (tức 29 tháng Chạp), chị Bùi Thị Thúy - công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị Lê Chân đang trực cùng đồng nghiệp bên xe rác đầy có ngọn ở khu vực dải vườn hoa Trung tâm thành phố. Đây là tuyến đường trọng điểm- nơi diễn ra chợ Hoa xuân- lượng rác thải trong những ngày này tăng gấp 10 lần nên chị Thúy phải quét nhiều lần mới bảo đảm sạch các tuyến đường. Từ một tuần nay, chị cùng các công nhân phải quét dọn, thu gom cật lực cả ngày. Chị bảo, mọi người chỉ được nghỉ khi thu dọn hết rác trong ngày.
Chị Thúy tâm sự, cao điểm trong dịp Tết là ngày 30, chị và các đồng nghiệp tập trung tổng vệ sinh tại khu vực dải vườn hoa Trung tâm thành phố chuẩn bị cho Lễ đón Giao thừa, bắn pháo hoa. Nhiều năm đón Giao thừa trên đường phố nhưng chị Thúy và các công nhân vệ sinh vẫn gắn bó với công việc để bảo đảm mỹ quan và môi trường sạch đẹp cho thành phố những ngày đầu Xuân.
Đã 17 năm nay, gia đình chị Thúy hầu như không có giây phút sum họp, đón giao thừa trong đêm 30, bởi vợ chồng chị làm cùng nghề. Ngày 30 Tết, chị Phượng làm ca từ 2 giờ chiều đến 12 giờ đêm, còn anh Nguyễn Ngũ Trí - chồng chị, lái xe chuyển rác - làm từ 3 giờ chiều đến 3 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Chị Thúy về nhà trước nên thay mặt chồng thắp nhang, cúng ông bà tổ tiên, sau đó cùng 2 con chờ chồng về đón giao thừa muộn… Chị Thúy tâm sự: “Nhiều khi đứng quét rác đêm 30, nhìn cảnh thiên hạ dập dìu đi đón giao thừa, nghĩ đến các con ở nhà, mình lại thấy tủi thân…”.
Công nhân vệ sinh môi trường đang khẩn trương thu gom, vận chuyển rác trong dịp Tết Canh Dần 2010 |
Ở đội vệ sinh môi trường của Xí nghiệp Môi trường đô thị, có nhiều cặp vợ chồng làm cùng nghề như chị Thúy - anh Trí nên với họ, thời khắc đón giao thừa cũng là thời điểm họ bận rộn với công việc nhất khi phải xử lý cả “núi” rác. Nhắc đến những cảm xúc của những lần đón giao thừa… ngoài đường trong những đêm 30, chị Nguyễn Thị Tấn, nhà ở khu D phường Cát Bi (Hải An) - người có thâm niên công tác 25 năm - rơm rớm nước mắt. Chị kể, những ngày giáp Tết, có những lúc đang quét đường, nhìn cảnh gia đình người ta quây quần sum họp, chị ứa nước mắt khi nghĩ đến 2 đứa con thơ đang đợi mẹ ở nhà. Đã thành thông lệ, biết tính chất công việc của chị như thế nên đêm 30 năm nào cũng vậy, cả nhà cùng thức chờ chị về rồi mới đón giao thừa. Các con còn nhỏ nên chỉ mỗi ông xã cặm cụi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ đón Tết và trông ngóng chị về lúc nửa đêm về sáng để cùng đón giao thừa muộn… Chị Tấn nói, tuy công việc vất vả nhưng cứ mỗi lần nhìn đường phố sạch đẹp, gọn gàng, sáng bừng trong ngày đầu năm mới, lòng chị lại rộn ràng một niềm vui khó tả. Nhiều anh chị em tâm sự, công việc ngày thường đã vất vả, Tết lại càng cực hơn. Tính trung bình những ngày cận Tết, anh chị em công nhân phải quét dọn, thu gom rác gần chục cây số/ngày nên năm nào cũng vậy, công nhân của Công ty luôn phải đón giao thừa trên đường phố. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo xí nghiệp, những năm gần đây mức sống, thu nhập của người lao động được nâng cao, đặc biệt trong dịp Tết. Điều này khiến họ phấn khởi, cảm thấy gắn bó và có trách nhiệm hơn trong công việc.
Với những người làm công tác vệ sinh đường phố, dường như khái niệm Tết của họ luôn gắn liền với công việc bận rộn. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa. Có mấy ai trong đêm giao thừa để ý tới những người vẫn cặm cụi làm đẹp cho từng góc phố ? Có mấy ai lắng nghe những tiếng chổi xào xạc trong đêm 30 Tết? Với những người như chị Thúy, chị Tấn, anh Trí, sau những ồn ào, náo nhiệt của dòng người đi đón giao thừa, khoảnh khắc lặng lẽ đứng giữa đất trời chứng kiến thời khắc giao mùa là những giây phút xúc động nhất, dù họ không có được không khí đầm ấm sum họp gia đình đêm 30 Tết như bao người khác…
Hải Nguyễn