Những người nhiễm cúm Corona ở Việt Nam phát bệnh thế nào?

Bệnh nhân điều trị tại BV Chợ Rẫy.
Bệnh nhân điều trị tại BV Chợ Rẫy.
(PLVN) - Đến chiều 30/1, Việt Nam đã ghi nhận 5 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV, hay còn gọi là viêm phổi Vũ Hán, dịch cúm Corona), trong đó có 3 người Việt và 2 cha con người Trung Quốc. Vậy những người này là ai, phát bệnh ra sao và đã di chuyển qua những địa phương nào?

Tiếp xúc nhiều người thân trước khi bệnh khởi phát

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đến 15h20 ngày 30/1, các mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả thêm 3 ca nhiễm virus Corona dương tính là công dân Việt Nam, trở về từ Vũ Hán. Trong đó, một người đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Những người đã tiếp xúc các bệnh nhân này đang được theo dõi và cách ly.

Điều đáng lo ngại là cả 3 bệnh nhân đã ở Vũ Hán hai tháng và cùng trở về ngày 17/1, sau đó sử dụng taxi, xe khách di chuyển đến Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, gặp gia đình, họ hàng. 

Cả 3 bệnh nhân đều có chung tiền sử dịch tễ. Họ cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 2 tháng. Những người này trở về Việt Nam ngày 17/1 trên cùng chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China.

Cụ thể, chị N.T.T., 25 tuổi, ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, khởi phát bệnh ngày 24/1, được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hoá lấy mẫu ngày 24/1, chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cùng ngày.

Trước đó, ngày 17/1, bệnh nhân này về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, sau đó được công ty đón bằng ôtô, di chuyển về trụ sở tại xã Thiện Kế, huyện Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày 23/1, bệnh nhân bắt xe ra bến xe Giáp Bát, Hà Nội và di chuyển bằng xe khách về Yên Định, Thanh Hóa, lúc 18h cùng ngày. Khoảng 22h, người này có biểu hiện sốt, ho. 13h ngày 24/1, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Định khám và được chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, sốt, ho. Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá, trong tình trạng ổn định.

Trong khi đó, anh P.V.C., 29 tuổi, ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, khởi phát bệnh ngày 21/1, được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu ngày 26/1. Khi có triệu chứng khởi phát ngày 21/1, người này đã đi khám tại phòng khám tư ở huyện Tam Dương, sau đó đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ngày 23/1.

Bệnh nhân điều trị không khỏi nên nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng ngày 26/1. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng.

Bệnh nhân N.T.D., nữ, 23 tuổi, địa chỉ huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân khởi phát ngày 25/1 tại nhà, được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu ngày 27/1. Ngày 25/1, bệnh nhân đi taxi cùng bố đẻ đến nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17/1 đến khi nhập viện, bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người thân, họ hàng.

Việt Nam điều trị thành công cúm Corona

Trước đó, ngày 23/1, Việt Nam phát hiện 2 bệnh nhân người Trung Quốc dương tính với virus Corona.

Hai bệnh nhân được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Trường hợp đầu là ông Li Ding (sinh năm 1954), nhập viện ngày 22/1. Con trai bệnh nhân là Li Zichao, sinh năm 1992, khởi phát sốt ngày 17/1. Bệnh nhân được ghi nhận đến từ Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc - vùng dịch tễ của chủng virus Corona gây viêm phổi cấp.

Theo lịch trình ghi nhận, ngày 13/1, ông LiZing cùng vợ từ TP.Vũ Hán (Trung Quốc) đến Hà Nội bằng máy bay, sau đó cũng di chuyển bằng máy bay đến Nha Trang (Khánh Hòa). Ngày 17/1, người con trai LiziChao đang sống, làm việc tại Long An đã ra Nha Trang gặp cha mẹ và ở với nhau 4 ngày rồi cả gia đình di chuyển về TP.HCM bằng tàu lửa.

Cùng ngày 17/1, người cha phát sốt; ngày 20/1 người con phát sốt và cả gia đình bệnh nhân cùng đón taxi về Long An. Ngày 22/1, hai cha con bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện huyện Bình Chánh TP.HCM và được tư vấn đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám.

Khoảng 9 giờ ngày 22/1, hai cha con bệnh nhân nhập vào Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. Qua khám lâm sàng và khai thác dịch tễ, các bác sĩ nghi bệnh nhân nhiễm vi rút Corona. Ngay lập tức 2 bệnh nhân được chuyển cách ly nghiêm ngặt tại Khoa Bệnh nhiệt đới và điều trị theo đúng phác đồ Bộ Y tế ban hành. Bệnh viện tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur, sau 6 giờ đã có kết quả xét nghiệm khẳng định hai cha con bệnh nhân nhiễm virus Corona. 

Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào khu vực cách ly tuyệt đối hai lớp và chăm sóc theo đúng quy trình theo phác đồ của Bộ Y tế. Đến 28/1, người con được xét nghiệm lại âm tính với virus Corona. Còn người cha hiện ăn ngủ được, ngưng sốt từ chiều 25/1. Sáng 30/1, bác sĩ Viện Pasteur TP HCM phối hợp lấy mẫu để tiếp tục làm xét nghiệm nCoV lần thứ 4. Kết quả xét nghiệm lần thứ 3, ông vẫn còn dương tính với chủng virus Corona mới. 

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ban đầu hai bố con người Trung Quốc không chịu cách ly vì cho rằng không nhiễm nCoV, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kiên quyết thuyết phục.

Họ là người sống tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Người con Li Zichao sinh năm 1992, làm việc ở tỉnh Long An, người bố Li Ding 66 tuổi cùng vợ từ Vũ Hán đến Việt Nam tham quan kết hợp thăm con. Hai vợ chồng bay từ Trung Quốc sang Hà Nội, sau đó bay vào Nha Trang, từ đó đi tàu vào TP HCM và đi taxi xuống Long An. Bố sốt từ ngày 17/1, con sốt từ ngày 20/1, ngày 22/1 họ vào Bệnh viện Chợ Rẫy khám và bị cách ly đến nay.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nhờ chuẩn bị chống dịch ngay từ đầu nên bệnh viện hoàn toàn chủ động trong quá trình phát hiện, cách ly và điều trị cả hai bệnh nhân.

Hai bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế gồm cách ly, sử dụng thuốc trị virus, kháng sinh phổ rộng chống nhiễm vi trùng, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng... Riêng người bố có các bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, đã đặt stent mạch vành, tiểu đường, viêm phổi. Ông đã từng cắt một phần phổi do ung thư nên phải phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị.

“Các y bác sĩ 4 khoa bệnh nhiệt đới, tim mạch, nội tiết, hô hấp phải cùng phối hợp suốt dịp Tết để lên phương án điều trị cho bệnh nhân Li Ding, sớm kiểm soát bệnh”, bác sĩ Thức nói. 

Theo Bộ Y tế, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus Corona chủng mới nCoV, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác nếu có. Phòng lây nhiễm tại cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che mũi, miệng khi hắt hơi và ho, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ, tự cách ly và đi khám khi có biểu hiện hô hấp... Virus Corona suy yếu khi nhiệt độ trên 20 độ C, nhất là trên 25 độ và điều kiện độ ẩm cao. 

Từ ngày 30/1, khi phòng khám hoạt động lại sau kỳ nghỉ Tết, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức phân luồng người bệnh, lập khu khám riêng với bệnh nhân có sốt xuất phát từ vùng dịch tễ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 29/1 biểu dương, khen thưởng y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vì điều trị thành công bệnh nhân nhiễm nCoV.

Dịch viêm phổi lạ bắt nguồn từ virus Corona chủng nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán từ ngày 31/12/2019, hiện đã lan rộng đến nhiều quốc gia. 10 ngày qua cả nước đã cách ly 98 người nghi nhiễm nCoV, trong đó 50 người miền Bắc, 44 người miền Trung, 4 người miền Nam.

Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng 19003228 cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố có cửa khẩu áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách Trung Quốc nhập cảnh từ 0h ngày 25/1.

Đeo khẩu trang thế nào mới đúng cách? 

Bác sĩ Trần Thu Nguyệt, Vụ Truyền thông, Bộ Y tế, cho biết khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp với công dụng khác nhau. Lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt xì, ho, thở mạnh... Mặt ngoài thường có màu xanh nhạt để dễ phân biệt, đeo khẩu trang đúng là để lớp màu quay ra ngoài.

Lớp trong luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với lớp ngoài. Mặt vải quay vào trong, sát với da mặt nên phải tinh khiết mịn màng, không xơ sợi sùi lông gây khó chịu. Ngoài ra phải có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc “đúng chuẩn” phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ: “Dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho, nên sẽ ngăn chặn virus rất hiệu quả”, bác sĩ Nguyệt cho biết.

Theo bác sĩ Nguyệt, sử dụng khẩu trang y tế đúng cách là chỉ sử dụng một lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Không tái sử dụng khẩu trang dùng một lần.

Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Cần rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang. T.Uyên

Đọc thêm

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.

Khi đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển ngành Y tế

Các bạn trẻ tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghệ ngành Y tế năm 2024. (Ảnh: MOST)
(PLVN) - Tiến bộ trong công nghệ sinh học và chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển thuốc, vaccine, mà còn giúp cải thiện việc chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống cho người dân.