Đã thành thông lệ, cứ đến tháng 8 hàng năm, những người cựu chiến binh của Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31) tại Hà Nội và các tỉnh lân cận lại tổ chức gặp mặt để kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn (tháng 8/1966). Ấm nồng tình đồng chí, đồng đội, họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm chiến đấu tại chiến trường năm xưa; bàn cách giúp đỡ, thăm hỏi những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn; chia sẻ thông tin và giúp đỡ các gia đình liệt sỹ trong việc tìm kiếm, xác định hài cốt người thân hi sinh tại chiến trường…
Giây phút đồng đội gặp lại nhau |
Danh hiệu “xuyên quốc gia”
Mùa thu năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai của quân và dân Lào trên mặt trận Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng diễn ra rất quyết liệt. Trước yêu cầu cấp thiết của cuộc chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Trung đoàn 866- đơn vị bộ binh quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng. Các đơn vị hợp thành Trung đoàn là những phân đội quân tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế, có nhiều thành tích và kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng, công tác ở mặt trận Cánh đồng Chum…
Sự ra đời của Trung đoàn đã thể hiện sinh động tình đoàn kết quốc tế, thủy chung của quân dân Tây Bắc, Khu 4 đối với quân dân cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng, nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời mở ra chặng đường vẻ vang của Trung đoàn 866. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), được Nhà nước CHDCND Lào tặng Huân chương Ít Xa La hạng nhất.
Năm 1978, những người lính Trung đoàn 866 lại được lệnh lên biên giới Tây Ninh chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Tây Nam của tổ quốc và giúp Bạn Camphuchia truy quân “Khơ me đỏ”. Thành tích xuất sắc trong giai đoạn này khiến cho Trung đoàn 866 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ 2; được Nhà nước Camphuchia tặng huân chương Ang Ko hạng nhất….
Những kỷ niệm không quên
Đã qua những trận chiến ác liệt ở nước bạn hơn 40 năm nhưng trong những lần gặp mặt như thế này, những CCB của Trung đoàn vẫn luôn nhắc đến “tấm gương” Vi Đức Cường- người từng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1970. Chính vì vậy, tuy buổi gặp mặt năm nay không có mặt người CCB dân tộc Dao này nhưng chúng tôi vẫn được nghe kể khá chi tiết về những chiến công trên đất bạn Lào năm xưa…
Làm nhiệm vụ của một người lính đặc công, Vi Đức Cường được lệnh đi điều tra, nghiên cứu tình hình căn cứ Mường Chà để nắm tình hình địch, giúp cấp trên lập kế hoạch tác chiến để chuẩn bị trận đánh. Tại đây, địch tiến hành canh gác cẩn mật và có hệ thống đèn điện chiếu sáng xung quanh nhưng do theo dõi mục tiêu một cứcch công phu, Vi Đức Cường đã khéo léo ngụy trang, lợi dụng lúc địch đổi gác để dũng cảm vào hẳn bên trong căn cứ của địch quan sát…
Lần khác, được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho trận đánh một sân bay trong lòng địch, anh mưu trí cải trang thành quân địch, đi qua nhiền trạm kiểm soát để vào tận sân bay rồi bình tĩnh quan sát mục tiêu và cách bố phòng…Sau này, khi đơn vị đánh vào sân bay, chính Vi Đức Cường đã dẫn mũi tiến công chủ yếu nhanh chóng đánh sập khu trung tâm thông tin, góp phần quan trọng trong chiến thắng của trận đánh. Trong trận tập kích sở chỉ huy GM7, Vi Đức Cường đã dẫn đơn vị bí mật vượt qua tuyến phòng thủ bên ngoài để bất ngờ đánh thốc vào bên trong, nhanh chóng tiêu diệt cơ quan đầu não của địch …
Trải qua nhiều trận chiến các liệt ở Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng, nhiều CCB tự coi là mình đã “may mắn” hơn đồng đội khi ở nhiều thời điểm, họ đã thoát chết một cách kỳ lạ. CCB Phạm Văn Thiện (Hải Phòng)- nguyên là lính lái xe của Trung đoàn- nhớ lại: “Hôm đó, tôi được giao nhiệm vụ tập kết xe ở cửa hang bản Thẳm để đón thương binh từ trong hang chuyển ra.
Thông thường, 1 xe sẽ chở 8 thương binh (trong đó có 4 người bị thương bất động). Khi số thương bị đã chuyển gần đủ lên xe thì đột nhiên, máy bay địch bay đến ném bom dữ dội. Xe tôi bị bom hất xuống dốc, bị lăn vài vòng thì đột nhiên bị vướng cây nên mắc lại. Hôm đó, nếu không có 1 cây to cản lại thì chúng tôi cùng chiếc xe đã bẹp dúm. Cũng rất may là máy bay địch cũng chỉ ném 1 loạt bom hú họa ở cửa hang do chúng thường phải trút bom còn thừa trước khi hạ cánh”.
Không chỉ có may mắn, việc áp dụng nhiều kinh nghiệm của đồng đội trong quá trình chiến đấu cũng đã giúp các anh thoát hiểm trong những tình huống ngặt nghèo. CCB Phạm Văn Thiện bồi hồi kể: “lính Vàng Pao rất thích bắt sống bộ đội Việt Nam để khai thác tin tức rồi chặt đầu, treo lên cọc để thị uy. Biết vậy nên mỗi khi rơi vào ổ phục kích của địch, chúng tôi bình tĩnh ở lại trong xe, dùng súng và thủ pháo để chiến đấu rồi tìm cách lùi xe, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Nếu chúng tôi mà vội vàng nhảy ra khỏi xe ô tô thì rất dễ bị địch quăng lưới để bắt sống”.
Chuyện lái xe và ngụy trang xe ô tô ở cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng cũng khá đặc biệt: “Cách ngụy trang xe chuẩn nhất là chỉ việc té bùn lên xe cho thật bẩn vì địa hình ở đây hầu hết là ruộng đất, lầy lội vào mùa mưa, bụi đỏ vào mùa khô. Cũng do đặc điểm này nên xe ô tô khi chạy thường tạo nên 2 rãnh rất sâu trên những con đường đất ở đây. Vì vậy, nhiều lúc hành quân, chúng tôi lái xe đi hàng chục km mà không cần chạm tay vào vô lăng, chỉ cần nhấn ga là xe tự động chạy theo hàng rãnh trên đường”- CCB Thiện kể.
Cùng quê, cùng nhập ngũ, cùng huấn luyện và cùng được bổ sung vào Trung đoàn 866 với anh Thiện nhưng anh Bùi Đức Hậu lại làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu tại Tiểu đoàn 924. Đầu năm 1971, đơn vị nhận nhiệm vụ đánh phá căn cứ Long Chẹng mà nổi bật nhất trong chiến dịch này là trận đánh trên điểm cao 1433- nơi đặt điểm quan sát rất lợi hại của địch, xung quanh là vách đá dựng đứng cao 40- 50m.
Là người trực tiếp tham gia trận đánh này, CCB Bùi Đắc Hậu nhớ lại: “Đây là điểm cao không có nước, không được đun nấu nên trong điều kiện leo bám vào vách đá thẳng đứng, mỗi người chúng tôi phải mang theo 40kg hành lý, lương khô và nước. Khi chiếm được điểm cao và phòng giữ ở đây, chúng tôi phải thay nhau leo lên, leo xuống xuống để lấy nước và lương thực. Mỗi lần như vậy đều mất mấy đôi giầy vì bị đá tai mèo sẽ đâm rách hết”
Năm 1974, sau khi bị thương, Bùi Đức Hậu xuất ngũ, về địa phương công tác rồi về hưu và sinh hoạt ở Hội hữu nghị Việt- Lào của Hải Phòng. “25 năm nay, hơn 100 CCB của Trung đoàn 866 tại Hải Phòng vẫn thường xuyên gặp mặt nhau để ôn lại kỷ niệm chiến đấu năm xưa, cùng nhau về thăng chiến trưởng hoặc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trở về với cuộc sống thường ngày, chúng tôi vẫn luôn phát huy truyền thống bộ đội cụ hồ, xứng đáng với truyền thống anh hùng của Trung đoàn”- CCB Bùi Đức hậu phát biểu.
Trong những ngày này, những CCB của Trung đoàn 866 lại đang đón nhận một niềm vui mới: “Trong thời gian ngắn tới đây, hàng trăm đồng đội đã hy sinh của Trung đoàn, hiện đã có hài cốt tại các nghĩa trang liệt sỹ sẽ được định rõ danh tính nhờ quá trình xác định AND với người thân”. Tới khi công việc này hoàn tất, chắc hẳn những cuộc gặp mặt của những người CCB Trung đoàn 866 sẽ trọn vẹn hơn và ấm cúng hơn
Khoa Lâm