“Hồi sinh” những khu “đất chết”…
Khu vực ven sông Hồng bị coi như "khoảng tối" của phường Phúc Tân (Hà Nội). Đây là khu vực xóm nghèo, dân ngụ cư tụ tập nên tình hình an ninh trật tự và môi trường xã hội tại khu vực vốn khá phức tạp. Đã bao năm nay, người dân thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó.
Bãi rác to, nhỏ chồng chất khiến không gian ô nhiễm và hình ảnh đầy nhếch nhác, ruồi nhặng bay đầy. Một bức tường cũ bẩn còn nguyên vết hằn mức nước của những lần lũ lên. Nhìn ra bãi sông là con đường lổn nhổn do dân tự đổ xi măng, rác ngập ngụa và mặc định là nơi để cư dân dẫn chó đi vệ sinh. Đi qua bãi rác này là nỗi sợ kinh hoàng của nhiều người.
Với ý tưởng biến bãi rác thành nơi nghệ thuật, “Dự án nghệ thuật công cộng” phường Phúc Tân do 16 nghệ sỹ trong và ngoài nước tham gia đã làm nên một phép màu. Dựa theo bức tường dài 500 cũ kỹ, các tác phẩm nghệ thuật của dự án được làm từ chính nguyên vật liệu tái chế, rác thải của chính khu vực bất ngờ hiện lên long lanh.
Dự án đã tận dụng những đồ tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ống bô xe máy, túi ni lông… Biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật, sắp xếp theo những chủ đề lịch sử văn hóa khác nhau để làm sống lại một khu vực vốn khá sầm uất của đất Thăng Long Kẻ Chợ.
Là giám tuyển dự án, đồng thời có tác phẩm tham gia, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Sau gần 2 tháng miệt mài sáng tạo nhóm nghệ sĩ 3 miền Bắc, Trung, Nam và 2 họa sĩ ngoài… một không gian nghệ thuật với những tác phẩm không theo bất cứ khuôn mẫu nào đã được hoàn thiện trên khu vực trước đây là bãi rác tự phát nằm bên sông Hồng”.
Điều đặc biệt, dự án không chỉ đơn thuần là tái chế, mà qua nghệ thuật để kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử. Trong đó, nghệ sĩ Phạm Khắc Quang đã hàn những thanh sắt cũ dựng lên thành hình ảnh toa tàu, trên đó có bóng dáng “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” Hà Thị Cầu.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6 m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và nông nghiệp. Tác phẩm sắp đặt của anh giống như cuộc đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống, những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.
Trong khi đó, nghệ sĩ Vũ Xuân Đông đã dùng hơn 10.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng... gom được ở các trường học, khu dân cư xung quanh và nơi anh sinh sống, để tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm.
Còn nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng, để đưa vào tác phẩm sắp đặt Nhà nổi mang đến cái nhìn về những góc khuất trong cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng.
Bà Thu Nga (62 tuổi), người dân phường Phúc Tân phấn chấn: “Từ khi có không gian nghệ thuật “xua đuổi” bãi rác bẩn thỉu, người dân chúng tôi vui lắm. Sáng và chiều tối, người dân trong xóm thường ra đây để thư giãn, vui chơi. Bọn trẻ càng thích thú hơn khi vừa ngắm tác phẩm, vừa được người lớn kể về ký ức Hà thành cũng như tìm hiểu những thông điệp bảo vệ môi trường mà các tác giả đã gửi gắm bên cạnh những tác phẩm của mình.
Người dân chúng tôi ý thức bảo vệ môi trường, thay phiên nhau giữ gìn cảnh quan, quyết liệt cấm tiệt các hành vi đổ rác bừa bãi. Thời gian gần đây, không gian nghệ thuật Phúc Tân còn đón nhiều bạn trẻ Hà Thành và du khách đã tới để checkin với sự háo hức trên khuôn mặt”.
Ngoài Phúc Tân, ở Hà Nội còn có những vườn hoa, tác phẩm nghệ thuật “mọc” lên thay thế những bãi rác. Cách đây 4 năm, nhóm sinh viên trẻ đã biến một bãi rác thải sinh hoạt "dọn 10 năm không sạch" thành một vườn hoa thẳng đứng xinh xắn, rợp hoa lá tươi mát được mọi người rất yêu thích. Ý tưởng xây dựng vườn hoa này là do bạn trẻ Đàm Thanh Tùng khởi xướng.
Theo Tùng, cậu tham gia cuộc thi "Siêu thủ lĩnh" do VTV6 tổ chức và việc xây dựng vườn hoa trên bãi rác là một trong những thử thách mà Tùng cần phải trải qua. "Ban tổ chức chỉ định sẵn một địa điểm và thử thách của mình là phải "hô biến" nó thành một khu vườn lung linh".
Tùng cho biết, vật liệu xây dựng khu vườn chủ yếu là gạch sinh học, thân thiện với môi trường và những chai, lọ bỏ đi gom được từ sự ủng hộ của người dân sống gần đó. Và, bãi rác thải bỗng biến thành vườn hoa thẳng đứng đã đem lại một sắc thái mới cho phố Trần Bình.
Thành những nơi “checkin” sang chảnh
Cứ thấy bãi rác tự phát là Đàm Thanh Tùng lại nung nấu ý định cải tạo thành vườn hoa thật đẹp. Sau thành công ở khu vực phố Trần Bình, Đàm Thanh Tùng và Đoàn Thanh niên phường Mai Dịch đã và triển khai thực hiện “hô biến” thêm được những bãi rác ở khu vực tổ 3- Tân Đô và khu vực tổ 23 Nhà tang lễ Bệnh viện 19-8.
Chia sẻ về những khó khăn khi làm công việc này, Tùng cho biết khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề kinh phí. “Mỗi vườn hoa trung bình mất khoảng 10-15 triệu đồng. Lúc đầu, để có kinh phí, bọn mình từng đi bán hoa giấy gây quỹ. Nhưng sau một thời gian dài, nhóm “Sen trong phố” của Tùng đã được công nhận và giờ đây hầu hết kinh phí đều được tài trợ nên nhóm cũng dễ thở hơn ”, Tùng nói..
Sau một thời gian triển khai, 12 quận trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn thành 100 công trình vườn hoa thanh niên ở khắp các ngõ ngách của thành phố. Những công trình này đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc thay đổi cảnh quan đô thị, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp. Vườn hoa thanh niên cũng là một trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2016.
Ngay cạnh Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Ban Mai (Mê Linh - Hà Nội) là khu vui chơi phát triển vận động dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỉ do chính các giáo viên của Trung tâm lên kế hoạch thực hiện.
“Trước đây, ngay tại khu vui chơi này là một bãi đất trống, người dân thường đem rác ra đổ, có những lúc rác chất thành đống, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vì bãi rác bốc mùi hôi thối, khó chịu nên những nhà xung quanh luôn luôn phải đóng cửa, nhân viên trung tâm đã nhiều lần tự dọn rồi đốt, thậm chí thuê máy ủi để san bằng đống rác, nhưng được một thời gian ngắn mọi người trong khu lại mang rác ra đổ. Nhận thấy trẻ trong khu vực và trẻ ở trung tâm không có nơi nào để chơi nên chúng tôi đã có ý tưởng biến bãi rác thành khu vui chơi cho trẻ em”, chị Vũ Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Ban Mai chia sẻ.
Sau khi được sự đồng thuận của chủ sở hữu khu đất, toàn bộ các giáo viên của Trung tâm bắt tay ngay vào công việc không kể ngày nghỉ. Những buổi lên lớp, các cô cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa và lúc chiều tối để dọn dẹp.
Từ những nguyên liệu tưởng chừng đã hết giá trị sử dụng đều được các cô tận dụng như: Lốp ô tô dùng làm xích đu và ống chui cho trẻ chơi, những thanh tuýp sắt được gia công làm thành những thang cầu vồng, các khối gỗ được dùng làm bộ leo núi… để trẻ vận động. Đến nay khu vui chơi đã được hoàn thiện khang trang, sạch đẹp.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều tỉnh, thành cũng thực hiện dự án “Biến rác thành bồn hoa”. Nhóm “Sen trong phố” lên kế hoạch thiết kế các vườn hoa trong trường hay vườn hoa trong khu tập thể tập thể bằng chất liệu đặc biệt như bếp than tổ ong bỏ đi tái chế, tổ chức các hoạt động cộng đồng với chủ đề môi trường... nhóm đã thành công khi đưa dự án vào tới Long Xuyên, An Giang với 2 vườn hoa.
Với dự án “độc lạ”, nhưng khả thi và dễ thu hút sự quan tâm của cộng đồng, Ban Thường vụ huyện Đoàn Lấp Vò (Đồng Tháp) đã phối hợp với các đơn vị khảo sát thực trạng trên địa bàn huyện, đề xuất thực hiện tái chế các lốp xe đã qua sử dụng để xây dựng các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi và thực hiện mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa”.
Theo đó, xã Hội An Đông và Mỹ An Hưng B là điểm xây dựng điểm vui chơi miễn phí cho thiếu nhi và Thị trấn Lấp Vò làm điểm thực hiện mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa”. Theo ước tính ban đầu, một điểm vui chơi thiếu nhi cần khoản từ 150 đến 200 lốp xe. Các thành viên câu lạc bộ kỹ năng huyện đã tìm kiếm, vận động nguồn vỏ xe ở các cơ sở vá lốp xe, các gara ô tô trên địa bàn huyện và cả ở các nơi ngoài huyện như: An Giang, Vĩnh Long, TP HCM.
Kết quả sau hơn 2 tuần triển khai, nhiều không gian vui chơi đẹp mắt, bổ ích cho các em thiếu nhi đã ra đời với xích đu, cầu trượt, nhà leo, đường ống, bập bênh, thú nhún... Đến nay, toàn huyện Lấp Vò đã có 14 sân chơi miễn phí được làm bằng các vật liệu tái chế tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn.
Hơn ai hết, những người đã biến “bãi rác thành vườn hoa tuyệt sắc, tác phẩm nghệ thuật độc đáo” đều mong muốn có thể thay đổi nếp sống, văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Không chỉ là việc họ không xả rác ở đó nữa mà còn là việc họ chung tay bảo vệ, chăm sóc hay đơn giản là cùng tận hưởng không gian sống. Những vườn hoa, tác phẩm nghệ thuật góc phố sẽ giúp bộ mặt đô thị văn minh, đẹp đẽ hơn.
“Đừng chỉ nói về những bãi rác, đừng chỉ than phiền, một lần chia sẻ của bạn có thể tạo nên những thay đổi lớn!”- Đó là thông điệp của những người yêu thiên nhiên, luôn bảo vệ môi trường.