Mang nỗi nhớ tha thiết những ánh chớp đèn biển, mới đây, tôi cùng hội đồng nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) về thăm đảo Dáu - "thủ đô" của đèn biển ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Mảnh đất linh thiêng, huyền thoại với nhiều dấu tích của một thời đạn bom, nơi tọa lạc đèn biển Hòn Dáu gợi nhớ trong chúng tôi những kỷ niệm về một thời hào hùng, mốc son 55 năm truyền thống của BĐATHH Việt Nam (15-5-1955-15-5-2010).
Một thời gian khó
15-5-1955, ngành BĐATHH tiếp quản đèn biển lớn nhất là Long Châu và Hòn Dáu. Từ đó đến nay, thấm thoát đã 55 năm. 55 năm đối với lịch sử không phải dài, song đối với cán bộ công nhân viên BĐATHH là cả một chặng đường được đổi bằng trí tuệ, mồ hôi, thậm chí cả xương máu của nhiều thế hệ.
Từ những ngày đầu, cán bộ công nhân viên BĐATHH đã đối mặt với trời mây, sóng nước, thiếu vắng tiếng mẹ già, con nhỏ, nhớ nhao nhác giọng ầu ơ của vợ trẻ ru con. Thiếu từng ca nước ngọt, mặc dầu cả ngày, cả trạm dầm mình trong nước nhưng những cán bộ, công nhân viên của Ty hải đăng phù tiêu tạm quên đi những khó khăn, thiếu vắng để mau chóng nắm bắt từng vị trí đèn trên biển, trên luồng, cách thay thả, điều chỉnh phao, tiêu bằng những trang bị thô sơ, bảo đảm cho đèn không bao giờ tắt. Biết rằng sự thiếu thốn vật chất còn dễ dàng bù đắp, nhưng thiếu thốn về tinh thần, tình cảm thì khó khăn và nặng nề hơn.
Cuối năm 1988, tôi đưa đoàn văn nghệ sĩ của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam ra biểu diễn ở các trạm đèn nhân chuyến đi tiếp tế kiểm tra. Người diễn đông hơn người xem, và lần đầu, có lẽ là lần duy nhất, lính đảo được tay bắt, mặt mừng, trực tiếp xem văn công "xịn", hát múa giữa trời nước mênh mông của biển khơi. Nhiều người (kể cả diễn viên) ai nấy đều xúc động. Các tiết mục cứ phải diễn đi diễn lại và cuối cùng là tiết mục nhảy "đầm" (khiêu vũ). Tất cả lính đảo được mời lên sàn nhảy (phòng ngủ của trạm đèn được xếp hết giường, chiếu ra sân).
Dù biết hay không biết nhảy đều được phép ôm diễn viên nhún nhảy theo nhịp trống, điệu kèn. Những lính đảo ngơ ngác, rụt rè, xấu hổ và vui sướng không tả xiết, khi lần đầu được ôm eo văn công, mặc dầu nhảy múa chẳng ra điệu gì cũng vui như tết. Nhìn thấy cảnh đó, tôi càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả và những thiếu thốn mà anh em phải chịu đựng. Những thiếu thốn đó không chỉ được đong đếm bằng mớ rau, con cá, ca nước ngọt, mà sự thiếu thốn tình người, tình cảm với đất liền, quê hương, được đong bằng những gương mặt lầm lì, những ánh mắt xa xăm khi chiều buông.
Một thời đạn bom, một thời hào hùng
Tuy khó khăn, nhưng công việc bảo đảm ánh sáng cũng tạm ổn. Cán bộ, công nhân viên BĐATHH chưa kịp vui vì những thành tựu, do mình nỗ lực, cố gắng tạo nên, lại phải đối mặt với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chiến tranh càng ác liệt, giặc Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá trạm đèn, luồng lạch, phao tiêu, mỗi người lại càng quyết tâm bảo vệ những thành quả đã dày công vun đắp. Những khẩu hiệu như: "Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn (biển) còn sáng", hoặc: "Ra đi mang nặng lời thề, thủy lôi chưa phá sạch, chưa về quê hương", được viết lên nhà đèn, vách đảo, lên tàu, thuyền, thể hiện ý chí sắt đá của họ.
Những khẩu hiệu ấy đã là động lực thôi thúc họ lập nhiều chiến tích mà điển hình là Lê Văn Lợi, công nhân trạm đèn Lạch Trào, đội viên đội TNXP rà phá thủy lôi bằng ca- nô có bộ phận từ trường, mỗi khi xuất kích là đơn vị lại làm lễ truy điệu sống. 2 lần truy điệu, Lê Văn Lợi vẫn chiến thắng trở về. Còn ở trạm Hoàng Châu (Cát Hải - Hải Phòng), 3 cô gái trẻ Huệ, Kim, Vây ở tổ trinh sát đã lặng lẽ đội bom đếm từng quả thủy lôi, quả bom do giặc Mỹ thả xuống hòng phong tỏa Cảng, đánh dấu chúng ở từng vị trí trên hải đồ, giao đồng đội đi rà phá ngay sau trận oanh tạc bằng những phương tiện rà phá tự chế. Nhiều công nhân dùng đèn pin làm "đăng tiêu sống" dẫn luồng tàu tránh thủy lôi.
Trong thời đạn bom đó, BĐATHH có 12 người hy sinh trong lúc quan sát và rà phá thủy lôi, được công nhận là liệt sĩ, 13 người là thương binh, 3 ca nô bị đánh chìm, 10 tàu phá lôi bị hư hỏng. Trạm đèn Long Châu, trạm đèn Nam Triệu, tiểu đoàn tự vệ Ty BĐHH được phong tặng danh hiệu anh hùng. 20 huân chương các loại, cùng cờ thi đua của Chính phủ, giải thưởng Hồ Chí Minh được tặng các tập thể và cá nhân về thành tích rà phá thủy lôi. Những chiến tích đó đang lấp lánh, hiện diện ở Bảo tàng Đèn biển (Đảo Dáu).
Diện mạo mới
Có lẽ sự đổi thay kỳ diệu của BĐATHH cả về chất và lượng có điểm tựa từ truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, cộng với sự năng động, sáng tạo, dũng cảm của lớp lớp công nhân thanh niên và những người đứng mũi chịu sào của BĐATHH. Một trong những người đứng mũi chịu sào, người đặt nền móng cho sự thay da, đổi thịt của BĐATHH là Bùi Đức Nhuận. Anh có những quyết định đúng đắn, táo bạo cho sự đổi mới, nâng tầm ánh sáng. Ở thời điểm những năm 80 (thế kỷ trước), Bùi Đức Nhuận dám phá bỏ khuôn khổ cũ, mạnh dạn sử dụng, giao nhiệm vụ, đề bạt những người không phải là đảng viên nhưng có năng lực vào các chức vụ chủ chốt của phòng ban, xí nghiệp.
Như con tàu đã thay động cơ, nạp đủ năng lượng, BĐATHH bay lên tầm cao mới. Cây sáng kiến, cải tiến Nguyễn Kim Mỹ, với hàng trăm sáng kiến, năm nào cũng được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, được bầu là đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn toàn quốc. Lưu Văn Quảng, Trần Ngọc Đôi là những người tiếp nối, “nhận ca” từ Bùi Đức Nhuận, đưa con tàu BĐATHH đến những bờ bến mới. Từ kinh phí kế hoạch giao 180 triệu đồng/năm, đến nay cả BĐATHH đã thực hiện trên 350 tỷ đồng/năm để bảo đảm cho những ngọn đèn biển thâu đêm chớp sáng bằng năng lượng mặt trời, sức gió. Việc bật - tắt được thay bằng các tế bào quang điện. Việc khảo sát có máy định vị vệ tinh vi sai DGPS, máy đo sâu 2 tần số, máy đo xa bằng ánh sáng, máy toàn đạc điện tử. BĐATHH là đơn vị duy nhất lập được hải đồ điện tử cùng với nhiều hệ thống máy móc khác, đã làm nên diện mạo mới của BĐATHH .
Có lần về thăm trạm đèn Nam Triệu (xã Hoàng Châu - Cát Hải), tôi ngỡ ngàng trước bảng pin năng lượng mặt trời giữa luồng và ở các trạm chập tiêu Avan, Hòn Bắn, với những râu thép hình số 6 xếp hàng ở chu vi của bảng năng lượng để chống chim hải âu đậu vào, giữ cho bảng năng lượng luôn sạch để nạp năng lượng một cách hiệu quả. Sáng kiến này tuy nhỏ, đơn giản nhưng trí tuệ biết bao, làm tăng hiệu quả, tiết kiệm công sức, thời gian đi đuổi chim, lau rửa phân chim trên mặt bảng năng lượng.
Sự đổi mới như có phép màu ấy khởi nguồn từ định hướng lấy trí thức làm nền tảng, động lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc quản lý, vận hành 41 đèn biển, 398 báo hiệu nổi, 69 tiêu, trên 20 tuyến luồng tàu biển. Ngay cả việc khảo sát các tuyến cũng đạt hiệu quả cao, trung thực, không để xảy ra bất cứ sự cố hàng hải nào. Tất cả đổi thay đó đều do bàn tay, khối óc của những công nhân áo trắng, có trình độ cử nhân, thạc sĩ, được đào tạo bài bản trong nước và ngoài nước, từ Nhật Bản, Anh, Pháp, đến Xingapo, I-ta-li-a, Tây Ban Nha…
Một nguyên nhân nữa góp phần làm cho BĐATHH đi lên trong hai thập niệm qua mà thời chúng tôi mơ cũng không thấy, đó là mối quan hệ quốc tế rộng mở của BĐATHH với Hiệp hội đèn biển quốc tế IALA, Cơ quan thủy đạc Anh (UKHO), Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO), Thủy đạc Đông á (EAHC). Tổng Giám đốc BĐATHH Lưu Văn Quảng vừa trở về sau chuyến công tác ở Nam Phi tâm đắc nhận xét: "Chính nhờ sự giao lưu, hội nhập quốc tế mà BĐATHH nhận được nhiều sự giúp đỡ quý báu về trí tuệ, kinh nghiệm và các phương tiện khoa học hiện đại như ngày nay".
Chặng đường 55 năm của BĐATHH là quãng đường khó khăn, gian khổ nhưng đầy sáng tạo và tự hào, xứng đáng với tấm Huân chương Độc lập hạng nhất được trao tặng đúng dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này.
Hoàng An Giang