Tết là dịp đoàn viên sum vầy, là những ngày vui, nhưng với nhiều nàng dâu, mấy ngày Tết lại là những ngày buồn nhất trong năm, chỉ mang lại cho họ sự chua xót, hãi hùng.
Minh họa |
Lấy chồng thì phải theo chồng
Với cái lý ấy, chồng chị Hoài (Từ Liêm, Hà Nội) kiên quyết không đồng ý về quê vợ ăn Tết. Anh tin rằng, suốt một năm đối xử với gia đình vợ trọn đạo rể hiền, thì chỉ có mỗi ngày Tết, muốn vợ ở nhà mình “sao lại gọi là quá đáng được!”.
Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ chị Hoài vợ anh được về quê trước ngày mùng 4 Tết.
"Tức lắm, 22 âm mình đã được nghỉ Tết rồi, ở lại sắm sửa tới 25 là về nội. Thế mà ở lại nhà nội từ đó biệt tới tận mùng 4, có năm tối mùng 4 mới về nhà ngoại. Mùng 4 coi như hết Tết rồi còn gì. Mùng 5 đã đi làm, chưa kể mùng 2 bên ngoại mình có cái giỗ quan trọng, anh em họ hàng tập trung họp mặt đông đủ nhất vào ngày này. Thế mà nói thế nào anh ấy cũng không đồng ý, cứ ép phải ở lại nhà nội tới tận mùng 4", chị Hoài ấm ức kể.
Hai vợ chồng o ép nhau quanh cái “lịch” ăn Tết nội ngoại đến mức cãi vã khốc liệt, song chẳng bao giờ chồng chị chịu “lùi”. Anh giải thích: Nếu cô ấy coi nhà chồng là nhà mình thì ở đâu chẳng được? Nhưng khi bị hỏi ngược sao không coi nhà vợ như nhà mình, anh lắc đầu: "Cái đó đi ngược lại quy luật, tôi cưới vợ chứ đâu phải vợ cưới tôi?”.
Nhiều người vợ vì những lí lẽ gia trưởng ấy của chồng mà chẳng bao giờ được hưởng một cái Tết trọn vẹn.
Chứng kiến cảnh anh trai gia trưởng, chuyện Tết nhất thì như một luật bất thành văn, hết năm thì phải về quê chồng ăn Tết, còn chị dâu hiền dịu, đêm giao thừa nào cũng lặng lẽ đi vào nhà vệ sinh, lúc ra mắt hoe đỏ vì khóc nhớ nhà, chị Trần Thanh Phong - TP Vinh, Nghệ An không khỏi xót xa.
“Có đêm giao thừa, hai mẹ con tôi vo viên bột nếp, thả vào nồi mật, làm bánh ngào - món bánh ngọt ngào mà Tết nào nhà tôi cũng làm. Mùi mật thơm lừng và gừng tươi bốc lên. Tôi thấy chị dâu ra ngoài cửa một lúc, lúc vào mắt ươn ướt. Có lẽ nhìn cảnh ấm áp giữa tôi và mẹ, chị thấy buồn và nhớ mẹ mình, nhớ cảnh đêm giao thừa năm ngoái, chị cũng được ở bên mẹ, sửa soạn mâm cúng, nấu bát chè thơm… Không phải một năm mà suốt 5 năm liền, không năm nào chị dâu tôi được về nhà mẹ đẻ, dù chỉ ít ngày” - chị Phong kể.
Cảnh một xuân hai chốn, dù thương nhớ gia đình mình đến đâu vẫn giấu nỗi buồn tủi để lo chu toàn cái Tết quê chồng của những nàng dâu lấy chồng xa thật ngậm ngùi…
Tết Việt là của đàn ông?
Mỗi gia đình để có được một cái Tết no đủ, không thể thiếu được bàn tay người phụ nữ. Nhưng thiếu đi sự san sẻ của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng thì Tết nhất thực sự là một “gánh nặng” với vô số lo toan, vất vả, thậm chí là cả một nỗi hãi hùng.
Là một cô gái ngoại quốc lấy chồng Việt, Jessica - một nàng dâu Tây thấm thía những “nỗi sợ” sau 3 năm trải nghiệm Tết Việt.
“Cứ gần ngày Tết, mẹ chồng tôi lại gọi điện từ quê lên gọi chúng tôi về ăn Tết, sau đó nhắc chồng tôi đưa tiền… Ăn Tết quê chồng có 3 - 4 ngày mà chúng tôi phải bỏ ra số tiền đủ chi tiêu cho cả 2 tháng. Chưa hết, chồng còn rủ tôi đi tới siêu thị, mua rất nhiều đồ để biếu họ hàng. Sau đó, anh lại cho tiền vào phong bì, nhét vào mỗi gói quà 1 cái…” - Jessica nói.
Khi hỏi bạn bè thì được một người bạn rỉ tai: “Biếu Tết bố mẹ, người thân thể hiện sự hiếu thuận với bố mẹ, tình cảm keo sơn với họ hàng.Quà càng to, tiền càng nhiều thì càng có hiếu em ạ!".Chị “sốc” trước cách “trau dồi tình cảm” bằng vật chất ấy, nhưng đó mới chỉ là một phần những cái vỡ mộng của cô về Tết cổ truyền.
Chị kể, về ăn Tết nhà chồng mới thấy người phụ nữ Việt Nam thật khổ. Ngày Tết người Việt ăn mừng nhiều quá, nấu ăn một ngày mấy bữa, dọn rửa rất mệt, mà toàn phụ nữ làm, đàn ông chẳng giúp được gì.
“Những người phụ nữ trong gia đình tôi không hề phản kháng, coi đó như việc đương nhiên. Cứ nói Tết là ngày ăn chơi, nhưng tôi cảm thấy đó chỉ là ngày ăn chơi của đàn ông, phụ nữ tất bật bao việc từ sáng tới tối. Từ ngày lấy chồng, tôi đâm khó chịu với ngày Tết. Nó thể hiện rõ nhất sự phân biệt đối xử, sự bất công trong xã hội Việt Nam giữa 2 giới nam và nữ” - chị chia sẻ.
Điều khiến cô dâu Tây phiền lòng trong mấy ngày Tết nữa là cảm giác bị họ hàng, người thân soi mói, chọc ngoáy vào đời tư vì cách mọi người hỏi thăm.
“Ít có dịp gặp nhau nhưng không khí chẳng có gì là vui cả. Người lớn bên chồng được thể giáo huấn, dạy dỗ hết chuyện này tới chuyện khác. Nhất là chuyện sinh con đẻ cái của vợ chồng tôi bị cả họ lôi ra bàn bạc. Nhớ lời nhắc nhở của chồng, tôi đành nén giận im lặng: Phong tục người Việt Nam là vậy. Ai lớn tuổi hơn, người đó đúng”.
Vì những điều ấy mà cũng như cô, nhiều chị em công sở cũng thở than, sợ nhiều hơn yêu Tết.
Theo Vietnamnet