Nghề muôn năm cũ
Đối với nhiều người dân TP Nha Trang hình ảnh người phụ nữ mưu sinh bằng chiếc máy đánh chữ ở một góc vỉa hè giao nhau giữa đường Phan Bội Châu và đường Hàn Thuyên đã trở nên quen thuộc. Hàng ngày, buổi sáng từ 8h - 11h, buổi chiều từ 13h30 - 16h30, bà Thư có mặt ở đây để đánh máy thuê đơn từ, văn bản cho khách.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Thư bảo, bà theo nghề này đã hơn 30 năm. Gia đình bà có 3 thế hệ theo nghề. Ông ngoại bà làm nghề đánh máy chữ từ những năm 60, sau đó mẹ bà kế nghiệp, rồi truyền nghề cho bà.
Theo bà Thư, tại thành phố này, ngày trước, người đánh máy chữ thuê tập trung nhiều nhất ở đường Thống Nhất và quanh TAND tỉnh Khánh Hòa như: ông Sĩ, ông Lâm (đường Thống Nhất), ông Hải (đường Nguyễn Trãi), ông Hai Thuận (đường Phan Đình Phùng), ông Nguyên (đường Phan Bội Châu)... và đương nhiên có 3 thế hệ gia đình bà.
“Ngày trước ở khu này nhiều người đánh máy chữ nên ở khu này nhộn nhịp, đông vui lắm. Cách đây vài ba năm thì còn tôi và một ông ở góc đường đối diện. Tuy nhiên, bây giờ ông ấy cũng nghỉ rồi. Ở thành phố này, bây giờ chỉ mình tôi là còn giữ nghề”, bà Thư cho biết.
Theo tìm hiểu của chún tôi, những năm 80 và 90 của thế kỷ trước là thời điểm nghề đánh máy chữ rất phát đạt. Thời đó, máy vi tính rồi máy photocopy chưa xuất hiện nhan nhản như bây giờ nên công việc của những người đánh chữ thuê luôn bận rộn.
Từ các loại giấy tờ của cơ quan Nhà nước, nhất là các giấy tờ nhà đất bên xây dựng, rồi giấy khai sinh, giấy phép, di chúc, điếu văn, đơn thư... Thậm chí, các giấy tờ cần sao y bản chính, mọi người cũng đều tìm đến để đánh máy.
“Hồi đó, ngoài đánh máy văn bản, giấy tờ, người làm nghề đánh máy chữ còn đánh máy thơ, truyện ngắn cho văn nghệ sĩ, viết thư thuê gửi đi nước ngoài... Cả 2 mẹ con tôi cùng làm nghề nên còn nhận đánh máy giấy tờ cho các đơn vị điện lực, nhờ đó thu nhập khá cao”, bà Thư chia sẻ.
Hơn 30 năm gắn bó với công việc, gõ không biết bao nhiêu loại đơn từ cho khách, bà Thư khá rành cách làm nhiều loại văn bản hành chính khác nhau. Bà bảo, làm nghề này cũng phải có năng khiếu và phải có kiến thức về pháp luật. Vậy nên, ngoài thời gian làm việc, bà thường tranh thủ xem thời sự, tìm hiểu các quy định, văn bản mới để cập nhật thêm thông tin, bổ sung kiến thức cho công việc của mình.
Bà Thư là người đánh máy chữ cuối cùng ở phố biển Nha Trang |
“Làm nghề này còn phải biết kiềm tính, bởi nhiều trường hợp khách đến thuê mình đánh máy đang ở trạng thái kích động. Cứ để họ tuôn ra những điều đang bực, còn mình kiên nhẫn ngồi nghe, đến khi họ bình tĩnh lại thì mình nói rõ cái hay cái dở cho họ. Nếu mình nóng tính thì dễ cãi cọ với nhau lắm”, bà Thư nói.
Tận tâm với nghề
Lúc trước bà Thư đánh máy bằng các đầu ngón tay, nhưng rồi theo năm tháng những phím chữ dần cũ kỹ trở nên khó đánh hơn xưa. Thế là bà tự mày mò chế ra dụng cụ để gõ phím, đó là một thanh gỗ nhỏ. Dù sử dụng bằng cách nào, từng động tác của bà vẫn nhanh nhẹn, chính xác đến từng chữ trong đơn. Nhờ sự cẩn thận, tỉ mỉ và sự tập trung của mình, bà luôn hoàn thành lá đơn trong sự hài lòng của khách hàng.
Hiện nay, viết một lá đơn bình thường, bà Thư thường lấy khoảng 20.000 - 30.000 đồng, những đơn từ khó hơn, mất nhiều công sức thì khoảng 50.000 đồng trở lên, cao nhất cũng chỉ trăm ngàn đồng là cùng.
Tuy là nghề để kiếm sống nhưng điều đó không có nghĩa bà gõ chữ kiếm tiền bằng mọi giá. Bà không nhận làm các đơn từ kiện tụng tranh chấp đất đai, bởi bà thấy những vụ kiện ấy để lại hệ lụy là người thân trong gia đình mất tình cảm với nhau.
“Tôi sẽ từ chối ngay những đơn tranh chấp đất đai, nhất là có liên quan đến người thân trong gia đình. Dù việc đánh máy chữ những đơn ấy được trả giá rất cao, thậm chí là gấp đôi ngày làm việc của mình, nhưng tôi cũng lắc đầu từ chối. Nhiều người khi bị tôi từ chối thì quay sang phán xét, nói nặng nhẹ, thậm chí là chửi tôi, nhưng tôi cũng bỏ hết ngoài tai”, bà Thư chia sẻ.
Nói rồi, bà Thư kể, có lần một phụ nữ ở gần bến Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) đến thuê bà làm đơn xin giảm án phạt tù cho con trai. Hỏi chuyện biết người này từng có tiền án, trong thời gian thử thách không ăn năn hối cải mà còn phạm tội cướp giật nên bà đã từ chối làm đơn.
Mấy chục năm làm nghề, bà Thư ngại nhất là viết đơn ly hôn. Vì vậy, mỗi khi có khách thuê làm đơn ly hôn, bà lại thành người hòa giải. Hỏi chuyện cặn kẽ, nếu thấy hôn nhân còn có thể cứu vãn thì lựa lời khuyên nhủ.
“Mình viết đơn thuê thì có tiền, nhưng biết đâu từ lá đơn đó, cả một gia đình bị tan nát, con cái lìa xa cha mẹ. Có thể người ta chưa suy nghĩ thấu đáo, bởi đơn ký rồi là mất chồng, mất vợ, nên tôi hay khuyên về suy nghĩ kỹ rồi hãy quyết định. Nhiều cặp vợ chồng, sau khi nghe lời khuyên của tôi, họ lại hòa thuận như xưa, vậy là quay lại cảm ơn tôi rối rít”, bà Thư kể.
Vừa trò chuyện, bàn tay bà Thư khéo léo cầm thanh gỗ nhỏ như múa trên bàn phím. Những gọng kim loại đính con chữ trên đầu tựa chiếc búa bé xíu đua nhau dập vào cuộn giấy tạo thành chuỗi âm thanh tạch tạch liên hồi. Vừa gõ, bà vừa kéo, đẩy cuộn giấy qua lại một cách tài tình. Chỉ trong chớp mắt một văn bản đã hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Văn Thành (ngụ phường Xương Hưng), người làm nghề gõ chữ như bà Thư đôi khi biến thành nhà thơ, nhà văn bất đắc dĩ lúc nào không hay. Nhiều khách hàng tìm đến bà chỉ kể lại câu chuyện bằng lời nói, rồi nhờ viết lại bằng câu chữ nên phải diễn đạt sao cho đúng ý người ta. Ông cũng là một trường hợp như vậy.
“Cái máy vi tính mới, chữ in ra đẹp ai không thích, nhưng nhiều lúc người thảo đơn không làm theo đúng ý. Tôi đã quen nhờ bà Thư đánh máy chữ nên rất tin tưởng. Chuyện mình sao mình trình bày đầu đuôi rõ ràng là bà ấy biết cách làm liền. Xong, bà ấy đọc lại cho tôi nghe, nếu tôi thấy hợp tình hợp lý thì mới trả tiền, nếu còn chỗ nào chưa được thì bà ấy làm lại tới khi được thì thôi”, ông Thành cho biết.
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tiền”. Không chỉ tận tâm với nghề mà khi gặp người nghèo khổ, hoàn cảnh éo le, bà Thư thường lấy giá rẻ, có khi chỉ làm giúp. “Mỗi khi có người nghèo làm đơn xin từ thiện, đơn kêu cứu vì oan sai, tôi không lấy tiền, coi như mình đã làm một việc thiện”, bà Thư tâm sự.
Nghề đánh máy chữ thuê đã giúp bà Thư nuôi sống gia đình suốt bao năm qua. Bởi vậy, dù thăng hay trầm, sự trân trọng đối với nghề trong bà vẫn không thay đổi. Bà bảo, còn sức, còn khách thì bà vẫn còn phải ôm lấy nghề. Đến khi nào không còn ai tìm đến bà nữa thì bà sẽ tính tiếp.
Từng mẫu đơn thư, chứng từ những năm 90 đã nhuốm màu vẫn được bà gìn giữ cẩn thận như một hoài niệm về những ngày đã xa. Bây giờ, ngày qua ngày, giữa phố xá ngày càng hiện đại vẫn còn đó âm thanh lạch cạch từ chiếc máy đánh chữ của bà Thư như cái nghề muôn năm cũ.