Những lễ hội thờ Mẫu đặc sắc

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tâm thức của người Việt, hình tượng người mẹ chính là biểu trưng của mỗi gia đình, tạo nên sự sinh sôi trong đời sống. Từ những hoạt động thường ngày, hình tượng ấy đã được tôn vinh và đi vào tín ngưỡng văn hóa dân gian thông qua nhiều lễ hội đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa.

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ

Xuất phát từ cội nguồn nền văn minh nông nghiệp lúa nước, người Việt cổ ở lưu vực sông Hồng quan niệm rằng, đất, nước, lúa… có cốt lõi uyên nguyên, mang yếu tố âm, mang sẵn khả năng sinh sôi, nảy nở, đảm bảo cho con người có cuộc sống ấm no, đầy đủ lâu bền. Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành từ khá sớm và luôn ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa, tinh thần của họ như: Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Kho… Tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) một vùng đất địa linh nhân kiệt, đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.

Chuyện xưa kể rằng: vào ngày mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, kết duyên cùng Lạc Long Quân rồi sinh được một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Một ngày kia, Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi, để lại người con trưởng ở lại đất Phong Châu nối nghiệp là Vua Hùng thứ nhất. Âu Cơ đưa các con đi mãi, khi đến vùng Hiền Lương (xã Hiền Lương ngày nay), thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu, rừng nhiều muông thú..., bèn dừng lại khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm ngày một đông vui, trù phú. Mẹ Âu Cơ đã dạy dân khai hoang, lập ấp, cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và làm ra các loại bánh từ sản vật địa phương. Ngày 25 tháng Chạp, mẹ đã cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa đầu làng một dải lụa màu lung linh như cầu vồng bảy sắc. Dưới gốc đa ấy, nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ để tri ân công ơn to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ - người mẹ linh thiêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Thời Hậu Lê, dưới triều Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đã phong Thần và cho xây dựng đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ quy mô như ngày nay tại xã Hiền Lương. Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa, cùng với di tích đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa đặc sắc của người Việt với đầy đủ các giá trị, biểu tượng văn hóa, nghi lễ truyền thống, thể hiện qua tín ngưỡng thờ Nữ thần, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sự tôn thờ và sùng kính người mẹ, quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại. Đây là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam; bổ sung vào hệ thống tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm những hình thức tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên của nhân dân ta.

Hằng năm, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức trong hai ngày, từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Nét đặc sắc tại phần hội là chương trình biểu diễn văn nghệ và diễn xướng văn hóa dân gian truyền thống. Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa trong không khí sôi động của hoạt động như: Lễ tế nam tại đình Đức Ông; giải bóng chuyền da nam, bóng chuyền hơi nữ, cờ tướng...; các trò chơi dân gian và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ trong các ngày diễn ra lễ hội. Và hơn cả, du khách sẽ được thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu theo đúng bản sắc ngay tại chính ngôi đền Mẫu Âu Cơ.

Lễ hội miễu ở Trà Vinh

Như một dạng văn hóa tiềm thức, tín ngưỡng thờ Mẫu đã theo chân những thế hệ lưu dân người Việt trên đường di dân về phương Nam và một bộ phận trong số đó đã dừng chân trên đất Trà Vinh.

Hàng năm, cứ vào dịp 22, 23/3 âm lịch, khắp các làng xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh rộn ràng diễn ra lễ hội Vía bà tại các ngôi miếu (miễu) gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, mà phổ biến nhất là Mẫu Chúa Xứ và Mẫu Thiên Hậu. Đây là một loại hình văn hóa dân gian hình thành từ nhiều thế kỷ, có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư cần được khảo sát, đánh giá một cách thấu đáo nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tích cực, đấu tranh loại bỏ các hiện tượng tiêu cực trong đời sống hiện nay.

Ở Trà Vinh, trong quá trình chung sống với những tộc người anh em, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt lại tiếp nhận thêm hình ảnh bà Thiên Hậu (người Hoa), bà Đất, bà Nước, bà Lúa, bà Đen, bà Om… (người Khmer). Do vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Trà Vinh có những khác biệt nhất định và mới mẻ hơn, bao dung hơn, hòa đồng hơn so với các phiên bản gốc ở lưu vực sông Hồng, ở dãy đất miền Trung cũng như ở các tỉnh khác trong khu vực Nam bộ.

Ở miền Bắc, Mẫu được thờ ở các ngôi đền, ở miền Trung ở các tháp Chăm thì ở Nam bộ tín ngưỡng này gắn với các ngôi miễu. Miễu là cách gọi thông dụng của miếu. Vào năm 1998, toàn tỉnh 243 ngôi miễu hoặc vị trí từng có miễu. Trong đó, 147 ngôi miễu thờ Mẫu Chúa Xứ, 48 ngôi miễu thờ Mẫu Thiên Hậu, số còn lại thờ Mẫu Chúa Động, Mẫu Cố Hỷ, Mẫu Linh Sơn…

Khởi nguyên, miễu là nơi thờ Mẫu thuần nhất. Miễu chỉ thờ đối tượng duy nhất là Mẫu và Mẫu chỉ được thờ ở một nơi duy nhất là miễu. Dần dần, theo thời gian, ở Trà Vinh xuất hiện một hiện tượng khá phổ biến là nhiều đại biểu của các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo khác được đưa vào phối tự trong cùng một ngôi miễu. Nhiều nhất là các vị Phật, đặc biệt là Phật bà Quan âm, được đưa vào thờ chung theo dạng “trước miễu, sau chùa” hoặc “trước chùa, sau miễu”; hai vị Mẫu Chúa Xứ và Thiên Hậu được thờ chung; ngoài ra còn có Ngọc đế, Quan Thánh đế, Tây Vương Mẫu, Bổn Đầu Công (người Hoa), Neakta, Arak (người Khmer)… riêng ngôi miễu ở thị trấn Mỹ Long, Mẫu Chúa Xứ được phối tự với Đức Ông Nam Hải (Cá voi).

Một lễ hội ở Trà Vinh.

Một lễ hội ở Trà Vinh.

Lễ hội miễu ở Trà Vinh xoay quanh các lễ thức chính: Lễ Mộc dục (Tắm bà) diễn ra vào chiều ngày 22 âm lịch. Tượng bà sau một năm bị nhện giăng bụi ám, cần được lau rửa và thay bộ trang phục mới, trang điểm thật đẹp đẽ trước khi vào lễ hội. Lễ Túc yết được tiến hành sau 22 giờ đêm 22 âm lịch, hàm ý giữ những người có trách nhiệm ngay tại ngôi miễu, tránh việc chè chén say sưa, tránh chuyện chăn gối để giữ mình thanh sạch, trước khi thay mặt dân làng thực hiện các nghi lễ dâng cúng thánh mẫu. Lễ Chánh tế được cử hành vào lúc 04 giờ sáng ngày 23 âm lịch. Vị chủ tế dẫn đầu ban quản trị, các bậc kỳ lão nam nữ hai hàng tựu vị trước điện thờ. Lễ vật bao gồm con heo trắng (nếu là Mẫu Chúa Xứ) hoặc heo quay (nếu là Mẫu Thiên Hậu) cùng mâm xôi, mâm trái cây, mâm cau trầu, mâm mỹ phẩm (nước hoa, xà bông thơm, gương, lược…). Vị chủ tế sẽ đọc bài chúc văn ca ngợi công đức, cầu mong sự phù hộ độ trì của thánh mẫu đối với dân làng cho năm mới phong thuận vũ điều, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.

Ngoài nghi thức Vía bà, tại lễ hội miễu từng nơi còn có thể có các nghi thức khác tùy theo sự phối tự như lễ Tế Tiền vãng, lễ Tế Thần nông, lễ Cầu an, lễ Cúng Neakta, lễ Thỉnh Ông Bổn…

Một hoạt động vừa là nghi thức cúng tế vừa là sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính đặc trưng của lễ hội miễu là bóng rỗi, địa nàng. Màn múa hát bóng rỗi, địa nàng diễn ra tại khoảng không gian ngay trước án thờ Mẫu, trong suốt thời gian từ sau lễ Túc yết kết thúc đến trước lễ Chánh tế bắt đầu. Bóng rỗi là nghi thức điển hình nhất chứng tỏ nguồn gốc Chămpa của Mẫu Chúa Xứ (sau này, bóng rỗi cũng xuất hiện trong lễ Vía bà Thiên Hậu). Bởi lẽ, theo tín ngưỡng của người Chăm “Bà bóng pajao có nhiệm vụ nhảy múa dâng lễ vật lên thần linh, nhập đồng tiên tri mọi việc vì hàng năm, bà bóng pajao vẫn có dịp giao cảm với thần linh trong giấc ngủ triền miên (người Chăm Hồi giáo Tây Nam phần Việt Nam).

Trong bối cảnh xã hội phong kiến với nhiều điều cấm kỵ, xem việc trình diễn thân thể (múa) là điều tối hạ đẳng thì ngoài ý nghĩa của nghi thức cúng tế, màn bóng rỗi, địa nàng trong lễ hội miễu còn là dịp để con người thể hiện khát vọng thoát tục, là không gian diễn xướng trình diễn và bảo tồn các điệu múa dân gian truyền thống người Việt. Chính vì vậy, bao giờ màn múa bóng rỗi, địa nàng cũng thu hút đông đảo người xem và được xem là một hoạt động đặc trưng không thể thiếu của lễ hội miễu.

Thông thường, tại các lễ hội miễu, việc đãi đằng ăn uống diễn ra suốt hai ngày lễ hội. Ngoài các phẩm vật sau dâng cúng thánh mẫu, người dân địa phương còn mang đến nhiều loại lương thực, thực phẩm có tính đặc sản của quê hương, cùng nhau chế biến để cùng nhau ăn uống vui vẻ và đãi đằng khách thập phương về trẩy hội. Khác với việc đãi đằng tại lễ hội Kỳ yên (cúng đình) rất chú trọng thứ bậc trên dưới thì việc ăn uống tại lễ hội miễu không phân biệt ngôi thứ, chủ khách, bởi tất cả đều là cháu con của Thánh mẫu.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.