Mỹ và Nga đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc thực thi thỏa thuận tiêu hủy các loại vũ khí hóa học của Syria.
Đầu tháng, Washington và Moscow nhất trí rằng sẽ tiêu hủy hoặc tịch thu số vũ khí hóa học ước tính lên đến hơn 1.000 tấn của Syria trước tháng 6 năm tới. Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau đó cũng đã cam kết sẽ hợp tác với kế hoạch này. Theo kế hoạch, các thanh sát viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học ở Hà Lan sẽ được điều động tới Syria trước tháng 11 để giám sát quá trình này. Nhưng các cường quốc thế giới vẫn chưa nhất trí hoặc tiết lộ cụ thể về quá trình sẽ diễn ra sau đó.
Các chuyên gia đang kiểm tra các mẫu hóa chất thu được từ Syria. Ảnh: Internet |
Vấn đề đáng quan tâm đầu tiên là về địa điểm tiêu hủy kho vũ khí hóa học. Nếu các cường quốc quyết định tiêu hủy kho vũ khí hóa học bên trong Syria, quá trình này có khả năng sẽ bao gồm việc gửi các đơn vị cơ động chuyên biệt. Xây dựng một cơ sở tiêu hủy thường trực có thể mất một năm hoặc hơn, do đó sẽ kéo thời gian thực thi đến quá giữa năm 2014 mà theo kế hoạch là thời điểm kho vũ khí phải bị tiêu hủy hoàn toàn.
Mỹ và Nga có thể cung cấp các thiết bị cần thiết. Cả hai cường quốc đều có hơn một chục năm kinh nghiệm trong việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của riêng mình. Nhưng không nước nào cho biết liệu họ có tham gia vào hoạt động tiêu hủy ở Syria hay không.
Mỹ có 2 loại đơn vị cơ động để tiêu hủy vũ khí hóa học - một hệ thống tiêu hủy chất nổ (EDS) vô hiệu hóa các loại đạn dược có chứa hóa chất và một hệ thống thủy phân triển khai thực địa (FDHS) vô hiệu hóa các loại hóa chất và tiền thân của chúng với số lượng lớn.
Quân đội Mỹ đã xây được 5 đơn vị EDS có khả năng xử lý một số loại đạn dược cùng lúc. Quân đội Mỹ cũng công bố đơn vị FDHS đầu tiên trong tháng 6, nói rằng hệ thống này “được thiết kế để triển khai trên toàn thế giới với khả năng hoạt động trong vòng 10 ngày sau khi tới nơi”.
Tuy nhiên, theo ông Al Mauroni – chuyên gia phân tích người Mỹ về vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt - vấn đề nảy sinh ở đây là việc sử dụng những đơn vị EDS của quân đội Mỹ để tiêu hủy các loại đạn dược bên trong Syria sẽ chậm chạp. “Tôi không nghĩ họ có thể hoàn thành việc này trong 6 tháng” - ông Al Mauroni nói và cho biết thêm, nếu Syria có 1.000 tấn vũ khí hóa học thì việc tiêu hủy không thể thực hiện xong trong một năm.
Đó là còn chưa kể đến cuộc nội chiến kéo dài hai năm của Syria cũng có thể gây khó khăn cho bất kỳ nhân viên và thiết bị của nước ngoài nào hoạt động tại Syria. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CCTV của Trung Quốc mới đây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói rằng quân nổi dậy có thể ngăn không cho những nhóm làm việc của nước ngoài đến gần những địa điểm vũ khí hóa học do Chính phủ quản lý.
Để tránh những vấn đề như vậy, các cường quốc thế giới có thể gửi vũ khí hóa học của Syria đến các cơ sở ở Mỹ và Nga để xử lý nhanh hơn và an toàn hơn. Cả Washington lẫn Moscow hiện đều không xác nhận liệu có đồng ý đưa vũ khí hóa học của Syria vào lãnh thổ của mình hay không.
Công ước Vũ khí Hóa học (CWC) cũng cấm “chuyển giao, trực tiếp hoặc gián tiếp vũ khí hóa học cho bất cứ ai”. Do đó, ông Al Mauroni nói Tổ chức cấm vũ khí hóa học sẽ phải đưa ra ngoại lệ trong nguyên tắc của họ để cho phép vũ khí hóa học được đưa khỏi Syria.
Việc vận chuyển các vũ khí hóa học sẽ là một thách thức khác. Ông Mauroni nói liệu có ai dám chở những hàng hóa nguy hiểm như vậy bằng máy bay hay không, và vì thế, vận chuyển đường bộ có thể là phương cách khả dĩ. Ngoài ra, theo ông này, vận chuyển đường biển cũng có thể áp dụng trong trường hợp không có bão.
Về vấn đề chi phí, nếu các cường quốc thế giới có thể đồng ý về nơi tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, họ vẫn phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để chi trả và xác minh quá trình này. Tổng thống Assad nói ông tin chi phí sẽ là 1 tỉ USD, nhưng theo các chuyên gia, con số này vẫn chưa thể chắc chắn được.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)