Thực hiện theo chủ trương của thành phố Hà Nội về chương trình trồng một triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 – 2020, đầu năm 2018 các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành trồng 300 cây phong lá đỏ trên một số tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Láng Hạ,…
Từ khi mới được trồng, nhiều người đã hoài nghi liệu loài cây của trời Tây có phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Và rồi đến thời điểm cuối thu, đầu đông, người người mong ngóng những chiếc lá phong đỏ. Cuối cùng, lá đỏ trên hàng cây phong không thấy đâu, thay vào đó là những lá vàng khô cháy.
Đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của phóng viên, dọc dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, hàng cây phong đang trong tình trạng khô cằn, toàn bộ cây chỉ còn “khung xương” trơ trọi. Theo thời gian sinh trưởng bình thường của cây, vào thời điểm tháng 3, đáng ra cây sẽ đâm chồi nảy lộc nhưng thực tế, hàng cây này vẫn trong trạng thái “ngủ đông”.
Không chỉ những hàng cây phong khô cằn làm mất mĩ quan đô thị, hàng cây bàng lá nhỏ (cây bàng Đài Loan) trồng dưới tuyến đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu cũng xấu xí không kém.
Được trồng mới từ năm 2016, những cây bàng lá nhỏ đã có chiều cao khoảng 6 – 7m. Thế nhưng sau 2 năm, hàng cây này vẫn chưa phát triển ổn định. Đa số cây bàng Đài Loan ở trong trạng thái còi cọc, thưa lá.
Những dự án trồng cây xanh kể trên từ khi mới triển khai đã gây tranh cãi trong dư luận vì tính khả thi của nó. Đối với bất cứ loài cây nào trước khi được trồng đại trà trên đường phố đô thị phải trải qua khâu trồng thử nghiệm tại các vườn ươm.
Nếu như cho kết quả tốt, khi đó mới được trồng đại trà. Tuy nhiên, hàng phong lá đỏ chưa được trồng thử nghiệm đã được nhân rộng tại ba tuyến phố lớn của Thủ đô dù là với mục tiêu thử nghiệm. Và hậu quả là chính những hàng cây “khô như chết” trên một số tuyến phố ngày hôm nay.
Bên cạnh hàng phong lá đỏ, hàng cây bàng Đài Loan dưới gầm đường sắt đô thị cũng đang chứng minh một bất cập tương tự. Từ khi mới trồng, có cây đã chạm nóc bê tông của tuyến đường sắt, số còn lại cũng “chới với” chạm đến trần đường tàu.
Cây bàng lá nhỏ có chiều cao khá lớn, khi cây trưởng thành có thể vượt chiều cao của công trình đường sắt. Nếu như cố tình khống chế chiều cao sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Cây xanh không chỉ giúp điều hòa không khí, giảm sự ô nhiễm trong thành phố mà còn đóng vai trò là một phần bộ mặt của đô thị. Một thành phố hiện đại nên có những hàng cây phù hợp và đặc trưng. Có thể nói, việc chọn loại cây trồng trong đô thị là một khâu quan trọng trong dự án trồng mới một triệu cây xanh của thành phố.
Tuy nhiên có thể thấy, tính hiệu quả của việc trồng cây phong lá đỏ ở Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Láng Hạ hay trồng cây chiêu liêu ở Yên Lãng, Hoàng Cầu chưa cao. Sau thời gian khá dài thực hiện, màu xanh trên phố chưa xuất hiện, thay vào đó là màu nâu của những cành khô trụi lá. Thiết nghĩ, việc tăng diện tích cây xanh trong nội đô là cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Song, trồng cây gì, ở đâu cho hiệu quả lại là một bài toán khó mà các cơ quan chức năng phải suy nghĩ tới, tránh để tình trạng trồng cây nhưng không hiệu quả, gây lãng phí như hiện nay. Hay nói cách khác, không nên “Tây hóa” phố Việt bằng cách trồng cây ôn đới khiến cây trồng không thích nghi tốt trong môi trường, làm phố thêm nhếch nhác bởi những hàng cây “ốm yếu”.