Sau khi thiên thạch nặng 7 - 10 nghìn tấn rạch bầu trời lao xuống nước Nga với vận tốc nhanh hơn tốc độ âm thanh và với sức nổ bằng 20—25 quả bom nguyên tử, không chỉ người dân Nga và người dân trên toàn thế giới đều đi từ cảm giác choáng váng và sau đó là lo sợ về một mối nguy hiểm mơ hồ nào đó.
Trong tâm trạng như thế, người ta đã đưa ra không biết bao nhiêu giả thuyết đáng sợ và gây "sốc" quanh trận mưa thiên thạch ở Nga.
Điềm báo ngày tận thế?
Theo các nhân chứng ở Nga kể lại, trận mưa thiên thạch tạo thành một dải lửa bốc cháy sáng rực toàn bộ bầu trời khu vực miền Trung nước Nga. Dải lửa này lao xuống mặt đất với tốc độ chóng mặt, gây ra một loạt tiếng nổ lớn và mặt đất rung chuyển như thể một trận động đất lớn đang xảy ra.
Quang cảnh mà trận mưa thiên thạch để lại thật kinh hoàng: hàng ngàn ngôi nhà bị tàn phá, tường đổ, cửa sổ bị thổi bay, vỡ tan tành với những mảnh vỡ kính rải khắp các con đường ở thành phố Chelyabinsk.
Còi báo động ô tô bị kích hoạt rú lên ầm ĩ. Người dân nháo nhào, hoảng loạn bỏ chạy khỏi các phương tiện, lao vào các tòa nhà để tìm nơi trú ẩn. 1.200 người bị thương, nhiều người máu me be bét. Trận mưa thiên thạch bất ngờ đã tạo ra một khung cảnh hỗn loạn dễ sợ không khác gì cảnh trong một bộ phim về Ngày Tận thế và nó cũng không khác xa là mấy so với sự tưởng tượng của mọi người về ngày thế giới diệt vong.
Sự kinh hoàng của trận mưa thiên thạch cùng với thời điểm trận mưa xảy ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau dự báo về Ngày Tận thế theo lịch của người Maya (21/12/2012) đã khiến cho rất nhiều người tin rằng, Ngày Tận thế thực sự đang đến gần. Khi ngày 21/12/2012 qua đi một cách bình yên, nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm vì tin rằng thực sự chẳng có Ngày Tận thế như dự báo.
Tuy nhiên, vẫn có một số người tin rằng, thực ra dự báo vẫn đúng và ngày tận thế chỉ bị lùi lại một thời gian hoặc là ngày 21/12/2012 chỉ là bắt đầu một thời kỳ thế giới đối mặt với các thảm họa để rồi đi đến diệt vong. Sự kiện mưa thiên thạch ở Nga đã củng cố thêm niềm tin cho những người này.
Gary C. Daniels – tác giả một loạt cuốn sách về những lời tiên tri của người Maya, cho rằng, sự thực về Ngày Tận thế theo dự báo của người Maya đã qua đi mà không có điều gì xảy ra không có nghĩa là giả thuyết về Ngày Tận thế sai.
Ông Daniels tin rằng, bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào xảy ra từ sau ngày 21/12/2012 đều là bằng chứng cho những phân tích của ông này. Cụ thể, ông Deniels cho rằng, bắt đầu từ 21/12/2012, thế giới sẽ chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của các thảm họa thiên nhiên như mưa thiên thạch vừa xảy ra ở Nga.
Tác giả Daniels cho biết, dựa vào phân tích của ông về những tài liệu thời cổ cũng như ghi chép thiên văn của người Maya, loài người cổ đại này đã biết được và dự đoán được nhiều chu kỳ của những thảm họa như thế và họ đã đánh dấu vào các bộ lịch của mình.
Theo ông Daniels, bộ lịch 250 năm đánh dấu những sự kiện nhỏ hơn và bộ lịch 5000 đánh dấu những sự kiện lớn hơn. 21/12/2012 đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ 5000 năm và nó không phải là mốc đánh dấu “sự chấm dứt của thế giới”. Ông Daniels lập luận rằng, ngày 21/12/2012 đánh dấu sự mở đầu cho một thời đại mới của những thảm họa và sự tàn phá từ vũ trụ.
Rõ ràng, khi mà thế giới ngày càng chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên thì càng có nhiều người tin vào Ngày Tận thế. Vì vậy, rất dễ hiểu khi có bất kỳ thảm họa thiên nhiên lớn nào xảy ra người ta lại gán cho nó cái mác “điềm báo” hay “báo hiệu” Ngày Tận thế đang đến gần.
Trên thực tế, đã không có biết bao nhiều lần thế giới bước qua những dự đoán về Ngày Tận thế một cách yên bình. Và mỗi lần như thế, không ít những nhóm người được lợi từ những lời đồn vô căn cứ như vậy.
Thử vũ khí hay cuộc tấn công từ Trung Quốc, Mỹ?
Ngoài giả thuyết về Ngày Tận thế, trận mưa thiên thạch ở Nga còn khiến nhiều người hoài nghi đặt câu hỏi liệu đó có phải là một cuộc tấn công quân sự tàng hình từ Mỹ hoặc Trung Quốc hay là một vụ thử vũ khí của Nga hoặc Mỹ.
Trong một cuốn băng được tung lên mạng Internet ngay sau trận mưa thiên thạch, người ta nghe thấy có giọng nói: “Cái quái gì thế nhỉ? Một thứ gì đó rơi. Bạn có nghe thấy không?” Một giọng nói khác đế vào: “Chắc đó là một tên lửa hay một cái gì đó tương tự”. Một giọng khác chen vào: “Nó chắc chắn là từ phía Trung Quốc!"
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga – ông Vladimir Zhirinovsky ngay lập tức đổ lỗi vụ nổ hôm 15/2 không phải là do thiên thạch mà do Mỹ thử vũ khí mới.
Câu chuyện lại được Russia Today – một tờ báo thuộc nhà nước Nga, giải thích theo một hướng khác. Tờ báo này ban đầu đã cho rằng, vụ nổ thiên thạch thực ra là một vụ thử tên lửa của Nga.
Chẳng có giả thuyết nào trên đây được các nước công nhận. Cho đến giờ, các nhà khoa học và giới lãnh đạo các nước vẫn tin tưởng khẳng định đó là một trận mưa thiên thạch và là một thảm họa thực sự từ vũ trụ chứ không phải do con người tạo ra.
Giả thuyết về cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh
Sự bất ngờ và đầy bí ẩn của trận mưa thiên thạch ở Nga cũng khiến một số người tin rằng, đây có thể là một cuộc xâm lấn của người ngoài hành tinh. Một giờ sau trận mưa thiên thạch, một tờ báo của Nga đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận và kết quả cho thấy khá nhiều người Nga tin vào giả thuyết đó là môt phần của cuộc tấn công giữa các vì sao.
Giả thuyết trên càng được củng cố khi một số tờ báo đưa tin, một thứ chất dính, nhầy bí ẩn đã xuất hiện ở khu bảo tồn tự nhiên Somerset sau khi xảy ra cơn mưa thiên thạch kinh hoàng. Cả các du khách của khu bảo tồn và nhân viên làm việc ở đó đều miêu tả chất lỏng kỳ lạ đó giống “như một thứ gì đang sống”. Người dân địa phương còn “thêm mắm thêm muối” rằng, theo ghi chép để lại trước đây, nơi này từng xuất hiện những chất lỏng nhầy trong nhờ kỳ lạ đó từ hồi thế kỷ 14. Trở lại thế kỷ 14, chất nhầy bí ẩn trên được cho là luôn xuất hiện sau một trận mưa thiên thạch.
Tuy nhiên, mới đây nhất, có nguồn tin khẳng định, chất nhầy được cho là bí ẩn kỳ lạ trên thực ra là trứng ếch chưa nở.
Không rõ những thông tin trên có chính xác hay không nhưng rõ ràng, trận mưa thiên thạch bất ngờ và lớn nhất trong một thế kỷ trở lại đây đã khiến nhiều người rơi vào trạng thái bối rối thực sự. Khi họ chưa có được những câu trả lời xác đáng về mọi việc thì việc một số người tìm đến những giả thuyết mang dáng dấp viễn tưởng, cao siêu là điều khó tránh khỏi.
Theo VnMedia