Sài Gòn những ngày cuối năm khắp nơi đèn hoa trang hoàng rực rỡ, những dòng người hối hả ngược xuôi rục rịch mua sắm đồ chuẩn bị đón Tết, những đứa trẻ háo hức với quần áo đẹp, bánh kẹo... Thế nhưng ở một nơi ngay giữa lòng thành phố, không khí Tết vẫn không chạm tới.
1. Bệnh tật không chọn ngày, Khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu Tp Hồ Chí Minh (số 3, đường Nơ Trang Long, Phường 7, quận Bình Thạnh) những ngày cuối năm vẫn đông như mọi khi. Tất cả giường bệnh đều có hai bé ghép chung, nhiều em bé không có giường bệnh thì phải nằm dưới sàn nhà, gầm giường, hành lang. Đặc điểm chung của các bệnh nhi là gầy yếu xanh xao, chân tay khẳng khiu như những cọng cây khô nhưng lại mang trên vai một cái đầu trọc quá khổ, những đôi mắt lồi to do hậu quả của những lần hóa trị, xạ trị.
Đau đớn, kiệt sức khiến gương mặt em nào em nấy buồn thiu. Là nơi tập trung của mấy trăm em bé nhưng chẳng hề có tiếng nô đùa, ríu rít. Những gương mặt xanh xao rúm ró vì đau, thỉnh thoảng tiếng thút thít của những bé lớn, hay những tiếng la khóc của những bé nhỏ. Tất cả các em đang mắc căn bệnh y học vô phương cứu chữa: Ung thư.
Nơi đây, mỗi cuộc đời, mỗi số phận của các bệnh nhi ung thư đều đáng thương đến xé lòng.
Bé Đinh Phạm Quỳnh Anh (7 tuổi) có gương mặt rất sáng với đôi mắt thông minh nhưng bé lại bẽn lẽn không dám cười vì bị sún do đang thay răng. Quỳnh Anh đến từ từ đảo Phú Qúy (tỉnh Bình Thuận) sau khi phát bệnh cách đây gần hai tháng.
Bé Quỳnh Anh hồn nhiên trên giường bệnh |
Vợ chồng anh Đinh Trần Lê, cha mẹ của bé cũng rời đảo theo con về đây. Anh Lê là bộ đội ra - đa thuộc quân chủng phòng không, từng có 12 năm gắn bó với đảo Phú Qúy. Người sĩ quân vốn kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió nay trầm giọng kể cho tôi nghe nỗi niềm thương đứa con bất hạnh. Năm 2000 vợ anh sinh con trai đầu lòng ở Nghệ An, khi ấy anh công tác đang ở đảo. Lính đảo xa nên đến khi con trai biết gọi “bố”, số lần anh bế con đếm được vẫn không quá mười đầu ngón tay.
Năm 2005, anh đón vợ ra đảo nhưng lúc đó con trai còn nhỏ nên anh để con ở đất liền nhờ ông bà cho đi học. Cuối năm đó bé Quỳnh Anh ra đời trên đảo. Anh khấp khởi mừng thầm tính đón con trai cùng ra với cha mẹ và em. Lính đảo chẳng mơ ước gì nhiều, chỉ cần gia đình đoàn tụ bên nhau đã là hạnh phúc trọn vẹn.
Nhưng đời ai học được chữ ngờ, chưa kịp đón con trai ra đảo anh nhận hung tin con trai mình bị viêm não Nhật Bản. Để lại vợ và con gái mới sinh ở đảo, anh một mình về đất liền chạy chữa cho con trai. Hai cha con rong ruổi suốt hơn một năm trời khắp các bệnh viện của Hà Nội: Nhi Trung ương, Việt – Pháp … với tất cả quyết tâm và nỗ lực nhưng cũng chỉ cứu được mạng sống của con. Di chứng để lại vô cùng nặng nề, con trai anh bị liệt nửa người; từ một bé trai hiếu động học rất thông minh trở thành một em bé ngây ngô, thiểu năng, phải nghỉ học.
Nuốt nước mắt, anh để lại con trai bệnh tật ở đất liền, quay lại đảo tiếp tục làm nhiệm vụ canh giữ trời biển của Tổ quốc. Niềm hi vọng của anh chị giờ dồn tất cả vào Quỳnh Anh khỏe mạnh hoạt bát. Nhưng khi Quỳnh Anh bắt đầu đến tuổi đi học thì anh phát hiện thấy bé xanh xao, hay mệt mỏi. Đưa con đi bệnh viện Phú Qúy khám, các bác sĩ kết luận bé thiếu máu không rõ nguyên nhân, cho chuyển vào viện Nhi Đồng 1.
Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bé được chuyển sang khoa Nhi Bệnh viện Ung Bướu và tin trời giáng ập xuống: Bé bị ung thư máu. Nói về tình trạng của con gái hiện giờ, anh Lê buồn bã: “Cháu đã truyền hóa chất được một lần, liệu trình còn 5 - 6 lần nữa. Nhưng cháu yếu quá, mới vô được một lần mà giờ hai chân cháu nhức nhối, không đi lại được. Đi đâu cha mẹ cũng phải ẵm bồng, nhìn con đau đớn quá mà không biết làm sao. Giá mình đau thay được cho con”. Đôi mắt người chiến sĩ quen dạn dày sóng gió giờ ngập tràn đau đớn.
2. Ở một đoạn hành lang ngoài phòng bệnh là nơi trú ngụ của hai bé gái sinh đôi mới tám tháng tuổi. Bệnh viện quá tải, bệnh nhân và người nhà đành chấp nhận cảnh ghép phòng, hoặc nằm tạm ngoài hành lang. Nguyễn Vũ Kiều Nguyên và Nguyễn Vũ Kiều Anh đang đồng thanh cùng khóc. Người mẹ Vũ Thị Kiều vừa cho bé Kiều Anh bú, một tay vỗ vỗ bé Kiều Nguyên nằm dưới chiếu.
Kiều Nguyên – Kiều Anh, hai bé sinh đôi tám tháng tuổi nằm dưới nền gạch hành lang bệnh viện |
Thật lạ kỳ, khi bé Kiều Anh chạm môi vào vú mẹ thì bé Kiều Nguyên cũng nín bặt, giờ nằm im chỉ thỉnh thoảng đạp chân nô đùa. Chăm một đứa bé khỏe mạnh đã vất vả, vậy mà chị Kiều phải chăm cùng lúc hai đứa con mắc bệnh hiểm nghèo.
Người phụ nữ khắc khổ quê ở Định Quán (Đồng Nai) chia sẻ: “Đầu tháng 5 vừa qua em sinh đôi, lúc đầu cả hai cháu đều khỏe mạnh hồng hào. Nhà không có ai phụ nên em nghỉ làm rẫy, ở nhà chăm con. Một mình chăm hai đứa bé mới ẵm ngửa cũng hơi vất vả nhưng được cái các cháu rất ngoan; hết đứa này bú rồi đặt xuống, lại ẵm đứa kia bú là cả hai cùng nằm ngủ. Thời gian đầu các cháu tăng cân tốt, ăn được, chỉ có điều không cứng cáp, 5 tháng mà chưa biết lẫy”.
3 tháng trước đây, điều bất thường xảy ra khi cả hai đứa con chị bỗng dưng đều sốt, đau khắp người nên quấy khóc cả ngày. Chị đưa con đi bác sĩ tư chữa trị nhưng cứ bé này bớt sốt là bé kia lại “quay vòng” thay thế. Đưa con đi bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, sau khi xét nghiệm máu các cháu, bệnh viện chuyển hai bé lên bệnh viện Huyết học TP.HCM. Tại đây các bé được lấy tủy xét nghiệm và xác định các cháu mang bệnh bạch cầu cấp (ung thư máu).
Cả gia đình hoang mang, hốt hoảng nhưng có phần không tin vì “mới mấy tháng tuổi sao mà ung thư được”. Nằm viện được một tuần thì tiền bạc gia đình đã cạn. Thấy chữa chạy quá tốn kém, các cháu lại vẫn khỏe nên chị xin cho con về nhà uống… thuốc lá. Gần hai tuần sau, các con chị trở nên sốt nặng li bì, lần này hai đứa trẻ tội nghiệp được chuyển thẳng tới Viện Ung Bướu.
“Bệnh này tốn kém quá, chồng em lái xe, em làm rẫy gia đình nên chẳng còn tiền mà ở lại. Sắp Tết rồi, em xin các bác sĩ cho bồng các cháu về nhà thôi”, chị Kiều thổn thức. Nước mắt người mẹ đau khổ nhỏ xuống má hai đứa con đang say sưa ngủ.
“Thế nhưng các bác sĩ ở đây bảo các cháu đã đến đây sẽ được chữa trị hết sức, tiền bạc gia đình có thể từ từ thu xếp. Các bác sĩ ở đây tốt quá, nhưng mà sau này em cũng chẳng biết kiếm đâu ra tiền mà trả”, chị quẹt nhanh dòng nước mắt. Khi chào chị đứng lên, người mẹ đau khổ này còn níu tay tôi khuẩn khoản: “Ung thư có chữa được không hả cô? Chữa cả hai đứa thì tốn bao nhiêu tiền?”. Tôi ngậm ngùi nắm chặt tay người mẹ trẻ thêm một lần nữa, không biết trả lời chị làm sao.
3. Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Ung Bướu chia sẻ: Ung thư trẻ em xuất phát từ những tế bào non, tăng sinh rất mạnh và diễn biến nhanh, có những trường hợp có thể tử vong trong vòng 24 giờ và tế bào ung thư tăng gấp hai lần. Nhưng ngược lại ở trẻ em tế bào non nhiều nên khi có thuốc sẽ bị tác động nhanh, và tỷ lệ sống thêm ở trẻ em là rất cao, lên tới trên 50 - 70%, có những bệnh có tỉ lệ sống thêm tới 95 %. Nói tới đây bác sỹ Thủy cười buồn, trên lý thuyết là như vậy nhưng có đến 2/3 các em bé tới đây đã vào giai đoạn trễ vì gia đình không phát hiện kịp thời và nhiều lý do khác.
Đưa chúng tôi đến thăm các bệnh nhi, bác sĩ Thủy cho biết “hàng trăm bệnh nhi ở đây là hàng trăm hoàn cảnh đáng thương”. Dừng lại trước một giường bệnh, chị giới thiệu bệnh nhi Nguyễn Trung Kiên (15 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) là một trong những trường hợp đặc biệt, khi căn bệnh của em đã bước sang giai đoạn cuối, và hoàn cảnh của mẹ con em hết sức bi đát.
Chị Nguyễn Thị Thu, mẹ của Kiên nhớ lại: “Khi ấy cháu đang khỏe mạnh, gần thi học kỳ một thì sốt mê ma, đưa cháu đi khám ở bệnh viện Tiền Giang thì được chuyển lên viện Nhi Đồng 1, rồi cháu chuyển qua đây vì các bác sĩ xác định bệnh của cháu đã bước vào giai đoạn cuối”. Cuộc đời của mẹ con cháu bé tội nghiệp này chỉ toàn khổ đau và nước mắt: Khi con trai được một tuổi thì cha mẹ Kiên li dị nhau, cha của em về quê nội ở Trà Vinh, mẹ một mình nuôi con ở Bến Tre.
Gia đình không có đất đai, chị phải đi giúp việc khắp nơi: Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp… đi tới đâu là chị tha con theo đến đó. Trong 14 năm ròng, hai mẹ con rong ruổi lang thang khắp các tỉnh của miền Tây, rồi cả miền Đông Nam Bộ nên việc học hành của Kiên liên tục bị gián đoạn. Cách đây hai năm, do sức khỏe suy yếu nên chị mang con về quê ở Bến Tre tính sẽ ở hẳn nhà. Kiên được nhận vào học lớp 7 (đúng tuổi là em học lớp 9).
“Nghèo thì đã nghèo rồi, nhưng đi đâu tôi cũng không bỏ con. Tính về quê đói ăn đói, lo ăn lo để cháu được học hành tử tế, chứ lớn rồi đâu lang thang mãi được, ai ngờ đâu…”, người mẹ nghẹn ngào. Chuẩn bị ôn thi học kỳ 1 thì Kiên phát sốt rồi nổi hạch khắp nơi. Mang con đi khám thì đã muộn.
Những sóng gió của cuộc sống, những đau khổ của đời người có lẽ người phụ nữ này đã nếm trải. Thế nên đau đớn lặn cả vào trong, chị không than thân trách phận, không gào khóc mà chịu đựng khổ đau, coi đó là số phận của mình.
“Cháu giờ gan và lá lách sưng to, không đi được nữa, nổi hạch khắp nơi rồi, tuy bác sĩ không nói nhưng tôi biết cháu chưa chắc được đến tết. Thôi coi như số phận cháu, số phận tôi nó bất hạnh…”, giọt nước mắt lặng lẽ rơi. “Tôi không cầu xin gì, nhưng 14 năm hai mẹ con lưu lạc khắp nơi là 14 năm Kiên chẳng được gặp cha lần nào. Ngày vợ chồng tôi chia tay nhau nó còn nhỏ xíu nên giờ không biết mặt cha.
Đến giờ cháu bệnh nặng cũng chẳng biết cha nó ở đâu mà tìm. Có thể đây là cái Tết cuối cùng của cháu. Nghe đâu cha nó đang làm thuê ở tít Cà Mau. Mong cô nếu đăng báo ghi tên cha cháu là Trần Văn Liêm để anh ấy có ở đâu thì về viện nhìn mặt con trai lần cuối”, bà mẹ bất hạnh nấc nghẹn ngào.
Qua khỏi cánh cửa bệnh viện là dòng người xe ngược xuôi hối hả, những khuôn mặt sáng bừng niềm rộn rã Tết đã đến gần. Có ai ngang qua dành một ánh mắt sẻ chia cảm thông vào nơi này, nơi có những em bé bất hạnh đang cầm cự với cơn đau, và chẳng biết mùa xuân này có phải là mùa xuân cuối cùng trong cuộc đời.
Giang Hà