Đồng thời cũng kêu gọi các cơ quan tổ chức, bao gồm các tổ chức tư nhân, hợp tác phát triển các công cụ và ứng dụng sàng lọc trên thiết bị di động, giúp phụ huynh tạo ra một môi trường Internet an toàn và hữu ích cho trẻ em. Thực tế cho thấy, câu chuyện “trẻ em và AI” đã không còn là của riêng Israel, mà đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu.
“Con dao hai lưỡi” đối với trẻ em
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi thế giới, cách tương tác giữa con người và máy móc và cả giữa người với người. Trẻ em có thể coi là thế hệ AI - lớn lên cùng sự phát triển của AI và sẽ là những chủ thể chính trong thế giới tương lai, khi AI - với đà phát triển hiện nay - trở thành một phần quan trọng không thể thiếu. Là “người thụ hưởng” chính từ những cơ hội do AI mang lại, nhưng trẻ em cũng đối mặt với nhiều nhất các nguy cơ từ công nghệ này.
Đầu tháng 4/2023 một báo cáo của Bộ An ninh Quốc gia Israel cho thấy, trong năm 2022, đường dây nóng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã nhận được trên 8.100 thông báo về các vụ tấn công trẻ em qua mạng Internet. Đa phần các vụ việc xảy ra trên mạng xã hội như Instagram (31%), WhatsApp (26%); trên một nửa nạn nhân thuộc lứa tuổi 13 - 16; và 73% nạn nhân là các bé gái, trong đó, 34% số vụ việc là quấy rối tình dục và 21% số vụ nạn nhân bị các đối tượng đưa hình ảnh và video “nhạy cảm” lên mạng. Trung tâm quốc gia bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của Israel cho biết, thông thường các nạn nhân là trẻ em không dám lên tiếng tố cáo do xấu hổ, cảm giác tội lỗi, lo sợ bị kỳ thị hoặc bị trả thù.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông nước này, ông Shlomo Karai cho biết ngày nay trẻ em tiêu tốn rất nhiều thời gian để truy cập Internet qua các thiết bị di động. Ngoài những lợi ích như hỗ trợ học tập, phát triển kỹ năng công nghệ và giao tiếp xã hội, Internet còn là môi trường nơi các nội dung độc hại và nguy hiểm tìm cách tiếp cận trẻ em.
Điều đáng nói, đây không phải là câu chuyện của riêng Israel, trước đó cuối tháng 3/2023, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo những nguy cơ đối với trẻ em liên quan AI, trong đó có quyền riêng tư, vấn đề an toàn, các tác động đối với tâm lý và hành vi. Theo đó, UNICEF và Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận thấy, AI đang trở thành “cơn sốt” trong giới công nghệ, đặc biệt sau khi công ty OpenAI tung ra các công cụ ChatGPT và GPT-4. Công nghệ tiên tiến này chứng tỏ tiềm năng thay đổi cuộc sống của nhiều người lao động, nhưng cũng được cho là “con dao hai lưỡi”, đặc biệt là đối với trẻ em.
Theo UNICEF và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) các thuật toán dựa trên AI học và lưu trữ những nội dung mà trẻ em hay bất kỳ ai tìm kiếm và tương tác, ngay cả khi nội dung đó có thể gây hại cho trẻ hoặc những người xung quanh trẻ. Mặc dù các trang mạng xã hội đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ này, nhưng vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn. Trẻ em cũng có thể bất cẩn hơn khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, theo đó trẻ dễ trở thành nạn nhân của các vụ xâm nhập dữ liệu trái phép.
Báo cáo cũng cho rằng AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và thiên vị. Ông Seth Bergeson, một nghiên cứu sinh thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dẫn một ví dụ tương tự. Tại Anh, một thuật toán AI mới đánh giá không chính xác bài kiểm tra Chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao của học sinh, làm tiêu tan hy vọng của nhiều học sinh muốn dự tuyển vào các trường đại học hàng đầu. Các trường sử dụng công nghệ AI và máy học để sắp xếp các đơn dự tuyển sinh của học sinh, sinh viên có thể vô tình nhưng theo một cách có hệ thống loại trừ một số nhóm ứng viên.
Về dài hạn, UNICEF và WEF cảnh báo thế hệ tương lai có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi máy móc sử dụng AI làm thay phần việc của con người. Đây là rủi ro thuộc nhóm nguy cơ về kế sinh nhai. Theo dự báo của McKinsey&Company, máy móc sử dụng công nghệ AI và robot sẽ thay thế khoảng 30% lực lượng lao động vào năm 2030. 65% học sinh tiểu học ngày nay sẽ làm những công việc mà hiện nay chưa hề có, trong khi nhiều môn học mà trường học trang bị hiện nay sẽ không còn hữu dụng khi các em trưởng thành.
Các chuyên gia của UNICEF và WEF cũng cảnh báo về khả năng trẻ em sau này sẽ không còn đến lớp học, bởi mọi thứ đều có thể học trên máy tính, học từ xa, tự học. Rõ ràng, đây không phải điều tích cực xét dưới góc độ xã hội. Cuối cùng là những tác động về tâm - sinh lý và hành vi của trẻ. Việc tương tác quá nhiều với máy móc công nghệ có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, lo lắng bất an hoặc mất kỹ năng xã hội do ngày càng ít tương tác với người khác. Quá phụ thuộc vào AI làm giảm khả năng học tập, nghiên cứu và làm việc chủ động của trẻ...
Ảnh minh họa |
Làm gì để bảo vệ trẻ?
UNICEF hiện đã triển khai nhiều chương trình thử nghiệm với nhiều nước đối tác khác nhau để đánh giá mức độ thực tế và hiệu quả của hướng dẫn chính sách chính sách về AI đối với trẻ em trong các điều kiện khác nhau.
Trong Hướng dẫn chính sách về AI đối với trẻ em, UNICEF đã nhấn mạnh những yêu cầu cần cân nhắc khi phát triển công nghệ AI lấy trẻ em làm trung tâm. Đó là phải hỗ trợ cho trẻ phát triển toàn diện và hết khả năng, đảm bảo tính bao trùm cho tất cả trẻ em, nhấn mạnh sự công bằng và không phân biệt đối xử, bảo đảm tính riêng tư, an toàn, bảo đảm các em nhận thức rõ tác động của AI và trách nhiệm của bản thân, giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiểu rõ về AI và quyền trẻ em; chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng trước sự phát triển của AI trong tương lai.
Để ngăn chặn cũng như giảm thiểu các nguy cơ, giới chuyên gia cho rằng giáo dục chính là giải pháp quan trọng. Trẻ em cần hiểu cách thức hoạt động của những công nghệ này để có thể nắm được những lợi ích, rủi ro tiềm ẩn và cách sử dụng hiệu quả những công cụ này. Giáo sư Aimee Roundtree tại Đại học bang Texas nhấn mạnh cần dạy cho trẻ những điều căn bản về AI bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu. Giáo dục trải nghiệm qua phần mềm giúp người dùng khám phá các thuật toán và công nghệ AI theo phương thức trực quan cũng là một biện pháp hữu ích.
Các chuyên gia khác cho rằng điều quan trọng không chỉ là hiểu mà còn biết cách tương tác với AI. Điều đó bao gồm việc bồi dưỡng các kỹ năng như tư duy phản biện và sáng tạo để có thể bổ sung cho AI, cũng như giải quyết những vấn đề như phụ thuộc quá nhiều vào AI để đưa ra quyết định.
Trên hết, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải dạy trẻ em về AI có trách nhiệm và sử dụng AI một cách an toàn và có đạo đức. Trẻ em và thanh, thiếu niên cần hiểu rằng AI có mặt hạn chế, còn nhiều sai sót nghiêm trọng và có thể đưa ra những kết quả thiên vị và định kiến. Những người trẻ cần được đào tạo để suy nghĩ nghiêm túc và quyết định cách thức cũng như mức độ sử dụng các mô hình AI.
Bên cạnh việc cảnh báo, Bộ Truyền thông Israel đã kêu gọi thành lập một Ủy ban liên bộ nhằm tìm kiếm các giải pháp kiểm duyệt nội dung trên các thiết bị di động, ngăn chặn các nội dung có tính chất đe dọa, bắt nạt và độc hại đối với trẻ em trên mạng Internet; kêu gọi các cơ quan tổ chức, bao gồm các tổ chức tư nhân, hợp tác phát triển các công cụ và ứng dụng sàng lọc trên thiết bị di động, giúp phụ huynh tạo ra một môi trường Internet an toàn và hữu ích cho trẻ em.
Tại Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập nhóm công tác với các đại diện từ một số công ty hàng đầu về chiến lược AI của nước này cùng xây dựng các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ em trong các sản phẩm AI của họ, đồng thời tác động đến các công ty và tổ chức khác cùng thực hiện mục tiêu tương tự.
Dự thảo Đạo luật AI của Liên minh Châu Âu (EU) cũng đề cập đến tác động của công nghệ này đối với trẻ em, đối tượng được xác định thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trong thời đại AI. Dự luật phân loại các hệ thống AI theo mức độ nguy cơ trẻ em...
Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố ngày 3/8/2022, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch. Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các Bộ luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018… Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.