Nguy cơ trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị “cướp” giới tính là một trong những nguy hiểm đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ lang thang. Đó là các trẻ dưới 16 tuổi kiếm sống bằng nhiều cách khác nhau như ăn xin, lượm rác, bán báo, bán vé số, đánh giày, bán hàng rong, ôsin... Không được thông tin, ít hiểu biết, trẻ đường phố không có khả năng cũng như cơ hội tự bảo vệ bản thân trong cám dỗ tình dục nói chung và tình dục đồng giới nói riêng.
“Con mồi” của những kẻ bệnh hoạn
Dư luận vẫn còn phẫn nộ trước vụ Nguyễn Lê Thắng dụ dỗ những bé trai lang thang về làm việc cho hắn, sau đó ép buộc các em này quan hệ đồng giới. Ngày 24/11/2007, Nguyễn Lê Thắng (SN 1979; thường trú tổ 22, phường Quang Trung, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; tạm trú tại Hà Nội) gặp Lưu Tùng L (SN 1993, ở Định Hoá, Thái Nguyên) đang lang thang gần Sân vận động Mỹ Đình. Thắng dụ L là nếu đồng ý về cửa hàng hắn ở thì hắn sẽ nuôi ăn, thậm chí còn trả lương. Nghe bùi tai, L đã đồng ý theo Thắng về cửa hàng.
Trẻ em đường phố luôn phải đối mặt với nhiều hiểm họa trong cuộc sống |
Đến nơi, L thấy đã có 2 bạn trạc tuổi mình tên là D và Trần Nho P, gọi Thắng là bố nuôi. Ngày 4/12/2007, L bỏ đi chơi điện tử, Thắng tìm về và dùng que tre đánh vào mông của L. Sau đó không lâu, hắn đã bắt L phải làm cho hắn thỏa mãn dục vọng. L kể chuyện này với P, không ngờ P cũng kể rằng chính em cũng đã từng bị Thắng ép làm việc đó nhiều lần! Ngay hôm sau, hai em rủ nhau đến Công an phường Trung Liệt tố cáo Thắng.
Tại cơ quan công an, Thắng đã thừa nhận hành vi đồi bại của mình. Theo điều tra ban đầu, Nguyễn Lê Thắng là kẻ bệnh hoạn, thích quan hệ đồng giới với các bé trai. Hắn xuống Hà Nội, đang theo học dở tại một trường đại học thì lấy vợ. Trước khi bị bắt, Thắng ở nhờ nhà vợ tại phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Sau đó, hắn thuê cửa hàng nhỏ gần trường Đại học Thuỷ Lợi (phố Tây Sơn, Hà Nội) để bán văn phòng phẩm và bán nước mía đá. Vì cửa hàng nhỏ, chỉ đủ chỗ để đồ đạc, nên Thắng không ngủ ở đó vào ban đêm, mọi người xung quanh không ai hay biết chuyện gì xảy ra trong vài ô vuông chật hẹp ấy. Thắng đã đi “thu lượm” những bé trai lang thang để dụ dỗ các em, nếu về làm việc cho hắn, thì sẽ được nuôi ăn, ở và trả lương nhưng sau đó lại ép các em quan hệ đồng giới với hắn.
Không chỉ các trẻ em trai đường phố bị “cướp” giới tính, mà ngay cả những em gái cũng bị vậy. Cô bé Phương Lan (14 tuổi) trong một lần đi bán kẹo cao su đã gặp một người phụ nữ trạc 40 tuổi. Người phụ nữ này đề nghị được mời Lan về nhà mình là ôsin với mức lương 3 triệu đồng/tháng và bao ăn 3 bữa/ngày.
Trước sự đề nghị ấy, cô bé Lan ngay lập tức gật đầu đồng ý, tạm biệt những tháng ngày cơ cực, bữa no bữa đói, đêm vất vưởng ngủ nhờ sạp hàng đầu chợ. Làm việc được 3 ngày, Lan được người phụ nữ cho đi sắm quần áo và bắt vào phòng riêng đấm bóp cho mình. Rồi, người phụ nữ đã tỉ tê và quan hệ tình dục đồng giới với Lan.
Sợ hãi nhưng vì số tiền lương khá hấp dẫn khiến Lan chấp nhận làm nô lệ tình dục với bà chủ. Như để giữ Lan ở lâu với mình, bà ta đã đầu độc Lan bằng cách luôn miệng nói xấu và thù oán đàn ông khiến cô bé Lan ngày càng sợ hãi xa lánh nam giới. Sự suy nghĩ đó đã ảnh hưởng tới giới tính của Lan khi giờ đây Lan chỉ muốn yêu... phụ nữ!
Gia đình - tấm khiên hiệu quả nhất bảo vệ trẻ
Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em hiện đang diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Theo Tổng cục Cảnh sát, trung bình hằng năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 50% tổng số vụ phạm tội xâm phạm trẻ em. Trong số đó có không ít nạn nhân là những đứa trẻ lang thang. Những nạn nhân ấy có cả nam và nữ ở độ tuổi dưới 16.
Sự xâm hại tình dục, tình dục đồng tính hay nói cách khác nạn nhân bị “cướp” giới tính đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các em dễ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục: giang mai, HIV và có thể mất khả năng sinh sản. Các em thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, khích động, sợ hãi, xấu hổ, sống mặc cảm, không muốn giao tiếp với mọi người, hay bất cần đời...
Với cảm giác bị khinh rẻ, cô lập nên các em thường cáu giận vô cớ, muốn tự tử. Đây là nỗi đau của những đứa trẻ bị xâm hại tình dục nói chung, bị “cướp” giới tính nói riêng. Nhưng đáng sợ hơn cả là từ chỗ ban đầu bị dụ dẫn, đã có rất nhiều trẻ tự nguyện lao vào “cuộc chơi” đầy nhớp nhúa để kiếm tiền như một nạn nhân cho hay: “Lúc đầu quan hệ đồng tính thấy ghê ghê, sau thấy quen. Bây giờ, mình giới tính nào không quan trọng, quan trọng là có tiền!”.
Để giúp những trẻ em lang thang có được cuộc sống bình thường, yên ấm, gia đình của các em và xã hội cần thực hiện nhiều công việc, đặc biệt là những việc làm của trái tim và lòng thương yêu. Đó là cha mẹ, người thân, họ hàng của trẻ em lang thang phải thấy rõ tác hại và nguy hiểm của cuộc sống lang thang, vật vờ đối với con em mình.
Từ đó, cần giữ gìn sự bình yên của cuộc sống gia đình để con em mình cảm thấy một cách chắc chắn gia đình chính là nơi các em được nuôi dưỡng, giáo dục, giúp đỡ các em thành người có ích. Những người thân thích, họ hàng nên giúp đỡ trẻ em vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, éo le, hoạn nạn của gia đình và bản thân trong đời sống.
Song song với việc tổ chức cuộc sống đầm ấm cho trẻ em, người lớn cần tạo lập nghề nghiệp, xây dựng các loại hình nghề nghiệp mới hoặc khôi phục những nghề truyền thống ở địa phương để dạy nghề cho các em, hướng các em vào làm những công việc có thu nhập chính đáng và ổn định. Các cấp chính quyền, đoàn thể nên ưu tiên giúp những gia đình nghèo, có con nhỏ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình bằng những nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi.
30 tỷ đồng bảo vệ trẻ lang thang Theo một khảo sát mới đây, trên địa bàn TP HCM có hơn 10.000 trẻ lang thang kiếm sống trên các đường phố. Trong đó, 70% - 80% là trẻ nhập cư đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, 28% trẻ là bé gái, 5.000 trẻ không biết chữ hoặc bỏ học. UBND TP.HCM vừa lên kế hoạch xây dựng 5 dự án trong chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em với kinh phí 30 tỷ đồng. Các dự án này sẽ tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại đến trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động, trẻ lang thang kiếm sống ngoài đường phố... tạo điều kiện để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển. |
Thùy Dương