Lau vội phấn son bám đầy trên mặt, cầm tiền kiếm được từ việc đứng cạnh quan tài người chết, Trung Phúc phóng như bay về nhà: “Hôm nay có tiền mua bánh ăn và cho ba mua thuốc nữa”.Những "đào thài" thời dịch vụ Trường Phúc chỉ là một trong số những câu chuyện của bao đứa trẻ đào thài trên địa bàn TP.HCM khiến không ít người ái ngại cho những tấm thân bé bỏng sớm phải lăn lộn với cơm áo, bon chen đời thường. Với những đứa trẻ này, đứng bên quan tài người chết là công việc “trước lạ sau quen” để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Tuổi thơ của những đứa trẻ làm đào thài gắn liền với tiếng trống kèn, hơi hám người chết. (Ảnh: Cù Mến) |
Tuổi thơ bên xác chết Khi chúng tôi đến, những chiếc xe tang đã yên vị trong trại hòm Thành Lợi, Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM). Bên chiếc phản con con, một nhóm đào thài mới đi đám về chùi rửa vội những lớp phấn với đủ màu được bôi vẽ trên mặt. Đội quân đào thài tại trại hòm Thành Lợi có đến mười mấy đứa, trong độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Theo như bà Ba Tuyết, người chuyên sắm đào và chuyển cho các trại hòm khác, đào thài chủ yếu được lựa từ những đứa trẻ nhà gần trại hòm, gia cảnh khó khăn. “Phải những đứa gan dạ mới dám leo lên quan tài đứng chứ mấy đứa nhát nhìn là đủ sợ rồi”- bà Ba Tuyết nói. Trong đám đào thài ở trại hòm Thành Lợi, Ty (tên thật Chu Quốc Hải) là đứa có “tuổi đời” nhỏ nhất. Mới 7 tuổi nhưng Ty đã có hơn 2 năm trong nghề đào thài. Ban đầu, nó lẽo đẽo theo anh trai. Khi anh trai lớn, bà mối đào nhắm ngay Ty. “Ban đầu, khi theo anh đi làm, em cũng sợ nhưng riết rồi quen. Đôi khi còn được gia chủ cho thêm tiền, trái cây nữa”- Ty tâm sự. Phải bôi trét đủ thứ phấn son lên mặt và nhiều lúc còn phải đi xa theo sự dẫn mối của bà Ba, nhưng những đứa trẻ này vẫn không từ nan. Mỗi ngày, chúng có thể đi từ 1 đến 4 đám với tiền công 40.000 đồng/đám. Trung Phúc (8 tuổi) cho biết, có khi cả bọn lặn lội lên tận Bình Dương, Đồng Nai. Công việc của những đào thài trong các trại hòm thường có truyền thống “Anh (chị) truyền em nối”. Kim Anh tuy đã 12 tuổi nhưng vóc dáng gầy gò của cô bé lại là ưu thế để có thể tiếp tục được “giữ lại” làm đào. Khi chị của Kim Anh hết tuổi đi làm, cô bé được tuyển chọn tiếp nối công việc của chị và có thể giúp gia đình kiếm thêm thu nhập từ công việc này. Kim Anh kể rành rọt từ thuật trang điểm trong nghề, nghi thức trong lễ động quan, đến những việc phải làm khi đưa quan tài người chết ra huyệt mộ. Ký ức Kim Anh đầy rẫy những hình ảnh gắn liền với cái chết, với những đám tang đầy u ám.Éo le Chúng tôi tìm đến nhà Trung Phúc trong con hẻm nhỏ tại khu phố 7, ấp Bầu Nai, Tân Hưng Thuận, Q.12 ngay sau khi nó mới đi đưa đám về. Ngôi nhà bé xíu như chiếc hộp, những mảng tường mốc, chiếc ghế nằm rách lỗ chỗ gần cửa ra vào. Mẹ Phúc chết cách đây 2 năm sau một thời gian dài nằm liệt giường. Cuộc sống của gia đình nó ngày càng bấp bệnh khi cha già bị mù. Thiếu thốn đủ bề, chị Phúc phải đi làm đào thài để đỡ đần gia đình. Khi hết tuổi đi đào, chị Phúc làm thuê cho những người trong xóm. Phúc nối nghiệp chị. Nhờ những đồng tiền từ việc sắm vai đào thài, gia đình Phúc còn có cái ăn. Trong một góc tối của ngôi nhà lụp xụp, ông bố mù của Phúc thỉnh thoảng lại quát tháo: “Phúc, mày đi đâu rồi. Sao suốt ngày vắng nhà”. Vừa chạy về nhà từ trại hòm sau buổi đưa tang buổi sáng sớm, lau vội những vết phấn bám đầy mặt, Phúc hớn hở khoe: “Hôm nay có tiền mua bánh ăn và cho ba mua thuốc lá hút nữa”. Hầu hết đào thài mà trại hòm Thành Lợi thuê đều là những đứa trẻ, con của những gia đình nhập cư, nghèo khổ. “Những đứa nghèo khổ chúng mới đi làm chứ con cái nhà khác, cha mẹ chúng đâu dễ cho tụi nhỏ làm việc này”- bà Hoa, trại hòm Thành Lợi cho hay. Căn nhà xập xệ cuối khu phố 7 lại là nơi trú ngụ của chín thành viên gia đình anh Chu Quốc Thái, 29 tuổi. Phải lăn lộn cả ngày với nghề phụ hồ và vợ cùng bố mẹ anh ở nhà bào rau muống thuê mà gia đình anh vẫn chao đảo vì miếng cơm manh áo. Hai đưa con anh Thái: Chu Quốc Cường, 12 tuổi và Ty (Chu Quốc Hải), 7 tuổi phải làm đào thài phụ giúp thêm cho gia đình. Đi làm được hơn 6 năm thì Cường phải xin phụ thêm quán cơm vì đã lớn không còn phù hợp làm đào thài. Chỉ khi thiếu người hay nhiều đám đưa trong một ngày, trại hòm mới kêu. Ty với vóc dáng nhỏ nhắn lại đang có nhiều “mối” và kiếm được khá nhiều tiền cho gia đình.Thất học Nhắc đến việc học hành, những đứa trẻ làm nghề đào thài trở nên bẽn lẽn và ít nói hơn. Đã 8 tuổi nhưng Phúc không hề biết đến một chữ cái tiếng Việt. Bố mù, mẹ liệt rồi sớm qua đời, cả hai chị em Phúc đều không được đến trường. Không hơn gì Phúc, đến cả mấy anh em Ty cũng chẳng có cơ hội được ăn học như những bạn cùng trang lứa. Những ngày anh của Ty không đi đưa tang thì phụ quán cơm đầu ngõ còn Ty cũng phụ giúp mẹ nhặt và rửa rau muống bào thuê. Nhìn những đứa cháu đùa nghịch ngoài khoảnh sân bà Trần Thị Lệ (62 tuổi), bà nội của Ty tâm sự: “Phận ở thuê, làm mướn cho người ta thì đủ ăn là may lắm rồi còn mong nỗi gì cho mấy đứa nhỏ đi học”. Chỉ vào con Quyên và thằng Bi mới độ 4 tuổi, bà Lệ tiếp lời: “Chờ tụi nó lớn thêm chút nữa, tui cũng cho đi làm đào thài như mấy thằng anh nó”. 11 giờ trưa, gần đến giờ dẫn mối đào thài, trên căn gác nhỏ bề bộn, bà Ba Tuyết vội vàng tô son, trét phấn cho 4 đứa nhỏ. Chúng được khoác lên người những bộ quần áo như phường hát bội, đưa lên xe tang để “hầu” người chết. Tiếng kèn, tiếng trống và hơi hám người chết từ lâu đã đồng hành với tuổi thơ của những đào thài. Đào thài là tên gọi trong Trại hòm để chỉ những đứa trẻ đứng chầu bốn góc quan tài, "hầu" linh hồn người chết. Lưu truyền, sau khi chết, linh hồn con người phải qua rất nhiều cửa ải dưới địa ngục. Nếu ai không thông thuộc "phép tắc", sẽ bị quỷ dữ tấn công, hành tội. Nhưng nhờ có bốn vị "thần đèn” đưa đường chỉ lối, linh hồn sẽ đến được miền cực lạc. Do vậy, việc sử dụng đào thài rất được xem trọng trong các đám tang từ xa xưa. Ngày nay, tuy một số công đoạn đưa tang đã được xóa bỏ nhưng nhiều gia đình nặng hủ tục hay khá giả vẫn thuê đào thài. Độ tuổi hợp lí với những đứa trẻ làm công việc này là từ 6 đến 12 tuổi. Chúng sẽ được trang điểm, ăn vận giống các nhân vật hát bội. Đào thài canh hòm khi làm lễ di quan và đứng chào khi hạ huyệt.
Theo Cù Mến
VietNamNet
VietNamNet