Mấy chục năm nay, những người lượm ve chai, bán vé số, trẻ lang thang kiếm ăn, những người ngủ, gầm cầu, xó chợ đã trở nên quen thuộc với ông Lê Công Thượng 72 tuổi.
Đêm đêm dưới những gầm cầu
Vốn là một thanh niên nghèo xơ xác từ Sóc Trăng lên Sài Sòn làm thuê làm mướn , ngày đó ông Lê Công Thượng cũng như bao người lang thang cơ nhỡ bây giờ, ai kêu gì ông làm nấy để mong kiếm sống qua ngày, nhưng hễ ai cho mình cái gì là ông đều mang đi chia sẻ cho những người cùng cảnh từ chiếc áo, bữa ăn cho tới cái chăn hay cả công việc làm.
Dù đã 72 tuổi, nhưng ông Sáu vẫn ân cần bưng từng chén cơm cho những người khốn khó |
Khi đã có một gia đình yên ấm, công việc sẻ chia ấy lại càng thôi thúc ông Lê Công Thượng nhiều hơn. Đêm đêm, những người sống ở chân cầu, vỉa hè hay góc chợ đều thấy xuất hiện một người đàn ông mang theo từng bao lớn quần áo, chăn màn đi phát cho từng người một. Không một ngóc ngách ngõ hẹp nào mà ông không đặt chân tới.
“Cuộc đời mình vốn vất vả quá, khi thấy những thân hình rúm ró quăn queo tạm bợ trên manh chiếu rách ở ngoài đường là mình không cầm lòng được. Nhiều lúc mình nghĩ với thời tiết lạnh lẽo vào mùa mưa này, nếu những người già cả ốm yếu đó không có cái áo ấm để mặc, không có mền để đắp thì liệu sáng mai dậy họ có còn trên cõi đời này nữa không...”, ông suy tư.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết đến xuân về công việc của ông như càng bận rộn hơn. Những ngày đó, ông tìm đến tận những nơi có người vật vờ không có tiền về quê ăn tết để phát bánh kẹo và tiền cho họ. Công việc đó kéo dài có khi mãi gần tới giờ giao thừa ông mới trở về nhà. Mỗi suất quà tuy không đáng là bao, nhưng cũng đủ cho họ có cái ăn trong những ngày tết cổ truyền. Những việc đó đã giúp bao người lang thang sống vui tươi hơn trong những ngày tết.
Giờ đây nhiều người lang thang ở đât Sài Gòn hầu như đều biết đến ông lão “kỳ cục” này. Mấy chục năm qua, ông Sáu không còn nhớ mình đã phát cho người nghèo khó bao nhiêu bộ quần áo, bao nhiêu chiếc chăn màn: “Mình đã nguyện với trời đất là còn sống một ngày là phải sống có ích . Mình đi làm từ thiện chứ đâu phải kinh doanh mà cân đo đong đếm. Mình giúp cho đời được cái gì hay cái đó, chỉ mong sao những người nghèo khổ bớt cơ cực thôi…”, lão Sáu lý giải.
Quán cơm chan chứa tình người
Không chỉ được mệnh danh là “bạn của những người gầm cầu”, mà ông Sáu còn được giới lang thang biết đến bởi ông còn có một quán cơm miễn phí đã duy trì gần 5 năm nay (mở vào thứ 3,5 và 7 hàng tuần). Mỗi buổi nấu cho trên 300 suất ăn miễn phí với đầy đủ thành phần gồm có gạo loại ngon, đậu hũ chiên, rau xào, canh, nước tương và luôn có một quả chuối thơm ngon tráng miệng.
Khoảng 10h30 là hàng trăm người từ khắp mọi nơi đổ về đây nhận suất cơm ý nghĩa này. Họ đủ mọi thành phần, từ bác xe ôm, kẻ mới ra tù, chị bán vé số, người đi nhặt rác cho tới người xin ăn và cả học sinh - sinh viên, từ cụ già đến con trẻ. Mỗi người một dĩa cơm, ai ăn hết mà còn thấy đói thì xin tiếp, ăn lúc nào no thì thôi. Ông Sáu trực tiếp chia cơm và bưng cơm cho họ, ông ôn tồn mời họ ngồi xuống và sắp hàng thứ tự không tranh giành nhau vì ai cũng sẽ có phần.
Nhiều lúc có lẽ do đường sá xa xôi hay do nhiều người bị tật nguyền, ốm yếu quá nên đến muộn và hết cơm. Nhìn họ quá tội nghiệp, vậy là ông lại trực tiếp chạy tới các quán cơm gần đó để mua cho họ mỗi người một suất. “Có như vậy mình mới thấy thanh thản vì dù sao người ta thiếu thốn mới tìm đến mình nên mình không thể để họ ra về trong sự đói khát được chú à”. Ông Sáu phân bua.
Có những người khi được ăn chén cơm của ông Sáu mời, mặc chiếc áo ông Sáu trao đã khóc rưng rức vì cảm động. Cụ Lê Quý 74 tuổi quê ở Phú Yên lang thang bán vé số nhiều năm ở Sài Gòn xúc động: “Nhờ có ông Sáu mà hàng trăm người như tui mới có cơm mà ăn trưa, mới có áo ấm mà mặc và chăn mà đắp. Chỉ mong sao cho ông Sáu sống lâu trăm tuổi để những người như chúng tôi được nhờ”.
Trưa nay, quán cơm ông Sáu có một đoàn lũ trẻ con vừa đi học ở trường Ánh Sáng về đã sà ngay vào quán cơm ông Sáu. Hỏi ra mới biết các cháu đều có bố mẹ nghèo khổ lang thang quê ở khắp mọi miền đất nước. Do khó khăn nên các cháu được nhận vào trường Ánh Sáng để học miễn phí và mỗi bữa cơm của ông Sáu đều không thiếu mặt các cháu, chúng ăn một cách ngon lành và thích thú.
Cháu Nguyễn Minh Khánh quê Tây Ninh, Nguyễn Ngọc Quang quê ở Thừa Thiên Huế, Tống Hoàng Long quê ở An Giang, Tạ Tuấn Anh quê ở Bến Tre ngây thơ bày tỏ: “Bác Sáu là một người tốt. Chúng cháu rất biết ơn bác Sáu. Sau này lớn lên chúng cháu mơ ước được làm như bác ấy”.
(còn tiếp)
Ngọc Quý