Hiện, cả nước có gần 8.000 lễ hội, năm qua Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) đón 1,2 triệu lượt khách; Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) có 2 triệu lượt người đến; Đền Hùng đón được trên 5,8 triệu lượt khách.
Chuyện tiền lẻ và hòm công đức
Hiện chưa có thống kê đầy đủ vì tại nhiều địa phương chưa xây dựng quy chế quản lý rõ ràng về tiền công đức, tiền giọt dầu, tuy nhiên nguồn thu khổng lồ từ tiền giọt dầu, tiền công đức cũng góp phần làm cho bản chất của lễ hội truyền thống thay đổi. Có di tích thì cứ mỗi điểm lại có một vài bàn ghi công đức, vài hòm công đức, cái thì do nhà chùa đặt ra, cái do Ban Quản lý (thuộc cơ quan nhà nước) đặt ra, lộn xộn, không thu về một mối.
Thậm chí, tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã nghĩ ra cách khoán tiền công đức. Theo đó, những năm trước mức khoán là 600 triệu/năm và riêng năm 2012, mức khoán của nhà đền đã lên tới con số giật mình: 900 triệu đồng. Thậm chí, có trường hợp như ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), đầu mùa lễ hội năm 2012, người dân khi đóng góp công đức đã nhận được giấy ghi nhận có chữ ký của cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Hòa thượng đã viên tịch từ cuối năm 2011).
|
Người ăn xin nhếch nhác dọc lối lên núi lấy “nước thánh” ở Phủ Na. |
Mặc dù mới đầu mùa lễ hội, nhưng chỉ thị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc không để dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động trong khuôn viên di tích và lễ hội dường như vẫn chưa đủ nặng để thay đổi thực trạng này. Ông Vũ Xuân Thành (Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL) thừa nhận: Chỉ thị của Bộ là vậy nhưng hiện tại không có chế tài xử phạt. Một khi không có chế tài thì Thanh tra không thể xử phạt, buộc phải trông chờ vào địa phương và việc kiểm soát của Đoàn thanh tra liên ngành.
Theo thống kê của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, những nơi được coi là trọng điểm của vấn nạn tiền lẻ hiện nay là chùa Hương (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), phủ Dày (Nam Định). Ngoài ra, ở hàng ngàn di tích khác, những người thu, đổi tiền lẻ hoạt động công khai, chèo kéo du khách mỗi mùa lễ hội.
“Cầu đủ thứ mà không biết đang quỳ lạy ai”
Năm nào cũng vậy, cứ ngoài mùng 2 Tết, hàng ngàn du khách lại kéo nhau về Phủ Na ở tỉnh Thanh Hóa để cầu may và xin “nước thánh”. Tuy nhiên, tại lễ hội này, những hình ảnh chen lấn, leo trèo, xô đẩy nhau để xin “nước thánh”, đỏ đen trá hình… vẫn còn xuất hiện.
Đền Phủ Na, hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ, nằm trên địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, dưới chân núi Nưa (nơi danh tướng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh tan quân Đông Ngô xâm lược). Lễ hội đền Phủ Na kéo dài trong suốt tháng 1, tháng 2 và tháng 8 âm lịch hàng năm. Đền thờ nhiều thần thánh, nhưng nổi bật là thờ Bà Triệu, Công chúa Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn…
Đây là lễ hội có từ lâu đời, rất nhiều du khách ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nội… hành hương về đây để cầu lộc, cầu tài. Ngay từ đầu đường dẫn vào đền, người ăn xin ngồi la liệt khắp nơi xin tiền du khách. Vàng hương được du khách mang vào cắm giắt tràn lan trong đền. Dọc đường lên suối “nước thánh”, cảnh đỏ đen tràn lan, dù ở đây chỗ nào cũng thấy lực lượng quản lý di tích túc trực.
Trong khuôn viên của di tích đền Phủ Na, Ban Quản lý đã để người dân vô tư dựng lều lán để bán hàng ăn ngay bên trong di tích hết sức phản cảm, dịch vụ đổi tiền lẻ di động vẫn công khai.
|
Sư cụ Thích Đàm Chính - Trụ trì chùa Tiêu, nơi không hề có một hòm công đức. |
Trước những nhốn nháo trên, GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam rầu lòng chia sẻ: “Người dân đang đến với lễ hội dường như chỉ để là cầu tài, cầu lộc nhiều hơn là việc đi lễ hội để biết những ý nghĩa văn hóa sâu xa và hướng thiện mà ông cha đã thầm gửi gắm trong đó. Tôi thấy rằng ngày nay các lễ hội lớn đã mất đi phần lớn điều này và chỉ còn giữ lại ở một vài nơi trong các hội làng nhỏ. Cứ đến mùa lễ hội, tôi lại thấy đau lòng khi nhiều người thấy bát hương mà lao đến như con thiêu thân để vái lạy, cầu đủ thứ mà không hiểu họ đang lạy ai?!”.
Và trong những ngày đầu xuân năm mới, chúng tôi cũng đã đến với một ngôi chùa có lẽ là duy nhất không có hòm công đức. Có lẽ là điều khó tin, nhưng điều tưởng như chỉ có trong mơ ấy lại đang hiện hữu thực sự ở chùa Tiêu (Từ Sơn - Bắc Ninh). Đến đây, chắc chắn tất cả những chuyện dở khóc, dở cười cùng đủ loại văn bản, thông tư, hướng dẫn và bài toán hóc búa, nan giải về tiền công đức, tiền giọt dầu đều trở nên phù phiếm…
Khi đặt chân tới khuôn viên sơn thủy hữu tình này, bạn sẽ thấy miên man thư thái bởi không khí tĩnh lặng, không chen lấn xô bồ mà quấn quýt hương mộc lan. Bởi ở đó không ồn ào, không náo nhiệt việc lễ bái, cầu khấn, không gian thoáng đãng bởi nhiều cây xanh,... Bởi ở đây, sư cụ luôn dạy phật tử, ĐỨC ở trong tâm mình chứ đâu phải ở cái hộp đựng tiền.
Đại đức Thích Kiến Nguyệt - Trụ trì Trúc Lâm Thiền viện Tây Thiên: “Không phải cứ cúng Phật nhiều tiền thì sẽ được hưởng nhiều lộc”
Đến với Phật là đến bằng tấm lòng thành, khi đến khởi tâm cúng Phật, Phật Tam Bảo đã chứng minh cho tấm lòng thành của người đi lễ, không cần phải ghi công đức, cứ để tiền lễ vào một nơi nào đó, trong hòm công đức, cũng không cần phải đổi tiền lẻ.
Mặc dù việc đặt tiền công đức xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp: cúng chùa để góp phần tu sửa, xây dựng chùa, đúc chuông, in kinh sách giáo huấn cho mọi người, đó là làm việc phúc và được hưởng phúc chứ không phải Phật ban. Mọi người khi đi lễ chùa thường cầu tài, cầu lộc, điều đó không phù hợp. Không phải cứ cúng Phật nhiều tiền thì sẽ được hưởng nhiều lộc. Đến với Phật mà cầu tài, cầu lộc, nếu Phật ban được thì Phật cũng ăn hối lộ rồi.
Sở dĩ tôi dám nói câu đó vì Phật dạy: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các ngươi lãnh quả do mình gây nên. Con người sống nhân, lành, thiện thì được hạnh phúc, đó là nhân quả chứ không phải là Phật ban. Quan niệm Phật ban là sai lầm, là tự gán. Nếu Phật ban được thì chính những nhà tu hành chúng tôi đã xin đầu tiên rồi, chẳng hạn như thỉnh Phật ban cho trúng số lấy tiền sửa chùa mỗi khi chùa cũ dột nát, xiêu vẹo”...