Việc Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc lùng bắt và dẫn độ Edward Snowden, người tiết lộ chương trình giám sát Internet và nghe lén điện thoại trên thế giới, đã cho thấy phần nào sự phức tạp trong mạng lưới các hiệp ước dẫn độ quốc tế. Dưới đây là 9 điều ít biết về hoạt động dẫn độ trên thế giới do hãng tin BBC tổng hợp.
Vụ chạy trốn của Edward Snowden đã khiến người ta nhận ra rằng dẫn độ không hề là hoạt động đơn giản, do sự phức tạp về quy định luật pháp giữa các nước |
1. Văn bản thỏa thuận dẫn độ lâu đời nhất của thế giới còn tồn tại tới nay đã được vua Ramesses II của Ai Cập lập ra với nước láng giềng Hittites trong năm 1259 trước Công Nguyên. Đôi khi còn được biết tới với tên Hiệp ước Kadesh, thỏa thuận đã ràng buộc cả hai bên trong việc bắt giữ tội phạm và những tù nhân chính trị chạy trốn sang vùng đất của nhau.
Phiên bản Ai Cập của thỏa thuận này hiện đang được bảo tồn ở Karnak. Phiên bản thứ hai với tiếng Hittites đã được tìm thấy ở Hattusa, nơi đặt các công trình của hoàng gia Hittite, nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1916.
2. Thỏa thuận dẫn độ đầu tiên của Mỹ đã ký với Anh trong năm 1794. Tuy nhiên đây không phải là một thỏa thuận dẫn độ toàn diện mà chỉ là một quy định nhỏ trong một hiệp ước lớn hơn, trong đó dàn xếp những vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước kể từ khi Mỹ giành độc lập. Thỏa thuận chỉ liên quan tới tội giết người và tội làm giả hàng hóa.
Thỏa thuận dẫn độ thời hiện đại đầu tiên của Mỹ đã chỉ được ký với Ecuador vào năm 1872. Các hiệp ước dẫn độ ban đầu gồm có một danh sách các tội danh, trong khi các hiệp ước về sau này lại chỉ nêu các vụ phạm tội với hình phạt tối thiểu một năm tù. Các hiệp ước trước đó do Mỹ ký với Ecuador, Venezuela và Cuba gồm giết người, ám sát, cướp biển, nổi dậy, phá hủy tài sản trái phép như đường sắt và các cây cầu.
3. Luật dẫn độ của Anh được thông qua lần đầu hồi năm 1870 đã nói rõ rằng nước này sẽ từ chối cho dẫn độ bất kỳ người nào, nếu tội danh của họ liên quan tới các hoạt động chính trị. Nhiều người trốn chạy ở châu Âu vào thời điểm đó, gồm cả Karl Marx, đã đặt chân tới châu Âu. Tuy nhiên Hội thảo châu Âu về chống khủng bố (1977) đã giới hạn quy mô các đối tượng bị truy nã vì phạm tội chính trị được hưởng lợi từ việc không bị dẫn độ này.
4. Danh tiếng cũ của Tây Ban Nha trong vai trò một thiên đường của tội phạm đã hình thành từ việc sụp đổ một hiệp ước dẫn độ có tuổi đời hơn 100 năm. Hiệp ước này được Tây Ban Nha ký với Anh và khi nó hết hạn vào năm 1978, Tây Ban Nha đã không vội gia hạn vì cảm thấy nó không mang lại lợi ích gì, bởi chỉ vài đề nghị dẫn độ từ phía Madrid được London chấp nhận.
Sự khác biệt giữa đôi bên hình thành từ việc họ sử dụng hai hệ thống luật khác nhau liên quan tới việc dẫn độ. Một thỏa thuận dẫn độ mới được thông qua vào năm 1985 đã giải quyết mâu thuẫn một cách êm thấm.
5. Việc Anh và Tây Ban Nha ký hiệp ước dẫn độ mới đã khiến các tay tội phạm phải tìm nơi khác để ẩn náu. Trong bối cảnh này, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Síp (TRNC), một vùng đất tự xưng độc lập gần với Anh đã trở thành thiên đường dẫn độ mới. Nằm cách hẳn với Cộng hòa Síp và chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận, rất nhiều tay tội phạm đã đổ tới đây. Năm 2012, Cơ quan chống tội phạm có tổ chức (Soca) nói rằng miền Bắc Síp đang vươn lên trong vai trò một trung tâm tội phạm mới.
6. Brazil không có hiệp ước dẫn độ với Anh trước cuối những năm 1990, qua đó cho phép kẻ cướp tàu nổi tiếng Ronnie Biggs, người trốn thoát khỏi nhà tù Wandsworth vào năm 1965, đã tìm tới đây sống dưới ánh nắng mặt trời và các bãi cát trắng tuyệt đẹp của Rio trong hàng thập kỷ.
Nhưng ngay cả khi hai bên đã ký hiệp ước dẫn độ, luật Brazil vẫn cấm việc dẫn độ cha đẻ một đứa trẻ Brazil ra nước ngoài. Năm 1981, Biggs đã bị một nhóm cựu quân nhân nhân Anh bắt cóc ở Rio và bị đưa tới Bahamas, nơi người ta hy vọng chính quyền nơi đây sẽ dẫn độ gã về Anh. Tuy nhiên tòa thượng thẩm Bahamas lại chuyển Biggs về Brazil. Năm 1997, Brazil và Anh ký hiệp ước dẫn độ mới, nhưng nước này vẫn không đồng ý dẫn độ Biggs.
7. Nhiều nước không đồng ý dẫn độ công dân của họ ra nước khác xét xử, với một số nước quy định này được ghi hẳn trong hiến pháp. Ví dụ Nga nói rằng hiến pháp của họ đã cấm việc dẫn độ Andrei Lugovoi, người bị Anh truy nã vì có liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Alexander Litvinenko ở London vào năm 2006.
Đức cũng có luật chống dẫn độ công dân rất mạnh, với nhiều quy định cụ thể ghi hẳn trong hiến pháp. Nếu một tòa án Đức cảm thấy yêu cầu dẫn độ không phù hợp, Tòa án Hiến pháp nước này có thể ngăn cản việc dẫn độ. Tương tự, Hà Lan cũng thường yêu cầu xét xử công dân của họ tại quê nhà, ngay cả khi những người này phạm tội hoặc đã lãnh án tù ở nước ngoài
Pháp đã cho đạo diễn điện ảnh Roman Polanski lánh nạn, dù nhân vật này bị Mỹ truy lùng vì quan hệ tình dục với một bé gái trong năm 1977, chủ yếu vì Polanski có quốc tịch Pháp.
8. Anh khác biệt hơn nhiều nước khác do không bảo vệ công dân chống lại việc dẫn độ. Giới phân tích nói rằng việc này diễn ra do ngày xưa đế quốc Anh rộng lớn và công dân Anh di chuyển rất nhiều nên nước này đã tạo điều kiện để công dân Anh phạm tội ở nước ngoài phải chịu tội tại những nơi này.
9. Các đại sứ quán lâu nay đã trở thành những nơi ẩn náu cho những người chạy trốn lệnh dẫn độ. theo luật pháp quốc tế, các cơ quan ngoại giao được xem là vùng lãnh thổ của nước ngoài. Nhưng nhà chức trách mỗi nước có quan điểm rất khác về việc này. Khi nhà lãnh đạo trang web tiết lộ tin mật Wikileaks là Julian Assange tị nạn ở đại sứ quán Ecuador cách nay một năm, chính quyền Anh đã cân nhắc việc sử dụng Luật Ngoại giao và Các cơ quan lãnh sự thông qua vào năm 1987 để tấn công tòa đại sứ và bắt Assange.
Việc ẩn náu trong các tòa đại sứ là chuyện diễn ra khá thường xuyên ở Nam Mỹ, bởi các chính quyền nơi đây rất tôn trọng thỏa thuận về các cơ quan ngoại giao. Ví dụ như nếu một nhà lãnh đạo Peru lật đổ chính quyền không thành công, ông ta có thể tới đại sứ quán Colombia ở Peru và xin tị nạn.
Tường Linh