Dù được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp thành phố nhưng Việt Nam có rất nhiều di tích có niên đại hàng trăm năm bị bỏ quên trong sự tàn phá vô tâm của con người và môi trường tự nhiên khắc nghiệt. Các di tích cổ đang mất dần sự sống…
Chùa Bình An |
Đình Đỗ Xá, xã Ứng Hòe (Ninh Giang - Hải Dương) đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình Đỗ Xá - là nơi thờ ba anh em Nguyễn Tôn, Nguyễn Lâu và Nguyễn Lãng - những người có công phò Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ XV, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật ngày 12/2/1999. Tuy nhiên, sau đó UBND xã Ứng Hòe có tờ trình xin xây dựng bưu điện xã trên phần đất của di tích. Điều đáng ngạc nhiên là các ban, ngành chức năng tỉnh Hải Dương lại đồng ý cho việc làm này(?!).
Khu bảo tháp tại chùa Giác Viên (TP.Hồ Chí Minh) trở thành điểm tập kết xà bần. Bên ngoài nhếch nhác, bên trong ngôi chùa có niên đại gần 300 năm này cũng đang dần rệu rã. Đại đức Thích Huệ Thạnh (đã sống ở chùa 34 năm) cho biết chùa bị hư hỏng nặng, các trụ cột trong khu chánh điện bị mối mọt hủy hoại nhiều năm qua. Trần nhà khu Đông lang đổ sụp, ngói rơi vỡ thành đống, kèo cũng bị sập xuống. Khu nhà bếp bị tốc mái để lộ một mảng trống hoác. Chưa kể những ngày mưa, chùa bị dột, thấm nước, nhà chùa phải mang thau chậu hứng nước tràn ra từ máng xối. Gian thờ bá tánh cũng bị mưa và mối dần dần phá hoại.
Không riêng chùa Giác Viên, nhiều di tích khác cũng đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), được công nhận Di tích quốc gia vào ngày 26/9/1998, được xem là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, cũng đang trong tình trạng “chết dần chết mòn”. Nước mưa dột từ mái ngói âm dương qua nhiều năm dần dần làm mục cột, rui, mè. Trên kèo có nhiều tổ mối. Cứ mỗi lần mưa, sân đình bị nước ngập lênh láng, nước tràn vào cả chánh điện, kéo theo rác thải tràn vào sân đình. Hàng loạt ngôi đình, miếu nằm rải rác ở các quận, huyện như: đình Nam Chơn, đình An Phú, Bình Quới Tây, Vĩnh Hội, Hưng Phú, miếu ông Bổn, miếu Tân Kỳ... cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tình trạng xuống cấp hàng loạt của những ngôi đình, chùa đã làm nên một bức tranh rệu rã về những di tích có giá trị hàng trăm năm lịch sử
Chùa cổ Bình An, hay còn gọi là chùa Bình Văn, nay thuộc thôn Khương Tự, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh nằm trong quần thể di tích tổ đình Phật giáo Việt Nam, thiền viện đầu tiên của Việt Nam. Hiện ngôi chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng và cuộc sống của các nhà sư trong chùa gặp nhiều khó khăn. Phía đông chùa Bình An là chùa Dâu, chùa Tổ, phía tây là chùa Dàn, phía bắc có chùa Tướng, phía nam có chùa Đậu.
Tương truyền, 5 chùa trên nằm ở đầu 5 con rồng và các con rồng ấy đều quy tụ về chùa Bình An. Theo thần phả thì chùa Bình An “nằm trên một viên ngọc là nơi bảo tồn, hội tụ linh khí đế vương”. Trước kia, chùa Bình An nằm trong cấm thành Luy Lâu, chỉ các bậc đế vương mới được vào và phía trước chùa là sông Thiên Đức tấp nập thuyền bè đi lại.
Nhưng ngôi chùa đã rơi vào tình trạng tang thương. Dòng sông Thiên Đức xưa, nay chỉ còn là một cái mương nhỏ. Chợ làng che lấp hết đường vào chùa. Muốn vào chùa, Phật tử phải len lách qua những người bán hàng, đi trên con đường gập ghềnh đầy rác thải của chợ. Tam bảo của chùa cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, mái sụp, tường nghiêng, cột nhà mục ruỗng. Bởi lần trùng tu gần nhất của chùa Bình An cũng cách đây hơn 1,5 thế kỷ, đó là năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1844).
Vì sợ Tam bảo sẽ sụp đổ bất cứ khi nào nên nửa tháng trước, nhà chùa đã khởi công xây lại và theo tính toán của sư cô, phải... ba năm sau mới xong. “Nhà chùa vừa xây vừa đi quyên góp nên mới lâu như vậy” - sư cô Thích Đàm Huệ Tỉnh giải thích. Khi được hỏi vì sao không đợi đủ tiền hãy xây, sư cô chia sẻ: “Không thể đợi được nữa vì mái tam bảo bị sụp, cột nhà bị mối mọt mục ruỗng hết. Tôi sợ chùa đổ xuống tượng Phật thì chúng tôi mang tội. Nhà chùa rất mong được sự giúp đỡ của các Phật tử hảo tâm giúp xây dựng lại chùa cho khang trang hơn”.
Các di tích cổ đang mất dần sức sống. Các “cụ” đình, chùa, di tích cổ đang cần “cấp cứu” gấp nhưng thành phố, tỉnh chưa “để mắt tới” hoặc “hoãn” cấp kinh phí nên các “cụ” ngày thêm “sức tàn, lực kiệt”. Để cứu chữa, nhiều sư trù trì, người trông coi và cả dân địa phương tự quyên góp kinh phí để “chữa trị” và “tân trang” ngôi chùa. Và kịch bản “chùa Trăm Gian” tiếp tục lặp lại ở những di tích cổ!?
Bảo Châu