Cùng với nhân dân cả nước, những ngày này, người dân đất Cảng có nhiều hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài 3 công trình trong danh mục các công trình trọng điểm của cả nước chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là: dự án xây dựng khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc (Kiến Thụy), phỏng dựng tháp Tường Long trên đỉnh núi Ngọc (Đồ Sơn) và dự án nâng cấp đền Gắm (Tiên Lãng), còn có “những công trình của sức mạnh lòng dân” biểu thị tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với các thế hệ có công dựng nước và giữ nước.
Chạy đua với thời gian
Trên công trường xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy) nhộn nhịp tiếng máy reo, tiếng nói cười của những tốp thợ xây dựng. Trên nền móng điện Tường Quang, điện Phục Hưng của kinh đô Dương Kinh xưa, công trình nhà chính điện, thái miếu, nhà bái đường, thiên long tỉnh, nghi môn, tả môn, hữu môn… thuộc dự án xây dựng khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, một trong những công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội dần hiện rõ. Ông Nguyễn Hữu Lục, Chánh Văn phòng UBND huyện Kiến Thụy, kiêm trưởng ban quản lý dự án Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, phấn khởi báo tin vui: “Đến thời điểm này, khu vực nhà chính điện đang triển khai lợp mái, dần hoàn thiện để chuẩn bị rước tượng 5 vị vua nhà Mạc và hệ thống đồ thờ tự. Cùng với đó, việc xây dựng hệ thống tường rào, khu tả mạc, hữu mạc, cổng phụ, hồ sen, nghi môn nội, nhà che văn bia, tượng thú, mương đầm phủ... cũng được tăng tốc. Hiện việc triển khai dự án đạt 80% khối lượng công việc của giai đoạn 1, đồng thời thực hiện một số công trình thuộc giai đoạn 2. Một số đồ thờ tự như 5 tượng vua Mạc trong hậu cung, câu đối, hoành phi, ngai, khám, sập thờ, hương án, hạc, lư hương… cơ bản hoàn thành. Tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng đều do các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con cháu họ Mạc, gốc Mạc ủng hộ.
Tòa nhà chính điện Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan (Kiến Thụy) đang được hoàn thiện. Ảnh: Duy Lân |
Hai dự án còn lại là công trình tôn tạo tháp Tường Long - Chùa Tháp (tại phường Ngọc Xuyên, quận Ðồ Sơn), với tổng mức đầu tư gần 180 tỷ đồng và công trình xây dựng tu bổ, tôn tạo, mở rộng Ðền Gắm (tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng) với tổng mức đầu tư hơn 19 tỷ đồng cũng đang khắc phục khó khăn sau nhiều tháng đình trệ để chạy đua với thời gian, dốc sức hoàn thành một phần việc đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long. 3 công trình trong danh mục các công trình trọng điểm chào mừng đại lễ, thành phố, chính quyền và nhân dân các địa phương đều ưu tiên mọi nguồn lực cho việc thi công.
Những tấm lòng với nguồn cội
Ngay những ngày đầu tháng 8 lịch sử này, người dân huyện An Lão cũng sôi nổi tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó là tổ chức long trọng lễ rước tượng Trạng nguyên Trần Tất Văn và Tiến sĩ Trần Tảo về an vị tại đền thờ Trạng nguyên ở làng Nguyệt Áng, xã Thái Sơn. Tuy không phải dự án nằm trong danh mục các công trình trọng điểm của cả nước chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng dự án tôn tạo đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn của người dân An Lão thực sự là tấm lòng hướng về nguồn cội, món quà qúy hướng về thủ đô nghìn năm tuổi. Hiện nhiều hạng mục quan trọng như hậu cung đền, nhà bia, khu tam quan, hai bức tượng Trạng nguyên Trần Tất Văn và Tiến sĩ Trần Tảo bằng đồng nguyên chất, khối lượng mỗi pho tượng 500 kg đã hoàn thành. Tại vùng đất Dương Kinh xưa, Kiến Thụy nay, hay quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… người dân cũng âm thầm góp sức mình tôn tạo, gìn giữ những di tích lịch sử gắn với kinh đô Dương Kinh xưa, tri ân những vị anh hùng có công trong việc dựng nước, giữ nước. Đó là việc tôn tạo chùa Nhân Trai, Cổ Trai, Trà Phương thờ các vị vua nhà Mạc, đền Mõ thờ công chúa Quỳnh Trân, con gái vua Trần Thánh Tông, từ đường quận công Nguyễn Như Quế ở Đại Trà, góp sức xây dựng Văn miếu Xuân La (Thanh Sơn, Kiến Thụy), văn miếu nổi danh xứ Dương Kinh xưa, góp phần cùng văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long ghi danh các bậc tiến sĩ học giỏi, có lòng giúp nước, giúp dân.
Nhiều người con đất Cảng bằng tài năng và tấm lòng đang lặng lẽ xây dựng thư mục, thư viện, trưng bày sách báo, triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Thủ đô văn hiến nghìn năm tuổi, hay những công trình đặc biệt độc đáo hướng về Đại lễ. Tiêu biểu là nhà thư pháp Lê Thiên Lý đang say sưa hoàn thành 2 công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó là 1000 chữ “long” trên đĩa gốm và 1000 chữ “long” trên giấy với dáng vẻ, sắc thái khác nhau, sử dụng 5 thể viết truyền thống chính là triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư, thảo thư và 2 thể nhân diện thư, vật điểu thư do ông sáng tạo. Một nghìn chữ “long” trên giấy khi xếp lại sẽ được một bức tranh dài 210m. Nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đang tổ chức thi kể chuyện, sưu tầm sách báo, thi văn nghệ về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tổ chức hành trình về nguồn, tham quan và dâng hương tại các di tích được xây dựng và di tích thờ các vịanh hùng thời nhà Lý…
Cả thành phố Cảng như đang dõi theo chiếc đồng hồ đếm ngược, chờ đón thời khắc lịch sử Thăng Long- Hà Nội nghìn năm tuổi.
Hoàng Yên