Phần lớn trong các vụ án đó thuộc về lĩnh vực ngân hàng, chỉ có 3 vụ ở các công ty xây dựng, nhà đất và nông nghiệp. Các tội danh trong các ngân hàng này là “Cố ý làm trái”, “Vi phạm quy định cho vay”, “Lừa đảo” và cả “Hối lộ”,... Điều này cho thấy, hoạt động ngân hàng rất dễ nảy sinh tham nhũng và để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, việc chấn chỉnh lại là rất cần thiết sau những vụ đại án đã bị phát hiện này (ví dụ: Không mua ngân hàng với giá 0 đồng nữa).
Trong 12 vụ được coi là đại án này, có một số vụ mà hầu như chưa từng xuất hiện trên báo chí. Đó cũng là điều đáng quan tâm để tạo ra dư luận xã hội, cũng như thủ đoạn của tham nhũng trong lĩnh vực này. Bên cạnh việc đưa các đại án ra xét xử, Ban Chỉ đạo cử Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận quan tâm.
Ở một diễn biến khác, khi Tổ công tác của Chính phủ làm việc với Bộ Công Thương thì đã có báo cáo việc kiểm tra, kết luận và đưa ra hướng xử lý với 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” và thua lỗ. Đó là điều mà từ người dân đến đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm, giải quyết các dự án này đồng nghĩa với việc minh bạch việc đầu tư, xây dựng và đẩy lùi những món “nợ xấu”, nợ đọng, lãng phí và kìm hãm kinh tế phát triển. Chính phủ cũng yêu cầu Kiểm toán Nhà nước trực tiếp vào các dự án này khi thanh toán. Bên lề sự kiện này là việc theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bất ngờ rút sạch 1000 tỷ đồng vốn đầu tư tại dự án mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) – đây là 1 trong 12 dự án kể trên. Động thái quyết liệt này đã thể hiện rõ thái độ của Chính phủ đối với các dự án lớn mà trì trệ.
Cũng liên quan đến con số 12 nhưng ở lĩnh vực khác. Đó là 12 dự án của 12 doanh nghiệp tại Kê Gà, nơi được chọn mở rộng cảng phục vụ cho các nhà máy khai thác và chế biến bô-xit.
Tuy nhiên, khi việc xây dựng này phải đình lại thì gây thiệt hại cho các công ty du lịch đầu tư vào đó và Chính phủ có chủ trương đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho các công ty này và thực hiện chủ trương đó là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Dù Chính phủ đã “giục” nhiều lần nhưng TKV vẫn án binh bất động khiến các doanh nghiệp này hết sức lao đao. Điều này cho thấy từ chủ trương đến thực hiện là một khoảng cách xa vời, kể cả những chủ trương cụ thể, quyền lợi sát sườn nhất đối với doanh nghiệp.
Điểm qua sự trùng lặp tình cờ của con số 12 ở các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, doanh nghiệp cho thấy thực trạng giải quyết các món “nợ đọng” để lại là rất khó khăn. Nhà nước và Chính phủ không ngại phải đương đầu với thực trạng đó và đang nỗ lực hết mức để ngăn chặn những hậu quả xấu do nó gây ra nhằm ổn định và phát triển kinh tế, hạn chế tham nhũng, lãng phí. Đó chính là điểm sáng, niềm tin vào sự điều hành và quản lý xã hội, đưa đất nước tiến lên.