Được quy hoạch cho người làng ra sinh sống được khoảng chục năm, khu xóm mới (thuộc thôn An Trụ, xã An Thịnh, Lương Tài, Bắc Ninh) khá khang trang với những ngôi nhà hai tầng bề thế. Tuy nhiên, sau khi định cư, người sinh sống trong xóm liên tục gặp tai ương. Hơn chục nóc nhà mà có tới cả chục người chết trẻ, tuổi không quá năm mươi, đều chết vì những tai nạn có phần bất thường, kỳ bí.
Ác mộng trên mảnh đất nghĩa địa cũ
Theo nhiều cao niên, khu mả Cả của thôn An Trụ từ thời xưa đã được coi là khu đất “linh thiêng”, ít người dám đặt chân tới vì sợ “thần linh trách phạt”. Lâu dần, khu mả Cả trở thành một khu rừng nhỏ với dòng sông uốn lượn bao quanh, như vùng cấm địa chở che, bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng. Mọi chuyện bắt đầu khoảng 10 năm trước, chính quyền địa phương có chính sách mở rộng ra vùng vành đai, quy hoạch khu mả Cả, bán cho người làng có nhu cầu ra định cư, lập thành xóm mới.
Ông Nguyễn Duy Đạt (54 tuổi) một trong những người sớm nhất ra dựng nhà sinh sống ở khu mả Cả nhớ lại: “Tôi và gia đình được cấp một mảnh đất làm nhà ở khu xóm mới. Nhưng ngay từ những ngày đầu ra đó, vợ chồng luôn gặp ác mộng. Cứ như có người lay gọi, thậm chí là nâng đầu mình lên khi ngủ. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ ban ngày làm mệt nên khi ngủ gặp ác mộng, nhưng cảm giác bị dọa nạt thường xuyên xảy ra khiến hai vợ chồng rất hoang mang.”
Thời đó còn trẻ, vợ chồng ông cũng chỉ nghĩ đó là chuyện mê tín nên chẳng mấy quan tâm. "Phải đến khi vợ tôi sinh cháu, không hiểu sao, hai mẹ con cứ đau ốm liên miên. Tôi lo lắng, chạy đôn chạy đáo tìm đủ mọi loại thuốc thang, nhưng uống bao nhiêu thuốc, bệnh tình vợ con vẫn không thuyên giảm. Sau mẹ tôi đi xem bói, thầy phán đúng như các cao niên từng nói. Sợ quá, gia đình tôi đành bỏ căn nhà mới, trở lại làng sinh sống. Tự nhiên, chỉ sau vài tháng, vợ con tôi khỏe hẳn, chả cần thuốc thang gì", người này nói.
Chỉ tay sang khu xóm mới, hầu như toàn những ngôi nhà hai tầng khang trang, một cao niên góp chuyện: "Giờ xóm chỉ còn toàn đàn bà con gái. Đàn ông chết nhiều, mà toàn chết trẻ thôi, chưa ai qua được tuổi năm mươi".
Theo thần phả còn lưu ở thôn An Trụ, vị Thành hoàng làng là một vị nhân thần có công lớn với triều Lý, được vua gả công chúa. Sau khi mất, ông được phong là Dục Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần. Không ai biết chính xác mộ ông ở đâu. Tương truyền, ông bị một con rắn trắng cắn vào tay, hiện rõ 3 vết răng, đúng 3 ngày sau thì hóa. Khi đang làm đám ma, giông tố bỗng nổi lên, cuốn linh cữu biến mất. Dân làng kinh ngạc phát hiện một đống đất dâng cao như trái núi ở phía tây của làng. Từ đó, người dân coi đống đất là mộ của Thành hoàng, gọi là đống Cao hay khu mả Cả. |
Thông tin này được ông Nguyễn Huy Vỹ, bí thư chi bộ thôn, xác nhận. Theo đó, xóm mới có 16, 17 hộ gia đình thì hơn chục hộ có người chết trẻ, thậm chí, có nhà hai người cùng chết trẻ. Về thông tin xóm chỉ toàn đàn bà, ông bí thư chi bộ cho biết là do hầu hết các gia đình đều sinh con gái một bề, khi người cha, người anh mất đi, nhà chỉ còn phụ nữ.
Những cái chết bất thường
Tử sinh là quy luật tất yếu. Thế nhưng những cái chết dồn dập, bất thường ở xóm mới khiến nhiều người kinh hãi. Dân làng cho biết trong khoảng 5 năm trở lại đây, xóm đã có tới 10 người chết trẻ. Phần lớn là những cái chết đau đớn. Có nhiều nguyên nhân như ung thư, ốm liệt giường mấy năm nhưng cũng có trường hợp do tai nạn hi hữu như bị sét đánh chết hoặc uống thuốc sâu tự tử.
Người làng vẫn nhớ như in cái chết của một phụ nữ sinh sống trong xóm mới, làm nghề phụ hồ xây dựng. Khi đang phá tường một ngôi nhà cũ để xây mới, bất ngờ bức tường đổ sập, đè vào người chị. Bà Nguyễn Thị Loan, người trực tiếp chứng kiến sự ra đi của nạn nhân kể lại: “Chắc cả đời này tôi sẽ không bao giờ quên được thảm cảnh ấy. Hôm đó có rất đông người làm ở công trình. Tôi cũng đang bê gạch gần đó. Bỗng nghe thấy ai đó hét lên: “Chạy đi, tường sập”. Tôi ba chân bốn cẳng ù té chạy. Chỉ tội nạn nhân làm sát chân tường, không chạy kịp. Tôi không dám vào nhìn mặt lần cuối khi đưa nó về nhà. Mấy chị em ngồi ở chỗ làm mà nước mắt cứ ứa ra”.
Cái tin nạn nhân bị tường đè chết khiến cả làng xôn xao bàn tán. Bởi trước đó không lâu, gia đình nhà chồng nạn nhân đã có mấy người chết vì bệnh tật. Một số người cho rằng mồ mả nhà chồng nạn nhân bị "động", nhưng hầu hết các ý kiến đều quả quyết do nhà chị “mạo phạm” sinh sống trên “đất thiêng”.
Hoang mang chưa kịp lắng xuống thì một thời gian ngắn sau, một phụ nữ trong xóm lại uống thuốc sâu tự tử. Gia đình quả quyết trong nhà không có mâu thuẫn sâu sắc đến nỗi nạn nhân phải tìm cách giải quyết dại dột như thế. Người làng bán tin bán nghi. Không giải thích được rõ nguyên do, họ lại liên hệ đến vùng đất định cư mới, mang lại nhiều xui xẻo.
Những đồn thổi cứ thế lan truyền, cho đến gần đây, một thanh niên trong xóm bị sét đánh chết khi đi làm đồng, thì nỗi sợ hãi bùng phát.
Hôm đó, trên đồng có rất nhiều người đi cày, đi cấy, khi mây đen kéo tới rồi sấm chớp nhì nhằng, họ mới bảo nhau thu dọn đồ nghề để trở về. Đúng lúc đó, một tia sét như rạch toang cả bầu trời, đánh thẳng xuống cánh đồng. Người làng bỏ chạy tán loạn tìm chỗ trú ẩn. Phải một lúc sau, họ mới nhận ra một thanh niên đã bị trúng tia sét, thân thể đen thui, cháy sém.
Từ đó, người làng càng hoang mang, nghi hoặc về vùng đất đen đủi. Họ ít dám sang xóm mới chơi. Nhất là vào buổi đêm, khu dân cư nơi đó im ắng không một bóng người qua lại.
Nhận định về những lời đồn liêu trai về khu xóm mới hình thành trên đất thiêng, ông bí thư chi bộ thôn cho biết: “Đúng là vài năm trở lại đây, xóm mới có nhiều cái chết thương tâm, chết trẻ, khiến người làng đồn đoán một số chuyện có tinh tâm linh. Tuy thế, đó đều là những cái chết do ốm đau bệnh tật hoặc có nguyên nhân từ sự thiếu cẩn trọng của con người".
"Vùng đất quy hoạch xóm mới là nơi chôn cất thành hoàng làng. Nếu thành hoàng linh thiêng, sẽ phù hộ cho con cháu trong làng sinh sống được mạnh khỏe, may mắn. Những chuyện liêu trai về thần linh giáng họa chỉ là đồn thổi, không có căn cứ", ông bí thư chi bộ thôn chia sẻ.
Theo Xa lộ pháp luật