Là người phụ nữ đi sát con đường âm nhạc của hai cha con tiếng tăm làng nhạc Việt: Trần Hiếu và Trần Thu Hà, mang lại vinh quanh cho người khác nhưng chị lại nhận phần cay đắng về mình.
Nhiều người cho rằng để có được một Trần Thu Hà diva nhạc Việt hôm nay, cũng nhờ công 5 năm trời dạy kỹ thuật thanh nhạc của cô giáo, đồng thời là người mẹ kế Trần Thị Minh Huệ. Và dĩ nhiên, sẽ không có một Trần Hiếu hào hoa trên sân khấu ở cái tuổi ngoài lục thập những năm trước, nếu không có sự đóng góp lặng lẽ của người phụ nữ giàu đức hy sinh này. Tuy nhiên, đó là bề ngoài, còn bên trong là những câu chuyện đau đớn mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.Tôi đến với anh Hiếu không xuất phát từ tình yêu- Nếu tính từ điểm khởi đầu cuộc hôn nhân với NSND Trần Hiếu, có thể nói ngắn gọn thế này: chị lấy chồng của cô giáo mình sau khi cô qua đời. Khoan nhắc đến giai đoạn gặp Trần Hiếu, mà nói thời điểm trước đó nữa, là kỷ niệm với cô giáo mình lúc sinh thời, chị sẽ nói gì? - Suốt 5 năm học khoa Thanh nhạc hệ đại học Trường Quốc gia Âm nhạc (Nhạc viện Hà Nội bây giờ), cô Thúy Huyền (vợ quá cố NSND Trần Hiếu) là người dìu dắt, dạy dỗ tôi. Tất cả đức tính của một giáo viên dạy nhạc tôi học được từ cô Huyền là kiên trì và biết chấp nhận. Về chuyên môn, đó là người thầy có sức ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời giảng dạy của tôi. Cô Huyền là một người đáng kính, làm nhiều hơn nói. Cô rất thương chồng thương con, thương học sinh và đặc biệt là rất công bằng. Đến năm 1991, cô bị ung thư tụy rồi qua đời. Trước khi mất 5 ngày, tôi có đến thăm, cô vẫn còn tỉnh táo. Đó cũng là lần gặp cuối cùng của cô trò chúng tôi.
NSND Trần Hiếu |
- Và rồi 3 năm sau, chị lại là người phụ nữ tiếp theo trong cuộc đời nghệ sĩ Trần Hiếu. Có gì đó khó xử không khi từ quan hệ thầy trò bỗng dưng chuyển thành quan hệ khác? - Cô Huyền mất được 1 năm thì anh Hiếu (lúc đó tôi gọi là thầy) xuống Hải Phòng đặt vấn đề tìm hiểu tôi. Bản thân tôi không nghĩ sẽ lấy anh Hiếu vì con người đó trong suy nghĩ của tôi cao sang lắm, lại nổi tiếng như thế, còn mình chỉ là một giáo viên bình thường, quê mùa, làm sao dám với? Khi anh ấy đến nói chuyện đó, tôi hỏi luôn: “Ơ, thầy đùa em đấy à?”. Anh Hiếu mua hoa quả thắp bàn thờ nhà tôi và vào trường gặp Ban giám hiệu, nói rằng chính thức đặt vấn đề với cô Huệ. Năm 1994, tôi mới chấp nhận vì hai lẽ: cô Huyền mất đã mấy năm và tôi cũng đã ly dị 15 năm rồi. Tôi chẳng khó xử, chỉ có điều người khác luôn cho rằng tôi là người dụ dỗ chồng của cô giáo mình.- Một người phụ nữ đã ly hôn 15 năm và một người đàn ông góa bụa, đến với nhau là điều bình thường mà! - Nhưng họ cho rằng điều đó không bình thường thì biết làm sao, tôi không giải thích hay phản ứng gì. Nhớ một lần tôi lên Hà Nội, bị hai người em cô Huyền mắng: “Mày là đồ phản thầy, phản bạn. Mày để yên cho ông ấy nuôi con”, nhưng tôi cũng chỉ im lặng. Một số người trong Nhạc viện nhìn tôi bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Có người chơi thân từ lâu, nhưng khi tôi lấy anh Hiếu, họ ghét tôi lắm, thậm chí không thèm nhìn mặt. Họ coi tôi như kẻ phá hoại, cướp đi hạnh phúc gia đình người khác. Tôi buồn, nhưng tôi nghĩ họ không có lỗi gì cả. Từ khi đến với anh Hiếu, tôi không được phép sang nhà anh, nên muốn thắp một nén nhang cho cô giáo cũng không được. Sau ngày cưới, tôi có đến nhà anh nhưng em gái cô Huyền, rồi con anh Hiếu không cho tôi bước chân đến bàn thờ. Họ không cho thì đành chịu và tôi cũng chấp nhận như mình là người có tội, nhưng thực tế tôi thấy mình chẳng có tội gì cả. Có thể bây giờ khi tôi và anh Hiếu đã chia tay, chắc họ cũng nguôi giận.- Chị phải chịu đựng những điều đó thật khó hiểu. Nhưng sẽ khó hiểu hơn nếu nghệ sĩ Trần Hiếu để chị một mình gánh chịu đựng tất cả. Việc cố đấm ăn xôi này có nên hiểu do tình yêu quá lớn? Tôi cũng chỉ im lặng, tính tôi vốn không thích đôi co, cãi vã. Mình cứ sống, rồi thời gian sẽ trả lời thôi. Anh Hiếu lúc đó cũng rất hiểu và khuyên tôi nên bình tĩnh, chịu khó. Tôi đến với anh Hiếu không xuất phát từ tình yêu, vì tình yêu của tôi đã chết từ lâu rồi. Tôi chỉ thương hoàn cảnh của anh và đã nói thẳng: “Em thương anh chứ không yêu anh”. Tôi thương nên tôi quan tâm và chấp nhận, mặc dù cũng ghi nhận tình cảm anh dành cho mình khi đó. Cuối tuần, anh đều nhảy tàu về Hải Phòng với tôi và tối chủ nhật lại trở về để sáng thứ hai đi dạy.- Một cặp vợ chồng không có tình yêu, lại chịu bao áp lực như thế mà chị cũng chịu đựng được ư? Để làm gì chứ? - Về sống với nhau, tình yêu tuổi già mới bắt đầu nảy nở. Không yêu sao sống với nhau 8 năm trời được? Còn đã lấy rồi phải chịu. Có những thứ sẽ tốt hơn nếu mình biết chấp nhận và kiên nhẫn. Tôi vốn thích yên lặng nên không nặng nề mọi chuyện, chỉ biết người tôi cần là anh Hiếu, hiểu và thương là được rồi. Tuy nhiên, chuyện gia đình anh Hiếu, tôi không tham gia. Tôi chẳng bao giờ ỷ cái thế được anh ấy yêu thương nên cứ thế xông vào chuyện nhà người ta. Cũng không bao giờ tôi để anh Hiếu coi trọng vợ hơn người khác hay để cha con anh căng thẳng, lục đục vì tôi.- Được biết những năm ở Hà Nội, sống trong dư luận nhưng hạnh phúc của anh chị vẫn vững vàng trong căn nhà nhỏ… Khi lấy nhau, tôi không thể ở nhà anh Hiếu. Tôi bán nhà ở Hải Phòng và mua một ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội, 10m2, có gác lửng để ở. Anh ấy về với tôi trong ngôi nhà đó, thế mà 8 năm mặn ngọt có nhau. Chúng tôi đến với nhau nghèo, vô tư, đơn sơ là thế nhưng cuộc sống hạnh phúc bởi anh Hiếu rất yêu thương và chiều chuộng vợ. Anh luôn lo lắng nghe ý kiến của tôi và cho rằng tôi là một quân sư, tham mưu cho anh ấy trong biểu diễn cũng như cuộc sống. Tôi nhận được rất nhiều từ anh Hiếu, anh nhận học sinh cho tôi dạy, từng bước gây dựng cho tôi nền tảng như bây giờ. Còn tôi, tôi cũng làm được nhiều điều cho anh Hiếu mà tôi nghĩ chỉ có anh ấy mới hiểu được. Có thể khó tin nhưng tôi làm cả những việc nhỏ như cắt tóc, rồi may quần áo cho anh, từ trang phục đi diễn đến quần áo hàng ngày, Khi ở với tôi, anh ấy thành một người khác hẳn. Trước đó người lở loét, áo quần lôi thôi, lếch thếch. Tôi chăm chút anh đến từng món ăn làm sao để triệt tiêu ghẻ lở, rồi quần áo mọi thứ đâu ra đấy. Sau 1 năm, anh trở thành người phong độ, sạch sẽ, đẹp đẽ hẳn lên. Ngày tháng ở cạnh nhau, có thể nói chúng tôi là một cặp vợ chồng già hạnh phúc.- Thế rồi vào đây 2 năm, nghệ sĩ Trần Hiếu đã ra đi khỏi cuộc sống của chị. Tại ai, Trần Hiếu, chị hay do nhịp sống Sài Gòn? Nói thật là tôi chẳng làm gì có lỗi, vẫn sống và chăm sóc anh bình thường. Có thể khi sống ở Hà Nội, đi đâu vợ chồng cũng có nhau, dù mưa dù gió đều đi cùng, ăn cũng thế và ngủ cũng thế. Nhưng vào đây tôi phải dạy nhiều nên ít đi với anh hơn, một phần vì tính tôi cũng không thích đi ra ngoài. Thêm nữa, trong này tình cảm con cháu nhiều nên phân bổ đi ít nhiều. Tôi là một người đàn bà nhưng thực chất mạnh mẽ như đàn ông. Tôi không mềm mại trong khi anh Hiếu lại thích những phụ nữ mềm mại. Mặt khác, tuổi của tôi lúc đó, một người đàn bà đã ngoài 50, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, tôi không thể chiều anh Hiếu đúng với yêu cầu của một người đàn ông về sinh lý. Nhưng nguyên nhân chính lại không phải những điều đó, mà là anh đã gặp người khác, yêu và đi theo người ta.- Phải chịu đựng bao cay đắng để đổi lấy bình yên với người đàn ông của mình, nhưng rồi chấp nhận mất người đó vì lý do người thứ 3, có quá bất công với chị? Tôi thẳng tính, mạnh mẽ là thế nhưng cũng đau khổ và khóc lóc cả năm trời. Tôi nói với anh Hiếu, dù thế nào, tôi cũng không bỏ anh ấy vì tôi đã tự hứa với linh hồn cô Huyền là sẽ chăm sóc anh đến khi nào không còn nhau trên đời nữa. Nhưng rồi anh Hiếu lại là người thay lòng. Cuộc sống lúc đó căng thẳng lắm. Tôi gần như không nhận ra mình nữa: già, má hóp, xanh xao. Đến khi đồng ý ra tòa, tôi nghĩ: “Thôi, có giữ thì anh ấy cũng không còn là của mình nữa, không việc gì phải đau đớn mà phải mạnh mẽ lên, tìm cho mình một lối thoát”.Với Hà, tôi đã trọn vẹn cả nghĩa lẫn tình- Chịu bao ghẻ lạnh từ phía gia đình chồng nhưng chị vẫn kiên nhẫn dạy dỗ Hà Trần 5 năm trời.. - Lấy anh Hiếu, tôi phải có trách nhiệm với con của anh. Mặt khác, đó cũng là cách để tôi trả ơn cô Huyền. Còn lúc đầu, Hà không hiểu đó là việc của Hà, chỉ cần tôi hiểu việc tôi đang làm là được rồi. Những điều đó tôi cũng nói với Hà ngay lúc đầu: “Cô dạy cháu là để trả ơn mẹ cháu và cô cũng hy vọng Hà sẽ thương yêu cô”. Và tôi cũng biết rằng, làm điều đó quả là gánh nặng đang đè lên vai mình. Khi tôi dạy Hà, các mũi dùi chĩa vào tôi. Người ta nói với Hà: “Mày mà lại đi học với con Huệ à? Con đấy, mày không căm thù thì thôi, sao còn học với nó?”. Nhưng tôi không hề đấu tranh, không hề phản ứng mà chỉ tập trung dạy để Hà thi đỗ đại học. Hà vào đại học không đơn giản đâu. Người ta bảo Hà hát nhạc nhẹ làm sao hát cổ điển được…nhưng cuối cùng khi thi tốt nghiệp, Hà lại là một sinh viên xuất sắc. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến tình thương, bổn phận và quyết tâm sẽ dạy Hà tới đích. Nó cũng là một phần bản tính không đầu hàng của tôi, dù có thế nào chăng nữa, tôi cũng làm đến cùng.
|
"Hà coi tôi như một người thầy và sống đúng nghĩa với một người trò" |
- Khi học nhạc, ngoài kỹ thuật ra, giáo viên còn truyền cái hứng để học trò hát tình cảm hơn. Nếu cô trò 3 năm trời lạnh như băng, làm sao học hát nổi? Ưu điểm sẵn có của Hà là nhạy cảm, thông minh, nắm bắt cái tình của bài hát rất nhanh, bởi nhạc cảm không phải là thứ dạy được. Dĩ nhiên trong 3 năm đầu, Hà cũng cự cãi nhiều, cũng có những rào cản nặng nề giữa hai cô cháu. Hà dễ dạy nhưng khó bảo. Có lúc Hà nói: “Luyện thanh gì mà chua loét”. Tôi bảo, cứ chua đi, sau này sẽ hết chua. Luyện thanh cũng không chịu luyện bài cũ, nay luyện bài này, mai phải luyện bài khác, phải thay đổi mẫu âm thường xuyên. Nếu không thay đổi mẫu âm, Hà sẽ không chịu học.- Năm năm, bằng nhiệt tình của một người thầy và với tình thương thầm lặng của một người mẹ, hẳn chị đã làm thay đổi suy nghĩ của Hà với mình? - Hà coi tôi như một người thầy và sống đúng nghĩa với một người trò. Còn cách đối xử khác làm sao tôi đòi hỏi được. Từ khi tin tưởng tôi, Hà thường hay tâm sự. Yêu ai, Hà cũng giới thiệu với cô Huệ. Tôi luôn tôn trọng mọi quyết định của Hà.- Nhưng khi Hà nhận ra, cũng là lúc chị và nghệ sĩ Trần Hiếu chia tay. - Tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó và tự đáy lòng, lúc nào tôi cũng thương Hà. Có thể Hà hiểu lầm vì nghĩ rằng tôi đối xử tệ bạc để bố Hà phải ra đi nhưng tôi tin rồi Hà sẽ hiểu ra thôi. Với Hà, tôi đã toàn vẹn cả nghĩa lẫn tình. Chuyện cha mẹ là vậy nhưng Hà và các con tôi vẫn thương nhau như anh em một nhà.Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Giáo viên thanh nhạc Trần Thị Minh Huệ sinh năm 1946 tại Quảng Bình. Trước khi làm giáo viên, chị hoạt động ở Đoàn Văn công Quân khu 4 đến tháng 7-1975 thì chuyển ngành, về dạy ở Trường Âm nhạc Huế và là một giáo viên tiên phong mở khoa Thanh nhạc cho trường. Năm 1978, chị thi vào Nhạc viện Hà Nội và học 5 năm với cô Thúy Huyền, vợ quá cố của NSND Trần Hiếu. Tốt nghiệp năm 1984, chị về Trường Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng thành lập khoa Thanh nhạc. Năm 1995, chị thành thân với NSND Trần Hiếu sau khi cô giáo của mình mất được 4 năm. Năm 2001, chị cùng nghệ sĩ Trần Hiếu vào TP.HCM sinh sống và 2 năm sau, họ ly hôn. Trước khi đến với nghệ sĩ Trần Hiếu, chị đã ly hôn 15 năm, có 2 con với người chồng trước, hiện rất thành đạt ở TP.HCM. Giờ chị đã đầy đủ cháu nội, ngoại. Chị được xem là một người rất mát tay khi đào tạo ra những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng trong làng nhạc Việt như Trần Thu Hà, Trọng Tấn, Lan Anh, Mỹ Tâm, Hiền Thục, Khánh Linh, Khánh Ngọc…Hiện chị vẫn tiếp tục công việc giảng dạy thanh nhạc tại nhà. |
Theo Mốt và Cuộc Sống