Đảm bảo nếu gặp lần đầu tiên không ai dám, dù là có khả năng tưởng tượng giỏi nhất, nghĩ rằng Lê Huy Mậu là nhà thơ. Ông béo tốt một cách nghi ngại, chất phác một cách đáng ngờ, và thật thà, rất thật thà đến mức ta phải nghĩ rằng trên đời này không bao giờ còn có sự léo lận gian trá đểu cáng phi nhân khi nhìn ông... nhắm mắt đọc thơ. Khổ thay những điều ấy lại hiện hết ra bên ngoài nên rốt cuộc, không cần cất lời người ta nhìn ngay ra một ông nông dân Nghệ An Lê Huy Mậu. Thế mà ông từng làm lính đồ bản ở chiến trường Tây Nguyên, làm hải quan Vũng Tàu, rồi mê làm thơ mà về Ban Tuyên giáo và sang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật. Ông với Nguyễn Trọng Tạo là cặp bài trùng kể từ khi bài hát "Khúc hát sông quê" nổi tiếng. Nghe nói có năm nào đó, tỉnh Nghệ An tổ chức "Ngày thơ Việt Nam" rất hoành tráng ở huyện Diễn Châu quê Nguyễn Trọng Tạo. Tất nhiên là hai ông được mời về và được đón rước rất hoành tráng nhờ Sông quê. Thế là khách thơ từ Vinh ùn ùn về Diễn Châu làm Diễn Châu ngày ấy như trẩy hội. Người ta thông báo trước là yêu cầu Lê Huy Mậu đọc nguyên bài thơ nhưng ông lại... không thuộc. Thế là suốt buổi chiều phải ngồi tỉ mẩn chép ra giấy, đoạn nào quên thì lại gọi điện cho vợ: Nhung ơi, Nhung ơi câu ấy thế nào, thế là thành ra vợ lại là người đọc cho ông chép gần hết bài thơ. Mà ngày ấy cước điện thoại di động còn đắt lắm, nhưng biết làm sao được, nghiến răng mà giải quyết khâu oai thôi. Và cũng còn may là ông lại còn có bà vợ thuộc thơ chồng, chứ như tôi là xong béng, mình không thuộc đã đành, vợ lại càng "nỏ biết chi" nên đi đâu cũng phải kè kè cái laptop mua từ thời chưa đổi mới. Lại một lần tôi rủ ông và nhà thơ Lê Quang Sinh cùng về Thanh Hóa, thăm lại nơi mà bốn mươi năm trước tôi đã từ đấy ra đi. Bạn bè tôi khi nghe tôi báo tin về thì rất mừng, đổ hết về Hậu Lộc tề tựu đợi tôi. Nhưng đến khi tôi giới thiệu Lê Huy Mậu là tác giả lời của bài "Khúc hát sông quê" thì ngay lập tức Mậu mới là chủ nhân của cuộc đón tiếp chứ không phải tôi. Gần như 100 phần trăm đám bạn tôi rút điện thoại ra, và lập tức từ đấy "Quá nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê, ơi con sông dịu dàng như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bề mưa nguồn"... réo rắt cất lên. Cả mấy chục cái điện thoại cùng hát một bài một lúc với rất nhiều ca sĩ, từ Anh Thơ đến Thu Hiền, từ Minh Phương đến Phương Thảo, có mấy đứa còn tự hát rồi ghi âm lưu vào đấy. Có cô bạn ngày xưa xinh nhất lớp, giờ già ơi là già, khều tôi ra nói nhỏ: Tao nghi lắm, trông cái ông xấu trai hiền khô thế kia mà viết được những câu hay thế à, tao ru cháu nội toàn bằng bài ấy đấy. Cứ đến câu "Một dòng trong xanh chảy mãi đến vô cùng" là nó ngủ. Muốn chắc chắn tao tua thêm vòng nữa là cu cậu say hơn chó con. Nó lôi trong lưng quần ra cái điện thoại "của con trai nó thải nó cho" hí hoáy một tí thì cũng ọt ẹt "Con cá dưới sông cây trồng trên bãi, lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm" và đấy là giọng nó hát, nó thu vào đấy để khi nào mệt không Lai vờ sâu được thì nó mở ra ru cháu... Nhưng nhiều người không biết rằng, nguyên thủy đấy là một bài thơ dài, và rất hay, hay hơn ca từ trong bài hát. Tôi có lần ngồi với cả hai tác giả nhạc và lời đã "trêu chửi" rằng, bác Tạo có công lớn nhất là đã lôi những câu thơ dở nhất của Lê Huy Mậu ra khỏi bài thơ và vô tình biến nó thành bài hát hay. Chứ "con cá dưới sông cây trồng trên bãi" là câu thậm vô lý. Cá không ở dưới sông thì cá trong... nồi à, cây không trên bãi thì cây trên đá à? Chả lẽ gặt lúa lại xơi cả rơm "Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm". Nguyễn Trọng Tạo không mắc mưu mà cười: Ca khúc nó có quy luật riêng của nó, nên nếu anh cứ đòi hỏi ca từ thâm sâu thì lại chả ai hát. Nhiều khi ca từ phải ngô nghê, như cắt như chặt vầng trăng chẳng hạn, "như da em nâu tươi màu suy nghĩ" chẳng hạn. Vì thế, để bảo vệ uy tín cho Lê Huy Mậu đi đâu tôi cũng yêu cầu Mậu phải đọc nguyên vẹn bài thơ cho mọi người nghe sau khi họ đã no nê với ca khúc. Và quả thực, những khi ấy thấy mặt Lê Huy Mậu dại hẳn đi, đọc thơ như khóc, và người nghe cũng im thít trong một tâm thế vô cùng căng thẳng mà không hiểu tại sao? Có đi với Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu mới thấy Khúc hát sông quê là oách. Có lần thấy tivi đang "Khúc hát sông quê", tôi thử nháy máy cho Lê Huy Mậu, cả nửa tiếng vẫn chưa hết bận. Ấy là còn rất nhiều người khi biểu diễn, còn quên giới thiệu tác giả thơ là Lê Huy Mậu. Nhưng ai không biết thì không biết, chứ phàm là dân Nghệ Tĩnh, nhất là Nghệ Tĩnh xa quê thì đều biết. Cái nỗi nhớ nhà nhớ quê của người Nghệ Tĩnh nó ghê gớm lắm. Sức lan tỏa đoàn kết cộng đồng cũng khủng khiếp lắm. Thế là mỗi lần nghe Khúc hát sông quê thì có 2 nơi để gọi điện thoại tỏ lòng nhớ quê của mình là quê và... tác giả… Thì ngay tôi đây, có khi đang ngồi ở đâu đó cũng có người xin số điện thoại của Lê Huy Mậu. Hỏi để làm gì, bảo để em hát cho bác ấy nghe. Biết ngay là mấy ông uống đến độ rồi, phiêu rồi. Tất nhiên là tôi không cho vì tôi đã thấy nỗi khổ của Lê Huy Mậu rồi. Có hôm ngồi nhậu, có người gọi đến hát cho tác giả nghe, hết vợ đến chồng, xong lại đến con nữa, không đành tắt máy, Mậu mở loa ngoài bỏ điện thoại xuống bàn "chiêu đãi" cả bọn. Cũng may là Lê Huy Mậu biết mình biết người, nên nhiều khi thấy các cháu xinh đẹp xúm quanh xin chữ ký hoặc tán dương ngắm nghía trầm trồ thì dù rất sướng lão vẫn "ưu tiên" Nguyễn Trọng Tạo trước, nếu lúc ấy có Nguyễn Trọng Tạo, còn khi không có thì Mậu cười rất tươi, hấc mắt sang tôi: chú thấy chưa? Vâng em thấy, thưa bác...
Văn Công Hùng