Hải Phòng - thành phố cảng, bốn phía là những dòng sông đổ ra biển. Vì vậy, những dòng sông và cây cầu tạo nên bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi khách phương xa nhớ về thành phố qua những cây cầu- một minh chứng lịch sử gắn liền với bao thăng trầm, đổi thay và làm nên đời sống của người Hải Phòng.
Cầu Khuể đang được thi công để hoàn thành đúng tiến độ Ảnh: Hoàng Phước |
Chiều sâu của bề dày văn hiến
Bởi là cửa ngõ ra biển, Hải Phòng là nơi hội tụ của những dòng sông, cũng vì thế mà thành phố có nhiều cây cầu. Chẳng thế mà nhà thơ Tố Hữu tặng riêng Hải Phòng bài thơ trong đó đoạn: “Bốn cống ba cầu năm cửa ô…” để cổ vũ thành tích và cố gắng của thành phố trong việc xây dựng cầu Rào, cầu Niệm và cầu An Dương ở thời kỳ khó khăn trước đổi mới . Đúng vậy, đi bất cứ hướng nào cũng thấy những cây cầu uốn mình như những cánh tay vươn dài, tạo thành vóc dáng khoẻ khoắn, phóng khoáng của một thành phố nơi đầu sóng ngọn gió.
Những chiếc cầu nối đôi bờ sông từ bao năm gắn bó với cuộc sống hàng triệu con người đất Cảng, nối dài bề dày lịch sử hơn 120 năm tuổi của thành phố với lịch sử 2000 năm của miền đất An Biên do Nữ tướng Lê Chân tạo dựng. Hiện thân cho điều đó là cầu Quay Tam Bạc. Được biết đến như một trong những cây cầu cổ nhất Hải Phòng, cầu dài 100m, bắc qua sông Tam Bạc, nằm trên tuyến đường sắt Hải Phòng đi Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam do Công ty Pháp Hoả xa Đông Dương và Vân Nam xây dựng và được đưa vào khai thác ngày 16-6-1902 (theo Wikipedia). Thật may mắn, tự hào cho những ai thuộc lớp người đầu tiên thuở ấy được qua lại trên chiếc cầu - một công trình sắt thép đồ sộ lúc bấy giờ, bắc qua dòng sông nổi tiếng thơ mộng của Hải Phòng- sông Tam Bạc. Trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời nhiều con người đất Cảng, cây cầu cùng họ trở thành chứng nhân lịch sử cho những thời kỳ đau thương và oai hùng của Hải Phòng nói riêng và đất nước nói chung. Đó là khi quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng cuối năm 1946, quân dân Hải Phòng lột đường ray, bóc tà vẹt mặt cầu để chặn địch. Là sự kiêu hãnh của quân và dân Hải Phòng trong ngày thành phố hoàn toàn giải phóng (13-5-1955). Cây cầu còn là chứng tích hiện hữu của một thời kỳ lửa đạn khốc liệt và oai hùng, khi cả dân tộc tiến hành đấu tranh giải phóng miền
Giờ đây, khi chiến tranh và thời gian bào mòn vẻ bề ngoài và làm biến dạng “con rồng sắt” duyên dáng xưa kia, cầu Quay Tam Bạc ngày qua ngày vẫn đứng đó giữa không gian mênh mông của nước trời Hải Phòng như thể một chứng tích cổ xưa trưng bày trong viện bảo tàng thành phố.
Hình ảnh của một thành phố hiện đại
Những năm qua, Hải Phòng có nhiều thay đổi, song thay đổi lớn lao nhất có lẽ là sự xuất hiện của những cây cầu hiện đại, hoành tráng. Đó là những cây cầu của niềm tin, của trí tuệ Việt Nam và người Hải Phòng trên con đường đổi mới, nhất là vào dịp kỷ niệm 55 năm thành phố hoàn toàn giải phóng (13-5-1955 – 13-5-2010), ý nghĩa những cây cầu lịch sử ấy lại được tôn vinh ở mọi góc nhìn khác nhau.
Cầu Quay- minh chứng lịch sử của thành phố. (Ảnh: tư liệu) |
Điểm nhấn trong nhịp điệu phát triển của thành phố thời gian qua là những cây cầu gắn với hình ảnh một Hải Phòng hiện đại đang chuyển mình vươn lên trong thế kỷ 21, như cầu Nghìn, Tiên Cựu, Quý Cao, Đá Bạc, Kiền… Nổi bật hơn cả là cầu Bính - cây cầu dây văng hiện đại nhất nhì miền Bắc, đang nghiêng mình gánh vác công việc của những chuyến phà vất vả chinh phục dòng sông Cấm lâu nay. Cầu Bính có chiều dài 1.280 m, rộng 22,5 m, cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, chiều cao thông thuyền 25 m cho phép tàu 3.000 tấn qua lại, kết cấu dầm thép bê-tông liên hợp, liên tục 17 nhịp, hai tháp cầu bằng bêtông cốt thép có chiều cao tới 101,6 m. Cầu được thiết kế theo đường cong để tạo dáng kiến trúc và thẩm mỹ, đường dẫn hai đầu cầu là đường cấp 1 đô thị. Cây cầu không chỉ là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển, mà còn chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên và phiền phức tại đây. Ngoài ra, cây cầu này giúp cho sự phát triển và hình thành một khu đô thị mới của thành phố ở khu vực phía bắc sông Cấm. Cùng với dự án xây dựng cầu Kiền trên Quốc lộ 10, cầu Bính đóng góp một phần quan trọng trong việc kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạng lưới giao thông miền Bắc và nền kinh tế của khu vực ven biển phía bắc Việt Nam.
Mở hướng tương lai
Đời sống kinh tế-xã hội của Hải Phòng ngày hiện đại, tăng tốc vươn lên, điều đó thể hiện qua nhiều mặt phát triển và qua cả đời sống những cây cầu.
Chỉ ít tháng nữa, cầu Khuể được "hợp long", sẽ là niềm vui của người dân Hải Phòng nói chung và Tiên Lãng nói riêng. Xây dựng cầu Khuể là một bước hoàn thiện hệ thống giao thông thành phố, nối liền 2 huyện An Lão và Tiên Lãng, đem lại lợi ích trực tiếp đến cộng đồng với 500 nghìn nông dân vùng nông thôn trên diện tích rộng lớn 500 km2. Lợi ích kinh tế của cây cầu do tiết kiệm chi phí vận chuyển chạy phà trung bình khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi ích xã hội mà nó đem lại còn to lớn hơn nhiều.
Cũng không lâu nữa, cầu Đình Vũ dài 6km với 6 làn xe, nối bán đảo Đình Vũ với đảo Cát Hải không những phá thế "ốc đảo" của Cát Hải mà còn mở ra hệ thống giao thông liên hoàn trên vùng đất cửa biển Hải Phòng, là cơ sở hình thành các khu công nghiệp, đô thị hiện đại. Cầu Rào 2 hoàn thành vào cuối năm 2011 sẽ nối nút giao thông ngã ba cầu Rào 1 và đường Phạm Văn Đồng với đường Nguyễn Văn Linh, nhằm giảm tải cho cầu Rào 1 và tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho thành phố…
Những dòng sông và cây cầu không trực tiếp tạo ra sản phẩm, song chúng vẫn là những thành viên quan trọng trong nền kinh tế, không thể thiếu được trong hoạt động sản xuất và lưu thông của xã hội. Dưới một góc độ nào đó, những cây cầu ở Hải Phòng có thể ví như những cây cầu bắc qua đói nghèo, lạc hậu và trì trệ. Phải chăng, đó là những cây cầu bắc vào tương lai của Hải Phòng trong thời đại hội nhập và phát triển.
Thảo Nguyên