"Ngôi nhà bình yên" dành cho những thân phận phụ nữ đáng thương, tọa lạc ở số 20 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội). Những người sống trong ngôi nhà này lại có mong muốn “tréo ngoe” là xóa sổ căn nhà. Sở dĩ có tâm sự khắc khoải ấy, bởi bao giờ "ngôi nhà bình yên" được "xóa sổ", đồng nghĩa với việc không còn những phụ nữ chịu cảnh bạo hành.
Tưởng tượng ra sai trái của vợ để... đánh
Nơi “trú ẩn” của những người phụ nữ đáng thương là ngôi nhà bốn tầng ẩn sâu trong ngõ nhỏ một con phố lớn ở Hà Thành. Vì những lý do bảo vệ danh tính cũng như sức khỏe, tính mạng của các nạn nhân, ngôi nhà ấy khá kín đáo, biệt lập với những gia đình xung quanh.
Trong phòng, những đứa trẻ đi “ở ẩn” với mẹ cùng nhau nô đùa, tiếng cười vô tư, trong vắt như xua tan đi phần nào những nỗi đau mà mẹ chúng đang gánh chịu. Những người phụ nữ, nạn nhân của bạo hành, có trình độ từ lớp tiểu học cho tới thạc sĩ, đủ các ngành nghề, sinh sống từ vùng sâu vùng xa lạc hậu, tới thành thị phồn hoa, đều “tề tựu”.
Không gian không quá rộng nhưng ấm cúng. Các vật dụng tiện ích được sắp xếp gọn gàng. Trên tường, dán những bông hoa, những lời nói động viên. Nhờ sự ấm áp của gian phòng, sự chia sẻ, cảm thông của những người đồng cảnh ngộ, nỗi sợ hãi, cam chịu vơi đi ít nhiều.
Trong căn phòng ấy, sống với những chị em có hoàn cảnh như mình, chị Ngọc (31 tuổi) quê Nam Định được nói, được tâm sự, được khóc thỏa thích. Chị là một nạn nhân trong chính gia đình mình gần 12 năm nay.
Theo lời chị kể, những năm đầu cưới nhau, cuộc sống tuy có khó khăn nhưng vẫn hạnh phúc, hoà thuận. Chỉ đến khi chồng chị theo bạn bè lên biên giới làm ăn, tiền kiếm được nhiều, “tật” mới sinh theo. Anh nghiện nhậu nhẹt, cờ bạc, trai gái, sau đó là... đánh vợ.
Anh thích đánh vợ đến mức sẵn sàng tưởng tượng ra những sai trái của vợ để hành hạ. Nhìn những vết thương còn chưa liền da chằng chịt trên cánh tay chị, nhiều người quen khuyên chị bỏ chồng. Nhưng chỉ cần nghe đến hai từ "ly dị", chị lại bị đánh sa sẩm mặt mày vì “tội… dám bỏ chồng”.
Mỗi khi say, người chồng thường tra khảo đánh đập để bắt vợ thú nhận có tư tình với người khác. Chưa đủ bẽ bàng, chị còn bị buộc phải quan hệ tình dục bất cứ khi nào chồng muốn.
Thậm chí, khi vợ “đến tháng” anh ta cũng không tha, khiến chị bị viêm nhiễm, đau đớn. Nếu chị không "chiều", lập tức anh ta chửi bới, cho rằng vì chị đã "no xôi chán chè" với người khác, chán chồng. Vùng kín của chị bị nhiễm trùng do quan hệ mất vệ sinh, anh lại đổ tại chị “chơi bời nhiều” nên mới như vậy.
Có những lần chị bị chồng đánh vào đầu đến mức hôn mê hơn một ngày, mất trí nhớ vài ngày sau đó. Đứa con gái lên 6 tuổi nhiều lần chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, đã khiếp sợ đến mức hoảng loạn. Hàng xóm thương tình giúp đỡ chị, cũng bị người chồng chửi bới, đập phá.
Một lần bị chồng đánh đuổi, chị bắt xe khách lang thang về Hà Nội. Một bên mắt sưng vù, chảy máu, bơ vơ ngoài đường trong tâm trạng hoang mang, chị muốn buông mình ở cầu Chương Dương để trốn kiếp đọa đầy. Suy nghĩ miên man, đôi chân chị tới cầu lúc nào không hay. Đang loay hoay trèo lên lan can cầu, chị đựợc một người xe ôm kéo xuống. Sau đó, chị được đưa tới "ngôi nhà bình yên".
Tuổi thất thập vẫn phải lo "giữ" chồng
Hàng trăm người phụ nữ là hàng trăm câu chuyện, hàng trăm cảnh đời cay đắng. Rất nhiều chị em trong ngôi nhà “trú ẩn” ấy đều nhớ và xót xa cảnh đời của cụ bà tên Chi ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Bà quê ở Đông Anh (Hà Nội). Từ lúc sinh ra, dường như bà chưa có một ngày hạnh phúc. Mẹ bà đi làm vú nuôi biền biệt khi bà còn đang khát sữa. Năm lên bốn tuổi, bà nội và bố lần lượt mất sớm, bà phải làm con nuôi của gia đình khác với bao tủi hờn.
Đến 17 tuổi, bà lập gia đình, bất hạnh lại càng bám riết. Chồng bà là người đàn ông thô lỗ, ăn nói hàm hồ, cục súc vũ phu. Gần 60 năm chung sống, bà không nhớ xuể mình đã bị chửi bới, đánh đập bao nhiêu lần. Lý do là “thấy thích thì ông ấy đánh”. Nhiều lúc bà muốn giải thoát bằng tờ giấy ly hôn, nhưng nhìn 6 đứa con bé bỏng, nheo nhóc, bà lại không đành lòng dứt áo ra đi.
Không chỉ vũ phu, chồng bà còn có thói trăng hoa. Đến tuổi “đầu bảy đuôi mênh mông”, ông vẫn tằng tịu với đám "cave" kém mình hàng chục tuổi. Bà biết chuyện khi cả làng bàn tán xôn xao. Tủi hổ, nhục nhã, nhưng với bản tính phúc hậu, muốn cửa nhà êm ấm, bà cố kìm nén lòng tự ái, đến tìm "ổ con chuồn chuồn" với lời lẽ ngọt ngào: “Ông ơi, tôi vừa làm ruộng, vừa phải trông cháu, ông về nhà đỡ đần tôi nhé!”. “Cụt hứng”, người chồng giận dữ chửi rủa rồi lao vào đánh bà thâm tím chân tay, mặt mũi.
Quá đau khổ, bà lão bỏ nhà vào nội thành, ngày lang thang ăn xin, tối nằm còng queo ngủ nhờ hiên nhà góc phố. Một số người dân thương xót đã chỉ bà tới ngôi nhà dành cho những nạn nhân bị bạo hành. Lê chân tập tễnh, bà đã tìm được tới đây. Sống trong “bến bình yên”, bà được các nhân viên chữa trị vết thương thể xác lẫn tinh thần. Sống trong "nhà tạm lánh" vài tháng, bà được con trai lớn đón về. Ngày chia tay bùi ngùi câu hỏi, liệu bà đã được an hưởng tuổi già bên con cháu chưa?.
Bao giờ "nhà bình yên" xóa sổ?
Trên đây chỉ là hai trong số 585 cảnh đời đã tìm đến lánh nạn tại ngôi nhà này trong sáu năm qua. Hầu hết những nạn nhân khi đến với “ngôi nhà bình yên” đều bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần. Từ các vết thương trên cơ thể dễ dàng nhận thấy ở đầu, mặt, chân tay; đến cả các vết thương vùng kín do bị hành hung, đánh đập từ chồng, người thân trong gia đình.
Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, “chủ nhân” "ngôi nhà bình yên" cho hay, để các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tìm lại sự cân bằng, tự tin vào bản thân và cuộc sống không hề đơn giản. Bởi những nạn nhân khi được giới thiệu đến “bến bình yên” không phải ai cũng cởi mở. Nhiều người còn tỏ ra bất hợp tác, mệt mỏi, chán chường.
Bên cạnh đó, về tâm lý, đa số nạn nhân đều có biểu hiện phức tạp, thất thường, trầm cảm; mất tự tin, không hi vọng, cảm thấy bị cô độc, dễ nổi nóng, coi giá trị của bản thân thấp, có cái nhìn bi quan về tương lai.
Sở dĩ nơi “trú ẩn” này được các nạn nhân bị bạo hành gia đình “tín nhiệm” bởi nó có các hoạt động hỗ trợ miễn phí. Các nạn nhân không hề mất chi phí nào. Họ được ở đây tối đa 18 tháng với sự chăm sóc hỗ trợ y tế, phục hồi những tổn thương do hậu quả của bạo lực gia đình. Họ dần tìm được sự thân thiện, cởi mở và hòa nhập với các thành viên khác; có những định hướng trong tương lai.
Trong ngôi nhà ấy, các nạn nhân được cung cấp thông tin về quyền phụ nữ, quyền trẻ em, tham vấn các vấn đề về gia đình, hôn nhân, giới, kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống bị buôn bán, sức khỏe sinh sản, nghệ thuật làm cha mẹ… Sau khi ổn định tâm lý, sức khỏe, các nạn nhân sẽ được hỗ trợ trở lại nhà, tiếp tục được giúp đỡ để ổn định cuộc sống sau này.
Cứ mỗi lần có nạn nhân đến “trú ẩn”, bà Vân lại cảm thấy day dứt. Lại có thêm một người phụ nữ bị người thân của mình giày vò, chà đạp. Con số nạn nhân càng nhiều, nỗi buồn trong bà Vân càng lớn. Đến bao giờ nơi “trú ẩn” này “vắng bóng” chị em. Đến bao giờ nhà “trú ẩn” bị “xóa sổ”. Bởi “xóa sổ” đồng nghĩa với việc chị em không còn bị bạo hành, được sống hạnh phúc và bình yên trong gia đình của mình.
Những nạn nhân bị bạo hành gia đình có thể tư vấn qua điện thoại 04.3728.0936 hoặc Đường dây nóng 094.683.3380 và có thể “lánh nạn” tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển số 20, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. |
Thùy Dương