Nước biển dâng và xâm thực vào bờ
Theo Tổ chức Liên Quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ nằm trong số 10 thành phố bị ngập lụt nhất thế giới khi nước biển dâng cao 1 m. Số liệu quan trắc tại các trạm hải văn Hòn Dáu cho thấy, mực nước biển Hải Phòng dâng cao trung bình 2,5 - 3cm trong thập niên qua. Một số vùng ven biển Hải Phòng xuất hiện tình trạng nước biển xâm thực vào bờ, bãi bồi, nhất là khu vực xã Phù Long, đảo Cát Hải; vùng bãi bồi ven đê biển 1, 2. Tổng chiều dài đường bờ biển Hải Phòng bị xói lở tới hơn 16 km, chiếm 23% tổng số km đường bờ biển, tốc độ trung bình 5,4m/năm. Xói sạt bờ biển từng "xoá sổ" nhiều làng xóm phía ngoài Cát Hải, Đình Vũ, Bàng La. Tài liệu điều tra trong dân cho thấy, vào đầu thế kỷ 20, làng mạc ở Cát Hải mở rộng ra phía biển 500m. Theo tài liệu địa chất, trong mấy thế kỷ qua, bờ biển Cát Hải lùi vào đất liền 3-4km. Trong 54 năm (1938-1992), vùng triều phía ngoài Cát Hải rộng 1.100 ha đã bị xói lở làm biến mất. Rõ ràng biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Hải Phòng, chứ không còn là chuyện dự báo của tương lai.
Phát triển rừng
ngập mặn
Bão Washi đổ bộ vào Hải Phòng tháng 7-2005 phá vỡ đê biển huyện Cát Hải và tuyến đê biển 1 Kiến Thụy- Đồ Sơn nhưng tuyến đê bằng đất ở Đại Hợp- Đoàn Xá (Kiến Thụy) vẫn an toàn nhờ có rừng ngập mặn chắn sóng bảo vệ. Theo tiến sĩ Trần Đức Thạnh (Viện Tài nguyên và Môi trường biển), cùng chịu ảnh hưởng của một cơn bão, nhưng với tuyến đê được rừng ngập mặn che chở thì năng lượng sóng khi vượt qua rừng đã giảm 70-80%. Nhờ Với đặc trưng như tầng tán dày, hệ thống rễ chằng chịt...,rừng ngập mặn được đánh giá là “bức tường xanh” vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm. Ngoài tác dụng phòng ngừa thảm họa, bảo vệ tuyến đê biển xung yếu, rừng ngập mặn tạo môi trường sinh thái, cảnh quan tươi đẹp, nhiều loại chim, cò quý hiếm di cư hàng đàn về đây. Rừng ngập mặn còn mang lại nguồn lợi hải sản quý giá. Đối với Hải Phòng, rừng ngập mặn chính là những bức tường xanh bảo vệ thành phố.
Trồng 200 ha cây chắn sóng trong năm 2010
Thấy rõ vai trò của rừng ngập mặn, những năm gần đây, thành phố đầu tư khá lớn cho việc trồng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển và hệ thống đê khỏi bị xói lở do triều cường, bảo vệ vùng đất ven sông, ven biển trước nguy cơ nước biển dâng cao. Mỗi năm, thành phố đầu tư trồng rừng chắn sóng gấp 5 lần trồng rừng môi sinh trên đồi núi thấp. Hiện diện tích trồng rừng ngập mặn ven biển của Hải Phòng đạt hơn 5000 ha. Trong đó chỉ có hơn 400 ha rừng tự nhiên, còn lại đều là rừng trồng. Tại nhiều vùng bãi ngoài đê biển Tràng Cát, Nam Hải (Hải An), Bàng La (Đồ Sơn), Tân Thành, Hải Thành (Dương Kinh), Đại Hợp (Kiến Thụy), Đồng Bài (Cát Hải)…,trước đây người dân đua nhau phá rừng chắn sóng để nuôi trồng thủy sản, nay bạt ngàn màu xanh của cây trang, cây đước, cây bần. Công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, rừng chắn sóng ven sông, ven biển được xã hội hóa hiệu quả. Ngoài dự án của ngành nông nghiệp, một số tổ chức phi chính phủ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố triển khai trồng rừng ngập mặn và tre chắn sóng tại 14 xã, phường thuộc 6 quận, huyện. Tại một số vùng đất ngập mặn khó khăn, thành phố áp dụng phương pháp trồng mới là ươm cây trong bầu 3-5 tháng khi cây cao khoảng 1,2m mới đem trồng. Nhiều địa phương triển khai việc trồng gắn với bảo vệ rừng chắn sóng đạt hiệu quả. Điển hình như mô hình giao đất giao rừng ở Cát Hải, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng ở Đại Hợp (Kiến Thụy), Bàng La (Đồ Sơn)…
Tết trồng cây Xuân Canh Dần năm nay, cùng với việc trồng hơn 1triệu cây bóng mát, cây lấy gỗ, ngày mồng 9 tháng Giêng, người dân ở nhiều vùng quê ven sông, ven biển tại Hải Phòng nô nức ra quân trồng cây chắn sóng trên các bãi triều ngập nước. Hơn 10.000 cây giống trang, đước, bần được trồng trong dịp tết này. Đây là hoạt động thiết thực khôi phục việc trồng rừng ngập mặn ven biển, góp phần cụ thể hóa chiến lược ứng phó với sự biến đổi khí hậu, chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại khi nước biển dâng cao. Trong năm 2010, toàn thành phố tiếp tục trồng 200 ha cây chắn sóng tại các bãi triều ngập nước. Hàng trăm hec-ta cây chắn sóng vươn những bộ rễ khỏe khoắn lấn ra biển, bãi bồi hứa hẹn sẽ trở thành vành đai an toàn, che chở cuộc sống của vùng đất ven sông, ven biển khỏi những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Nhóm PV kinh tế