“Bông hoa đẹp nhất chính là... em”
Ứng xử là phần thi giúp cho các thí sinh bộc lộ khả năng giao tiếp, sự tự tin và tầm hiểu biết của mình. Tuy nhiên, không ít người đẹp đã khiến ban giám khảo lẫn khán giả thở dài ngao ngán khi biến phần thi ứng xử trở thành… thảm họa. Sẽ thật tệ hại khi người đẹp có thể đại diện cho nhan sắc Việt lại ứng xử kém, hiểu biết kém tựa “bình hoa di động” trên thảm đỏ.
Hàng năm, liên tiếp những cuộc thi nhan sắc diễn ra tới mức ngoài cuộc thi chính thức Hoa hậu Việt Nam, người ta không biết nhiều tới các cuộc thi nhan sắc khác trước khi tên các “hoa” các “nữ hoàng” được xướng lên.
Mới đây nhất, tại cuộc thi Hoa khôi Áo dài để tìm ra các nữ chủ nhân tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Đặc thù của cuộc thi này không chỉ tìm 3 gương mặt xuất sắc nhất mà là tìm 3 gương mặt phù hợp nhất để đại diện Việt Nam tham gia 3 cuộc thi Miss World, Miss Grand International và Miss International.
Và sau phần trình diễn áo dài, trình diễn áo tắm, trình diễn trang phục dạ hội chuyên nghiệp và đầy màu sắc, 5 thí sinh may mắn được gọi tên để bước vào phần thi ứng xử là: Quỳnh Châu, Diệu Ngọc, Phương Linh, Yến Nhi và Anh Thư.
Sau hơn 2 tháng học tập và rèn luyện của các cô gái ở Lâu đài sắc đẹp, họ đã có riêng một tuần để học về cách ứng xử. Nói như Hoa khôi Lan Khuê, Top 11 Miss World 2015, “đặc sản” của Hoa khôi Áo dài năm nay là chuộng những thí sinh có vẻ đẹp tri thức, ứng xử và tiếng Anh.
Anh Thư là thí sinh đầu tiên đến với phần thi ứng xử. Khi diễn viên Chi Bảo hỏi: “Hãy cho chúng tôi biết, tại sao bạn xứng đáng với ngôi vị hoa khôi?”. Anh Thư khá mất bình tĩnh, cô liên tục dừng lại vài giây trong suốt câu trả lời của mình:
"Trong rừng hoa thì mỗi bông hoa có vẻ đẹp riêng, mùi thơm riêng, nhưng hiện tại bông hoa tỏa sáng có vẻ đẹp lớn nhất đó chính là em. Bằng sự nỗ lực phấn đấu và không ngừng trau dồi những kiến thức để hoàn thiện bản thân mình… em cảm thấy mình đủ sức đại diện Việt Nam ra đấu trường Quốc tế, mang lại những tinh hoa văn hóa, những nét vẻ đẹp của Việt Nam mang đến các bạn năm châu.
Và em nghĩ rằng những điều em thể hiện vừa qua đã đủ sức để ban giám khảo và tất cả những người ở đây trao cho em ngôi vị danh giá nhất của buổi tối ngày hôm nay”.
Trước đó không lâu, rất đông khán giả đã hồi hộp, chờ đợi, dõi theo phần trình diễn của những người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 diễn ra tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) tối 21/5 vừa qua.
Thế nhưng, phần thi ứng xử đã khiến khán giả ngỡ ngàng, thất vọng. Cả 5 người đẹp đều không để lại ấn tượng gì, ấy là chưa kể các thí sinh còn trả lời lạc đề. Người đẹp Nguyễn Thị Bảo Như trả lời câu hỏi về Tuần Châu lại gần như “hỏi một đằng, đáp một nẻo” khi chỉ đề cập đến vịnh Hạ Long.
Đặc biệt hơn, người đẹp Phạm Thùy Trang trả lời hoàn toàn ấp úng, câu từ sáo rỗng khi nhận được câu hỏi mở về việc chia sẻ cảm xúc qua những ngày đến thăm vịnh Hạ Long. Thùy Trang trả lời rằng: “Chúng ta thấy vịnh Hạ Long… và lời đầu tiên cho em xin gửi lời chào tới Ban tổ chức, Ban giám khảo và quý vị khán giả lời chào và lời chúc sức khỏe. Chúng ta thấy vịnh Hạ Long là món quà quý giá thiên nhiên đã ban tặng.
Khi em đến đây, thấy được thấy màu xanh của trời, của biển và màu xanh… của núi ạ. Và em cảm giác thấy chính bản thân em có ý thức bảo vệ môi trường hơn hết, cùng chung tay với tất cả mọi người... Em xin 1 tràng pháo tay được không ạ?. Cùng tuyên truyền với bạn bè, người thân để bảo vệ môi trường Việt Nam nói chung cũng như môi trường biển đảo nói riêng.
Cũng qua đây khi đến với vịnh Hạ Long, em muốn gửi lời tới tất cả mọi người. Chúng ta cùng chung tay làm theo phong trào vì biển đảo quê hương, làm giàu cho đất nước. Em xin hết”.
Và ngay sau đó, vương miện Hoa hậu Biển 2016 được trao cho Phạm Thùy Trang. Danh hiệu Á hậu 1 thuộc về Nguyễn Thị Bảo Như. Điều này khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng danh hiệu cao nhất dành cho những người đẹp này là chưa xứng đáng.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên người đẹp lọt “top” xuất sắc được lựa chọn vào vòng cuối cùng trả lời ứng xử đầy ngây ngô tới vậy.
Sẽ qua “phạt đền” nếu...
Đành rằng, theo những người trong cuộc, sát cánh lâu năm bên những cuộc thi nhan sắc thì không thể đòi hỏi nhiều ở những cô gái 17, 18 tuổi. Khi mà thi ứng xử trước một cử tọa trang trọng và đông đảo như ở cuộc thi Hoa hậu, dưới ánh sáng của dàn đèn cực mạnh, trước ống kính truyền hình, truyền hình ảnh trực tiếp đi khắp nước và ra cả nước ngoài tới nhiều triệu khán giả là một thử thách khó khăn với bất cứ ai, đừng nói đây là những thí sinh hoa hậu, những cô gái mười tám đôi mươi trẻ người non dạ.
Bởi vậy, Ban Tổ chức phải có những biện pháp hỗ trợ cho họ là chuyện đương nhiên. Một buổi trò chuyện, thảo luận quanh vấn đề này có trong lịch trình chính thức của cuộc thi. Mục đích của nó là chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cần thiết cho thí sinh có thể chế ngự nỗi sợ trong khoảnh khắc ngặt nghèo và cung cấp các kiến thức ở một số chuyên đề có ý nghĩa xã hội cao mà các câu hỏi có nội dung liên quan, tổ chức cho thí sinh tự thảo luận các nội dung đó, nêu lên ý kiến của mình.
Có người gọi nó là cú phạt đền đối với nhan sắc. Do đó, bản thân mỗi thí sinh, cần có bản lĩnh và tri thức, khả năng chế ngự nỗi sợ trong hoàn cảnh ngặt nghèo để giữ được mạch suy nghĩ trong khoảnh khắc đó.
Yếu tố khách quan thì cùng với sự phát triển của nền dân chủ của chúng ta, khi mà mỗi người nói ra suy nghĩ của mình mà không sợ bị đánh giá về lập trường, không bị chê cười thì mỗi người sẽ tự tin hơn khi phải phát biểu ở đâu đó. Nhà trường cũng có thể đóng góp rất lớn vào sự tự tin của người Việt Nam nếu cách đào tạo hướng mạnh hơn nữa về phía khuyến khích sự chủ động của học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, nếu như các cô gái có một phông nền văn hóa nhất định, cùng với sự rèn luyện về kĩ năng, các cô sẽ có sự tự tin. Và khi trả lời trong “cú phạt đền” ngặt nghèo đó, nếu có “thuộc bài”, các cô cũng chuyển thành kiến thức của mình, để trả lời có chiều sâu và duyên dáng, chứ không chỉ đơn thuần là trả bài ở cự ly an toàn. Các cô sẽ không vì quá tập trung vào trả lời học thuộc, hay ê a như trẻ nhỏ... Sự duyên dáng và chiều sâu văn hóa sẽ giúp các cô tỏa sáng hơn nhiều một bông hoa di động.
GS Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam bày tỏ: “Ông bà ta có câu cái nết đánh chết cái đẹp. Cái nết là sự nết na, nét đẹp của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức tinh tế về cuộc đời, cuộc sống, về thiên nhiên về cái đẹp của thiên nhiên.
Tất cả điều đó hun đúc tạo ra tố chất của con người. Nếu một người chỉ đẹp về hình thức không thôi thì có lẽ còn thua kém những bức tranh mà người họa sĩ lớn vẽ. Qua phần thi ứng xử ở nhiều cuộc thi cho thấy kết quả đáng buồn của giáo dục lạc hậu, giống như chúng ta đang tạo ra những con vẹt, con người theo kiểu rô-bốt. Họ dường như không có suy nghĩ chân thành xuất phát từ trái tim mà chỉ có những câu chữ sáo rỗng. Họ thiếu sự sự tin, tự chủ mà chỉ biết làm theo khuôn mẫu có sẵn”.