Vì những lý do kinh tế hay xã hội, hầu hết các cặp vợ chồng người Afghanistan đều mong muốn có một đứa con trai. Đây chính là lý do để truyền thống có tên gọi Bacha Posh – cải trang trẻ em gái thành trai – tồn tại và phát triển, kéo theo những hệ lụy đối với cuộc sống của những bé gái.
“Cậu bé” Mehrnoush. Ảnh: BBC |
Khi Azita Rafhat – một cựu thành viên trong quốc hội Afghanistan -chuẩn bị cho các con đến trường học, cô đã sắm sửa cho 4 đứa con gái của mình rất nhiều quần áo mới. Tuy nhiên, trong khi 3 cô con gái đầu mặc những bộ quần áo màu trắng và đội khăn trắng thì cô con gái thứ tư Mehrnoush lại được mẹ phục trang khác hoàn toàn với áo vest và thắt cà vạt.
Khi 5 mẹ con bước ra khỏi nhà, Mehrnoush không còn là một bé gái nữa mà thực sự đã “biến” thành một cậu bé với tên gọi Mehran. Azita Rafhat không có con trai và để lấp đi sự thiếu sót cũng như để tránh những lời chế nhạo vì không sinh được “quý tử”, cô đã quyết định lựa chọn giải pháp có phần cực đoan này, bởi chỉ đơn giản là thay đổi kiểu tóc và quần áo, cô đã có được đứa con trai như mong muốn!
Những trường hợp như Mehrnoush được gọi là Bacha Posh – nghĩa là cải trang cho những bé gái thành con trai. “Khi bạn là người có địa vị trong xã hội, mọi người sẽ nhìn bạn theo một cách khác. Họ nói rằng cuộc đời của bạn chỉ hoàn chỉnh nếu bạn có một cậu con trai” - Rafhat nói. Chồng của Rahfhat - Ezatullah Rafhat - thì nghĩ rằng một cậu con trai chính là biểu tượng của uy tín và danh dự.
“Bất kỳ người nào đến nhà tôi đều nói rằng: Tiếc là ông bà vẫn chưa có con trai nhỉ? Vì vậy chúng tôi quyết định cải trang cho con. Cả con bé cũng muốn thế nữa”- ông nói. Azita Rafhat không phải là bà mẹ duy nhất ở Afghanistan làm như vậy với con gái mình. Những bé gái dưới hình hài của con trai xuất hiện nhiều ở các khu chợ Afghanistan.
Một số gia đình cải trang cho con gái mình để chúng có thể dễ dàng kiếm được việc làm trên đường phố, lấy tiền nuôi sống gia đình. Những đứa trẻ này khoảng từ 5 đến 12 tuổi và không đứa nào thích nói về cuộc sống dưới vỏ bọc con trai của chúng.
Tuy nhiên, hầu hết những đứa trẻ này sẽ không sống mãi theo cách đó. Khi đến tuổi 17 hay 18, chúng sẽ lại trở thành con gái, và việc này thực sự không hề đơn giản. Trường hợp của Elaha – một thiếu nữ sống ở Mazar-e Sharif, phía Bắc Afghanistan – là ví dụ điển hình.
Elaha đã sống cuộc sống của một người con trai trong suốt 20 năm vì gia đình cô không có con trai. Cô chỉ vừa trở lại đúng giới tính của mình 2 năm trước, khi bước chân vào đại học. Và những khó khăn của cô đến lúc này mới trở nên nghiêm trọng. Elaha nói rằng cô hoàn toàn không hề có một chút nữ tính nào và cũng không muốn lấy chồng. “Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã cải trang cho tôi thành con trai vì tôi không có anh em trai.
Cho đến tận gần đây, khi còn là một chàng trai, tôi có thể ra ngoài, vui đùa thỏa thích với những bạn trai khác và vô cùng tự do” – Elaha bùi ngùi. Cô gái trẻ nói rằng trở lại với giới tính thực của mình là việc làm bất đắc dĩ và cô làm vậy chỉ vì truyền thống xã hội. “Nếu bố mẹ bắt tôi kết hôn, tôi sẽ trả thù cho sự đau khổ của người phụ nữ Afghanistan bằng cách đánh chồng tôi thậm tệ, đến mức anh ta phải lôi tôi ra tòa mỗi ngày” – cô nữ sinh tuyên bố.
Truyền thống biến bé gái thành bé trai đã xuất hiện ở Afghanistan từ nhiều thế kỷ qua. Theo Daud Rawish – một nhà xã hội học ở Kabul - truyền thống này xuất hiện khi người Afghanistan chống lại quân xâm lược và người phụ nữ lúc đó cần cải trang thành nam giới.
Còn Atiqullah Ansari - người đứng đầu một nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng ở Mazar-e Sharif - nói rằng nhiều gia đình muốn biến con gái thành con trai nhằm lấy may, để cầu xin thánh thần ban cho một đứa con trai thực sự. Các bà mẹ không có con trai thường đến ngôi đền Hazrat-e Ali và cầu xin ông ban phước cho họ sinh được quý tử. Bên cạnh những tranh cãi về nguồn gốc, Bacha Posh cũng đã bộc lộ vô vàn những tác động tiêu cực đến đời sống của những nạn nhân – những bé gái bị buộc phải “chuyển đổi giới tính nửa vời”.
Một số cô gái từng bị cha mẹ biến thành con gái nói rằng cảm thấy đã bị lỡ mất thời thơ ấu đáng lẽ mình được hưởng, cũng như đánh mất sự nữ tính của họ. Qazi Sayed Mohammad Sami - người đứng đầu Ủy ban nhân quyền Balkh - thì gọi đó là sự vi phạm quyền con người.
“Chúng ta không thể thay đổi giới tính của ai đó. Bạn không thể biến một bé gái thành bé trai trong giai đoạn ngắn, vì việc đó vi phạm quyền con người” – ông nói. Còn với nhiều người khác, câu hỏi chính được đặt ra là: liệu có một ngày các bé gái Afghanistan nhận được tự do và tôn trọng như một bé trai?
Tuệ Minh (Theo BBC)