Không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc, hoa Xuân còn là những bài thuốc tuyệt vời cho mọi người, mọi nhà. Mỗi loài hoa đều có công dụng riêng, bạn sẽ bất ngờ với những khám phá hữu ích của chúng.
Hoa đào - dược mỹ phẩm độc đáo
Mỗi độ Xuân về, người Hà Nội có tục lệ chưng hoa đào. Tết Hà Nội thiếu hoa đào hình như chẳng còn phong vị Tết. Nhắc đến hoa đào lại nhớ đến câu tuyệt bút của văn hào Nguyễn Du trong truyện Kiều “Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”.
Hơn thế, hoa đào còn là một dược phẩm và mỹ phẩm độc đáo của nền y học cổ truyền. Cháo hoa đào nấu với gạo tẻ, mật ong và đường chữa hoạt huyết, bí đại tiểu tiện. Pha nước rửa mặt với hoa đào và hoa mai tẩy bỏ những vết thâm nám và nốt đen trên da mặt.
Hoặc dùng 4 phần hoa đào, 2 phần bạch dương bì và 5 phần bạch quả tử nhân tất cả sấy khô, tán nhuyễn thành bột mịn để uống 3 lần, mỗi lần 1g ngay sau bữa ăn. Có bài thuốc chỉ rằng, trộn hoa đào với máu mào gà thượng tuần tháng Bảy thoa lên mặt, sau 2 - 3 ngày lớp thuốc bong ra sẽ có mặt hoa da phấn. Tắm nước nấu từ lá đào chữa ghẻ lở, ngứa ngáy…
Rễ hoa đào trị chứng hoàng đản, trĩ và bế kinh. Để chữa chứng rụng tóc, hói đầu dùng bột hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hòa với tro của rơm rạ.
Nhân hạt đào giã nhỏ nấu cháo với gạo nếp chữa ho hen, khó thở hoặc hạt đào rang vàng, nhai nuốt chữa chứng ngủ mê, bóng đè… Hầu như các bộ phận của cây đào đều hữu dụng.
Tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, người ta thích trồng hoa râm bụt làm cây cảnh, hàng rào... Mỗi khi đến mùa hoa nở đỏ rực nhìn rất đẹp. Trà râm bụt đặc biệt tốt cho sức khỏe nhờ chứa nhiều vitamin C. Uống trà sau bữa ăn giảm hấp thu chất bột đường trong thức ăn.
Để chữa cao huyết áp và cholesterol, nên uống trà hoa râm bụt, mỗi ngày 3 tách. Nếu nhiễm trùng bàng quang, táo bón, cần tăng cường hệ miễn dịch, rụng tóc do mắc bệnh tuyến giáp hay gàu trên tóc cũng uống trà này. Người Ấn Độ xem hoa râm bụt là bài thuốc trị gàu công hiệu. Uống trà hoa râm bụt phơi khô giúp ngủ ngon, thẳng giấc.
Hoa mào gà trị mề đay
Theo y học cổ truyền, hoa mào gà đỏ tính mát, vị ngọt, thanh nhiệt, giúp trừ tê thấp, chữa các chứng về lỵ, thổ huyết, di tinh… Dân gian gọi bằng nhiều tên như kê quan hoa, kê công hoa, kế cốt tử hoa… là loại cỏ sống lâu năm.
Dùng cả cây hoa mào gà sắc nước uống và ngâm rửa có thể trị mề đay. Chữa thổ huyết, khạc huyết, chảy máu cam dùng hoa mào gà tẩm với giấm, đun sôi, rồi phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn để uống. Hoặc dùng 15 - 20 gr hoa mào gà tươi sắc lấy nước, phần cái hầm với phổi lợn ăn sau các bữa ăn.
Hoa thiên lý giúp an thần, sáng mắt
Một số loài hoa dùng trong chế biến các món ăn như canh, xào, nấu… hấp dẫn không thua kém các rau của quả khác, như canh hoa thiên lý, canh hoa atisô… vừa ngon miệng lại tốt cho sức khỏe. Trong Đông y, hoa thiên lý vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi gan, thanh nhiệt, giải độc, an thần, kích thích lên da non, làm sáng mắt, tiêu viêm mắt...
Tại Thái Lan, cả hoa và lá cây thiên lý được dùng để chữa viêm kết mạc cấp và mạn tính, viêm kết mạc do lên sởi... Hoa thiên lý xào thịt bò hay luộc chấm muối vừng giảm đau nhức cơ thể.
Rễ hoa chữa chứng tiểu buốt, tiểu ra máu hoặc có cặn trắng, dùng 12 - 20 gr/ngày dưới dạng thuốc sắc. Lá hoa giúp sát trùng, diệt khuẩn, kích thích mọc da non, thường dùng để đắp lên mụn nhọt, những vết loét, chữa trĩ ngoại và sa dạ con, liều dùng 12 - 20 gr/ngày.
Hoa atiso mát gan, nhuận tràng
Người cổ Hy Lạp và La Mã trồng atisô để lấy hoa làm rau ăn. Tên khoa học của nó là Cynara Scolymus, loại cây gai lâu năm có nguồn gốc từ miền nam châu Âu. Ở châu Âu, atiso được dùng như vị thuốc làm mát gan, nhuận trường, thông tiểu. Hiện nay, người ta trồng atisô để lấy lá và hoa vừa ăn vừa dùng làm thuốc.
Thành phần chính của atiso là chất cynarine, ngoài ra còn có tamin, inulin, inulin naza, các muối hữu cơ của các kim loại như kali, natri, ma nhê… Hoa atiso có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh.
Khi nấu tránh dùng nồi chất liệu gang hoặc nồi nhôm vì hoa sẽ bị đắng, khó ăn. Lá của nó có vị đắng giúp lợi niệu, trị bệnh phù và thấp khớp. Lá tươi hoặc khô sắc hoặc nấu thành cao chữa bệnh về gan nhất là viêm gan mạn tính và da vàng, viêm thận cấp và mạn, sưng khớp xương. Thân và rễ atiso cắt mỏng, phơi khô có công dụng giống lá.
Thùy Như