Kiểu “khiêu khích” của chồng làm Huế “điên lên”. Cô càng có cớ cằn nhằn nhiều hơn. Chồng cô cũng chẳng vừa, không nói không rằng, lên phòng đóng cửa “rầm rầm” rồi bật nhạc chát chúa.
“Nhiều lúc chồng mình như dở hơi. Sai chẳng thèm nhận lỗi, cứ cái kiểu bất cần. Đúng là chịu không nổi” – Huế tâm sự.
Có lần, bực vì chồng khăng khăng đi nhậu trong khi cậu con trai đang vật vã vì sốt, Huế than trách, chồng cô có vẻ ngập ngừng. Nhưng khi cô làm căng: “Anh đi thì về nhà ký đơn ly hôn. Tôi sẽ viết”, anh xã vùng vằng bỏ đi luôn. Vì cứ luôn bị “trêu ngươi” nên nhiều khi, Huế có cảm giác không thể sống chung nổi.
Tuy nhiên không phải lúc nào chồng Phương cũng “ẩm ương” thế. Có lúc cô nhờ gì, chồng cũng làm ngay, còn cười tươi rói. Nhưng cũng có khi tâm trạng “u ám”, vợ mới nói một câu đã cắn cảu, nhờ vả gì cũng không nghe chẳng khác gì “em trai đang tuổi dậy thì”.
Lý do ương bướng của chồng
Bản chất của đàn ông là thích nghe lời nói ngọt và luôn nghĩ mình là số một. Do vậy, nếu phải nghe vợ lớn tiếng nạt nộ: “Anh phải thế này”, “Anh phải thế kia”… nhiều ông chồng thành ra ức chế và tìm cách đối đầu.
Tâm lý y hệt trẻ con khi ấy là thích làm trái với mong muốn của vợ cho… bõ ghét. Nếu gọi điện căn dặn: “Anh nhớ về sớm đấy. Hôm nào cũng muộn” thì có khi, hôm nay anh xã lại cố tình về muộn.
Nhiều người vợ không hiểu tại sao chồng mình đã trưởng thành mà thỉnh thoảng lại có những hành động thua xa… một em bé. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nam giới cũng giống như em bé, rất ghét bị kiểm soát và cấm đoán. Càng gắt gao thì “nửa kia” càng tìm cách vùng vẫy. Cộng thêm tính bảo thủ và cố chấp thì dù biết sai mười mươi, không ít anh chồng vẫn diễn y nguyên lỗi cũ. Hoặc ghét bị vợ sai vặt nên vợ “ới ời” gì cũng lờ đi.
Mâu thuẫn ở chỗ, người vợ nào cũng muốn mình “làm chủ” trong nhà và lái chồng theo sở thích của bản thân mà quên đi việc xem xét cảm xúc từ phía chồng. Sự “phong tỏa” chồng nên dừng lại ở mức độ cho phép nếu các bà vợ không muốn tức “nổ đom đóm mắt” vì chồng cố tình đối đầu. Cho nên, liệu pháp “nói ngọt lọt đến xương” luôn mang ý nghĩa tích cực. Thay vì yêu cầu “Anh phải…”, “Sao anh không…”, người vợ có thể ngọt ngào “Anh làm giúp em đi”. Khi tự ái được vuốt ve, người chồng sẵn sàng chiều theo ý thích của vợ.
Tất nhiên, nói ngọt chỉ phát huy hiệu quả khi đối phương trong tâm trạng tốt và có thiện chí. Nếu đang bất mãn với công việc, điên người vì bụng đói… thì họ cũng ương ngạnh chẳng kém.
Theo Mevabe