Lập website giả, bán hàng rởm
Tại Tọa đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt” diễn ra mới đây, ông Dương Đức Duy - Trưởng Ban Quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, với sự phát triển nhanh của công nghệ, hình thức vi phạm online (hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu) đang diễn ra rất mạnh và tinh vi.
Đại diện doanh nghiệp (DN) này cho biết, với hai dòng sản phẩm chủ lực là bóng đèn và phích nước, hiện sản phẩm bóng đèn LED đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường. Hàng giả các sản phẩm của công ty được chào bán trong các hệ thống phân phối với giá thấp, chế độ chiết khấu hấp dẫn, ảnh hưởng đến doanh thu của công ty và người tiêu dùng (NTD) phải bỏ ra số tiền lớn nhưng không được sử dụng sản phẩm có giá trị, chất lượng tương đương…
“Các đối tượng thậm chí xây dựng website riêng, sử dụng hình ảnh của công ty nhưng khi giao hàng cho đại lý phân phối lại là sản phẩm khác, kém chất lượng. Ngoài ra, một số đối tượng tuyển đại lý bán hàng qua mạng xã hội, chào bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử (TMĐT)…” - đại diện DN này chia sẻ.
Dưới góc độ NTD, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam cho rằng, với trình độ tinh vi như hiện nay, nhiều NTD rất khó nhận biết đâu là hàng giả - hàng thật, nhất là hàng được ra bán trên mạng, hay các sàn TMĐT thì dù có thông thái đến mấy cũng rất khó nhận biết. Ông đề nghị DN và các cơ quan chức năng cần cảnh báo và phối hợp quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này.
Phấn đấu không còn làng nghề sản xuất hàng giả, hàng nhái
Tại cuộc Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) nhấn mạnh, nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề được Chính phủ, cơ quan chức năng quan tâm và có nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Lực lượng QLTT cũng nỗ lực hết sức chung tay đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống vấn nạn này.
Tuy nhiên, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở mọi mặt hàng, không dừng ở quy mô trong nước mà làm giả cả các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài… “Người Việt Nam có đôi bàn tay khéo léo, nhưng đôi khi vi phạm SHTT, nhất là ở các làng nghề. Thời gian qua nhiều thương hiệu bị làm giả như Chanel, Everon… được rao bán trên mạng xã hội, thậm chí trên các sàn TMĐT. Vừa rồi lực lượng QLTT đã bắt nhiều vụ việc có tiếng vang lớn như bắt kho hàng ở Lào Cai, Thanh Hóa, Nam Định… Nhiều trường hợp bán hàng ở Hà Nội nhưng kho hàng ở tận Điện Biên nên rất khó khăn trong truy vết tận gốc” - ông Lê nói.
Đại diện Tổng cục QLTT cho rằng, ngoài những nguyên nhân như: lợi nhuận lớn, sự vào cuộc của DN, các cơ quan chức năng liên quan có lúc, có nơi chưa cao, chưa đồng bộ; Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm… thì còn có nguyên nhân từ nền tảng TMĐT phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận NTD chưa cao, vẫn còn hiện tượng NTD chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng giả, hàng nhái, do ham rẻ.
Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đặt mục tiêu đến năm 2025, không để hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT có thể bày bán tại Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các tuyến phố du lịch… Mục tiêu thứ hai là đến năm 2025, 100% các làng nghề không được phép sản xuất, bán công khai các sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
“Trước mắt chúng tôi tập trung truy quét tại đầu nguồn sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT. Không để Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là nơi ngang nhiên bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm SHTT” – ông nói, đồng thời khẳng định việc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu là rất khó khăn, nếu DN, NTD, các tổ chức, cơ quan chức năng không thống nhất, đồng lòng phối hợp thì việc đấu tranh còn nhiều khó khăn.