Phiên tòa xét xử đối tượng còn sống sót của Tổ chức Quốc xã ngầm (NSU) – nhóm phát xít mới bị tình nghi đứng sau 10 vụ giết người mang động cơ phân biệt chủng tộc - đã mở ra từ ngày 6/5. Đây là một trong những phiên tòa lớn nhất tại Đức trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Hơn 500 cảnh sát đã được triển khai để đảm bảo trật tự cho phiên tòa diễn ra tại thành phố Munich, phía Nam nước Đức. Các tuyến phố trước và xung quanh tòa án khu vực đã được phong tỏa trong khi nhiều người biểu tình đã tụ tập xung quanh tòa án.
Nghi phạm chính trong phiên tòa là Beate Zschaepe. Đối tượng này bị cáo buộc có liên quan đến 10 vụ giết người, 2 vụ đánh bom nhằm vào khu vực của những người nhập cư ở Cologne và 15 vụ cướp ngân hàng. 8 trong số các nạn nhân là người Thổ Nhĩ Kỳ, một người đến từ Hy Lạp và nạn nhân cuối cùng là một nữ cảnh sát người Đức.
Ngoài ra, Zschaepe bị cáo buộc đã giúp đỡ các thành viên trong tổ chức lên kế hoạch thực hiện 28 vụ giết người khác nhưng không thành. Nếu bị buộc tội, bị cáo này sẽ phải đối mặt với án tù chung thân.
Beate Zschaepe (phải) và một tên đồng phạm. |
Zschaepe được cho là một trong những thành viên sáng lập NSU, một nhóm cực hữu đã hoạt động tại Đức trong suốt hơn 1 thập kỷ qua mà không bị phát hiện. Nhóm này đã bị bóc tách một cách tình cờ hồi tháng 11/2011, khi cảnh sát phát hiện khẩu súng đã được dùng để bắn chết 10 người nhập cư trong lúc điều tra vụ tự tử của 2 tên đồng phạm của Zschaepe là Uwe Boehnhardt và Uwe Mundlos.
Vài ngày sau, ngày 8/11/2011, Zschaepe đã đến sở cảnh sát thành phố Jena, phía Đông Đức để đầu thú. Ngoài nữ nghi phạm này, 4 nữ nghi phạm khác bị cáo buộc đã tích cực giúp đỡ NSU cũng phải ra hầu tòa. Phiên tòa này dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm tới với hơn 600 nhân chứng dự kiến sẽ được triệu tập.
Phiên tòa xét xử các bị cáo nói trên được xem là một trong những phiên tòa xét xử các phần tử khủng bố nghiêm trọng nhất tại Đức trong vài thập kỷ gần đây. Tình trạng bạo lực có liên quan đến các phần tử cực hữu vốn không phải là chuyện hiếm tại Đức nhưng các vụ giết người của NSU đã có thấy mức độ nguy hiểm hiện hữu của các tổ chức này.
Các vụ giết người cũng cho thấy sự yếu kém của cảnh sát Đức khi để mặc cho chúng hoạt động một cách ngang nhiên trong suốt nhiều năm trời. Trong khi phiên tòa diễn ra tại Munich, quốc hội Đức cũng đã mở một cuộc điều tra về sự thiếu hợp tác trong các lực lượng chức năng Đức, dẫn đến việc bỏ lọt NSU.
Phiên tòa cũng thu hút sự chú ý của dư luận hơn vì quy trình cấp phép cho các nhà báo tham gia phiên tòa. Ban đầu, 50 nhà báo đã được cho phép tiếp cận để đưa tin về phiên xét xử. Tuy nhiên, các phóng viên nước ngoài đã không được xếp chỗ ngồi vì không nộp đơn đăng ký sớm theo yêu cầu của tòa án. Tòa án Hiến pháp Đức sau đó đã yêu cầu xem xét lại quy trình cấp phép cho các phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp được tham gia, khiến cho phiên xét xử đã phải lùi lại đến 3 tuần.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước đã gọi vụ việc là một “điều đáng hổ thẹn” đối với nước này và xin lỗi vì việc một số người thân của các nạn nhân thậm chí đã bị cảnh sát Đức nghi ngờ có liên quan đến cái chết của họ.
“Tôi đảm bảo với các bạn rằng nước Đức sẽ làm mọi thứ cần thiết để đưa các vụ giết người ra ánh sáng và có những biện pháp trừng trị thích đáng đối với các đối tượng phạm tội” – bà Merkel phát biểu với tờ nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ.
Berlin hồi tháng trước cũng đã xin lỗi trước Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc vì những sai lầm trong việc điều tra các vụ giết người do Tổ chức Quốc xã ngầm (NSU). Một quan chức hàng đầu của chính phủ Đức đã miêu tả đây là “một trong những vụ vi phạm về nhân quyền tồi tệ nhất tại Đức trong nhiều thập kỷ qua”.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)