“Em mà sống thêm chỉ đau khổ thôi, em không thể sống nữa khi chỉ làm khổ chồng con...”, đó là những lời trăng trối bi thương nhưng cũng vô cùng đáng trách trong lá thư tuyệt mệnh mà chị Hoàng Thị Bông (43 tuổi, ngụ thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để lại cho chồng con.
Thư tuyệt mệnh của chị Bông. |
Trong cơn cùng quẫn, tuyệt vọng, người đàn bà nghèo bị giày vò bởi bệnh tật này tự sát với mong muốn sẽ giảm bớt đi gánh nặng kinh tế cho những người thân trong gia đình.
Nghèo khổ đến thế là cùng
Câu nói ấy được anh Nguyễn Thanh Tân, 45 tuổi, chồng chị Bông, nhắc đi nhắc lại khi kể về hoàn cảnh gia đình mình. Như bao nhiêu cặp vợ chồng khác ở thôn quê, họ là những người nông dân chăm chỉ làm ăn, hiền lành và chất phác.
Lấy nhau được gần 10 năm, sinh được hai cậu con trai nên anh chị cũng cố dành dụm, vay mượn để cất được căn nhà nho nhỏ cho bốn người tá túc qua mưa nắng, gió bão. Tuy nhiên, có được nhà lại có thêm mối lo vì nợ nần phải gồng gánh cắn răng mà trả, trong khi tài sản đáng giá nhất của hai vợ chồng chỉ là 2 sào ruộng lúa và duy nhất 1 con bò.
Cực chẳng đã, anh chị đành gửi đứa con trai lớn đi học nghề ở tận Quy Nhơn (Bình Định) khi nó mới học hết lớp 9 với hy vọng con mình sẽ sớm có được cái nghề để kiếm kế sinh nhai. Ngay cả với đứa con thứ hai đang còn mới bắt đầu lên học cấp 2, anh chị cũng đã nhiều lần bàn tính hướng cho theo bước anh trai bởi không đủ sức nuôi con ăn học tiếp.
Nhưng cái nghèo chẳng hiểu sao nó cứ bám riết lấy gia đình họ, mặc dù suốt 4 mùa, vợ chồng chăm chỉ làm ruộng, lúc nông nhàn thì chồng đi phụ hồ, vợ làm thuê làm mướn quanh quẩn trong vùng... chứ không có một ngày nghỉ ngơi.
Sống trong cái nghèo khổ đến cùng cực đó, đổi lại quanh năm suốt tháng trong tổ ấm này không bao giờ có lời to tiếng, nạt nộ nhau, dù chỉ một lần. Nhưng rồi chút bình yên trong mái ấm nhỏ bé cũng muốn quay lưng với họ khi tháng ngày làm lụng vất vả khiến chị Bông sinh ra đau ốm thường xuyên. Nhiều lần anh khuyên chị đi khám và điều trị bệnh nhưng phần vì sợ tốn kém, phần vì muốn để dành tiền lo cho thằng con đầu đang học nghề nên chị lại thôi.
Tai họa thực sự ập đến với vợ chồng chị vào những ngày cuối năm 2011, khi chị leo lên tra (gác lửng) để xúc lúa đi bán lấy tiền tiêu Tết thì chân thang bị trượt khiến chị ngã đập lưng xuống đất. Khi ra giếng để rửa đồ, chị lại trượt chân ngã tiếp, va mạnh lưng vào thành giếng. Đau không chịu nổi, chị đành nói anh chở đi bệnh viện khi Tết Nguyên Đán đã cận kề. Kết quả chụp phim cho thấy, chị bị gãy đốt sống lưng. Thế là năm vừa rồi, anh chị đã “mất Tết”.
Đến khi ra Tết, vợ chồng lại khăn gói xin chuyển viện từ Quảng Trạch vào Đồng Hới, rồi vào Huế để cho chị được phẫu thuật, chữa trị. Tất cả tiền bạc anh chị dành dụm, đồ đạc trong nhà anh chị đều bán sạch để chi trả viện phí, đi lại ăn uống suốt thời gian hơn 2 tháng trời chị nằm viện ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Thương vợ đau ốm, anh phải cắm “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng, chạy vạy đi vay bà con nội ngoại, bạn bè để lo cho chị hết hơn 70 triệu đồng nhưng tình trạng sức khỏe của chị vẫn không được cải thiện. Qua một lần phẫu thuật, về nhà rồi mà chị vẫn bị đau ở chỗ xương gãy. Một lần nữa, khi anh Tân đang tính chuyện đưa chị vào Huế phẫu thuật lần hai thì chuyện buồn xảy ra...
Phút nghĩ quẩn tạo nên bi kịch
Sáng 27/5, anh Tân tỉnh dậy trong tiếng gọi thất thanh của đứa con trai đang học lớp 6: “Ba ơi dậy đi, mẹ chết rồi!”. Nhìn lên xà nhà, anh hoảng hốt thấy cơ thể vợ treo lủng lẳng trên sợi dây thừng. Anh Tân vội đưa chị xuống nhưng mọi việc đã quá muộn, thân thể chị đã lạnh ngắt, cứng đờ từ bao giờ...
Nước mắt tang thương ngập tràn căn nhà nhỏ, tiếng khóc than vang động cả vùng quê nghèo bên bờ sông Gianh. Càng thương tâm hơn vì lời trăn trối cuối cùng của chị cũng chỉ liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền mưu sinh. Chuyện là đêm trước khi chị ra đi, anh còn nói với vợ chuyện ngày mai kêu người đến bán con bò, tài sản có giá trị duy nhất còn sót lại trong nhà để lấy tiền cho chị vào viện Huế mổ lần 2 vì bác sĩ bảo chỉ còn tốn khoảng hơn chục triệu nữa là chị khỏi hẳn.
Chân dung chị Bông. |
Đáp lại, chị can chồng rằng phải để dành con bò để làm vốn cho con ăn học về sau, phải để con bò lại vì chắc gì chị đã khỏi bệnh. “Cũng tại tôi chủ quan không để ý đến mẹ nó. Trước đó hơn 10 ngày, khi vào Huế tái khám lần thứ hai, mẹ nó đã pha thuốc ngủ định uống rồi nhưng may có đứa cháu phát hiện ra nên tôi cứ đinh ninh là mẹ nó sẽ nghe lời tôi đi mổ tiếp”, anh Tân tự trách mình trong nỗi đau đớn cùng cực.
Anh Tân nhớ lại, đêm đó, hai vợ chồng còn thức đến hơn 9h đêm chị mới tắt đèn đi ngủ. Thằng con nhỏ lại sợ đụng mẹ đau nên ra nằm với ba ở giường khác. Anh Tân đi gặt cả ngày về mệt nên đặt lưng xuống là ngủ say không biết gì. Hóa ra chờ cho hai cha con ngủ say rồi, chị Bông lặng lẽ kết thúc đời mình bằng sợi dây thừng oan nghiệt...
Lời trăn trối nhói lòng
Lần tìm lại những di vật vợ để lại, anh Tân phát hiện một lá thư tuyệt mệnh xếp xen lẫn trong số giấy tờ hóa đơn, hồ sơ bệnh án của bệnh viện. Anh òa khóc khi đọc lại những dòng chữ này cho khách nghe: “... anh Tân hãy nuôi dạy con cho tốt, em chưa làm tròn bổn phận của người vợ trọn đời bên anh, em cũng ân hận lắm chứ. Các con ơi hãy tha thứ cho mẹ, mẹ luôn ở bên các con và ba. Nếu như mẹ mà mổ lại thì cũng không sống được lâu đâu, chỉ làm khổ các con và ba. Anh nhớ lấy cái ảnh đi văn nghệ ngoài nhà mà làm di ảnh”.
Vợ đi rồi, nhưng còn có điều khiến anh Tân cứ day dứt mãi bởi cái đêm trước khi ra đi, chị muốn anh gội đầu cho chị nhưng anh lại lo chị đang yếu dễ bị cảm lạnh nên đã không thực hiện được ước nguyện cuối cùng của chị.
Sự ra đi của chị Bông cũng để lại nhiều nỗi dằn vặt cho người bác sĩ đã trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho chị. Theo vị bác sĩ này xác nhận với chị Bông và anh Tân, cũng như xác nhận với phóng viên, sau ca mổ gần nhất, chị Bông chỉ còn bị đau ở vết mổ, một thời gian sau sẽ bình phục khi được điều trị bằng thuốc và chỉ tốn kém chưa đến 10 triệu đồng.
“Tôi rất bất ngờ khi nghe thông báo về chuyện chị Bông đã tự vẫn và rất lấy làm tiếc bởi chỉ cần được điều trị thêm một thời gian nữa là chị ấy sẽ có thể sinh hoạt, đi lại bình thường”, bác sĩ Huỳnh Kim Ngân, công tác ở Khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Trung Ương Huế chia sẻ với nỗi đau của gia đình chị Bông.
Giờ đây, trong căn nhà trống vắng thiếu hơi ấm của người mẹ, người vợ hiền, chỉ còn lưu giữ lại một bức ảnh duy nhất chụp khi chị tham gia diễn văn nghệ và lá thư thư tuyệt mệnh của chị mà anh Tân sẽ ép plastic cẩn thận để sau này đọc cho các con nghe, mong các con nhớ lời mẹ dặn mà phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
“Thôi thì số vợ mình đã tận, chỉ được chừng đó thôi, chỉ thương mẹ nó cả đời không được hưởng lấy một ngày sung sướng. Tôi sẽ cố gắng nuôi con ăn học theo đúng lời vợ dặn. Mấy cha con sẽ gắng trả hết nợ nần để sống tiếp”, anh Tân nói.
Văn Được