Trong đêm tối, dưới ánh đèn điện cao áp mờ mờ, P.V.D (19 tuổi, trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang bảo vệ cho một công ty trên đường Nguyễn Tri Phương gật gà ngồi ngủ. Thấy chúng tôi, D. tái mặt ấp úng bởi nghĩ chúng tôi là người quản lý lực lượng bảo vệ. Dúi dúi đôi mắt, D. nói: Em xin lỗi vì buồn ngủ quá. Cả ngày hôm qua không ngủ được.
Dù trời nắng hay trời mưa, dù khó khăn, nhọc nhằn nhưng vì mưu sinh nên lực lượng bảo vệ vẫn không rời mục tiêu. (Ảnh có tính chất minh họa) |
Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình, D. ngập ngừng nói: Là con trai đầu trong gia đình có 6 anh em. Nhà nghèo, mới học lớp 11 em phải nghỉ học do không có tiền đóng học phí. Ở quê, không có nghề nghiệp, em cùng bố đi bắt chim, sập thú hằng ngày, cuộc sống hết sức túng thiếu. Bên cạnh đó, nhà đông người, ruộng vườn lại ít nên rất khó khăn. Mới 17 tuổi, em phải bôn ba nhiều nơi để lao động kiếm sống nhưng đồng lương quá ít, không đủ tiền để giúp gia đình. Nghe một người quen giới thiệu, em đến Đà Nẵng xin vào làm nghề bảo vệ với hợp đồng mỗi tháng gần 2 triệu đồng.
Có điều, em phải trực ca đêm. Ban đầu mới vào trực, em không chịu nổi sự buồn ngủ. Tưởng chừng như em phải bỏ cuộc giữa chừng nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, sự khó khăn trong tìm việc của một kẻ không bằng cấp như mình, nên em đã cố thích nghi và từng bước vượt qua. Dù hiện nay, đôi lúc ban ngày không ngủ được, ban đêm cũng phải gà gật nhưng em phải hết sức cố gắng để làm tốt nhiệm vụ, không để bị trách phạt. Trình độ như bọn em, nếu không bán sức lao động để làm thuê với một cái giá rẻ mạt thì khó kiếm đâu một công việc tốt, nhẹ nhàng. Nghề bảo vệ dù nhọc nhằn, nhưng chúng em được tôn trọng khi làm việc và nếu biết tiết kiệm thì mỗi tháng cũng có tiền gửi về để phụ giúp gia đình.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hàng trăm người bảo vệ phải làm việc ban đêm. Đêm về là lúc gia đình được sum vầy, nhưng những con người ấy phải bỏ qua những giây phút được ở bên gia đình, vợ con, gắng gượng chống chọi với sự rét lạnh, những lúc buồn ngủ đến điên người, không gian vắng lặng đến cô độc.
Không chỉ vậy, họ bỏ qua cả những niềm vui chung của xã hội chỉ vì mưu sinh. Trong những đêm diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010, hàng chục nghìn người ồ ạt kéo về bờ sông Hàn thơ mộng để thưởng ngoạn. Nhưng đối với những người làm nghề bảo vệ ban đêm, họ phải cố quên điều đó để chú tâm làm tốt công việc của mình. Anh Huỳnh V. T. làm bảo vệ tại một công ty trên đường Nguyễn Văn Linh thổ lộ: Nghe tiếng pháo hoa nổ mà lòng nao nao, muốn bỏ “mục tiêu” để đi xem. Nhưng ngẫm lại, vì miếng cơm manh áo nên ngậm ngùi “hưởng thụ” bằng thính giác. Cuộc sống mà, biết làm sao được! Xã hội đã phân công mỗi người mỗi nghề, mình không có trình độ đành chịu thôi. Nếu bỏ đi, lỡ bị đuổi việc thì sao?
Vất vả đã đành, nghề bảo vệ còn phải đối mặt với những hiểm nguy trong đêm tối. Theo ngành Công an cho biết, những năm qua, có nhiều vụ án tội phạm đã tấn công lực lượng bảo vệ để cướp tài sản. Những vụ án như thế thường có số tài sản bị mất rất lớn. Điển hình, vào giữa năm 2003, trên đường Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng), bọn tội phạm đã trói bác bảo vệ của một cơ quan Nhà nước để cướp hơn 1,6 tỷ đồng. Năm 2005, tại tiệm vàng T.N, kẻ gian đột nhập dùng dây trói, nhét giẻ vào mồm bảo vệ, sau đó ngang nhiên cướp đi 15kg vàng cùng nhiều đồ vật khác. Mới đây nhất, vào ngày 5-8-2009, bọn cướp đã đột nhập vào một trường học trên địa bàn quận Thanh Khê, trói bảo vệ rồi cạy két sắt lấy đi hàng chục triệu đồng.
Qua một số vụ trói bảo vệ, cướp tài sản nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Theo như ngành Công an, hiện nay, bọn tội phạm hết sức manh động. Để hoạt động phạm tội, bọn chúng có quá trình theo dõi. Sau khi phát hiện các cơ quan, doanh nghiệp không có lực lượng bảo vệ, hoặc có nhưng mỏng thì chúng ra tay hành động. Khi tiếp xúc với những người bảo vệ ban đêm, họ cho biết: Khi phải bảo vệ ở những doanh nghiệp có tài sản lớn thì càng thấy lo lắng hơn. Nếu như bọn tội phạm có ý đồ xấu thì một mình khó để đối phó. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình, chỉ hy vọng các lực lượng chức năng phát huy sức mạnh để xã hội ngày càng ổn định, không còn bọn tội phạm lộng hành.
Bài và ảnh: TR.SƠN