Nhớ những cánh chim đầu đàn của nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam

Nhớ những cánh chim đầu đàn của nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam
(PLVN) - Vào thời điểm chúng ta vừa kỷ niệm lần thứ 91 ngày thành lập Đảng, kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, với tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, tôi nghĩ đến những cánh chim đầu tiên đã bay trên bầu trời của Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

Ngày đầu nghiệp đoàn

Giữa những ngày giá lạnh, tôi bồi hồi dạo bước đến phố Hàng Cót - nơi cách đây 84 năm, tại số nhà 48, Hội Ái hữu thợ ảnh đã ra đời. Vào ngày thành lập, Hội chỉ 30 người có mặt, nhưng dần dần Hội trở nên đông đúc, trở thành một tổ chức nghề nghiệp, một lực lượng cách mạng lên đến hàng trăm người, sánh vai cùng các Hội Ái hữu thợ in, thợ giày, thợ giặt, thợ mộc…, đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cộng sản còn non trẻ.

Theo lời kể của người thợ ảnh lão thành Tô Na mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Chính ghi lại, chúng ta được biết, ba năm 1936-1938 (thời kỳ vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương) giới thợ ảnh đã hưởng ứng việc tập hợp giai cấp công nhân nhằm giáo dục chủ nghĩa yêu nước và lý tưởng giai cấp dân tộc. Cuối năm 1936, tại thành phố Hải Phòng, thợ ảnh đã xuống đường diễu hành trước tòa công sứ Pháp, trưng băng rôn NOUS DEVONS FORMER UN SYNDICAT (Chúng tôi muốn lập nghiệp đoàn).

Cùng chủ hiệu Phúc Lai từ Hải Phòng về Hà Nội để mở hiệu Central Photo, Tô Na gặp một số đồng nghiệp bàn việc lập Hội Ái Hữu thơ ảnh. Đơn xin thành lập Hội đã được viên thống sứ người Pháp chuẩn y.

Trụ sở của Hội là Hiệu ảnh Dân chúng đặt tại Hàng Cót (hồi đó gọi là phố Tiên Sinh), làm nơi anh em thợ ảnh qua lại, gặp gỡ, trao đổi công việc và thời cuộc. Hội đã bầu ra một Ban trị sự, gồm: Hội trưởng Ngô Lê Động, thợ ảnh Hiệu Dân chúng; Thư ký là Tô Na, thợ đứng máy hiệu Central Photo; Thủ quỹ là Tạ Văn Cát, thợ chấm kính hiệu Hợp Dung Photo. Hội còn bầu một ủy viên dự bị: Nguyễn Văn Lung, thợ ảnh Hiệu Hương Ký. Trước trụ sở có biển treo: AMICAL DES PHOTO GRAPHES (Hội Ái hữu thợ ảnh). 

Ngay từ buổi đầu, các hội viên hăng hái làm các công việc xã hội, bên cạnh việc hành nghề để kiếm sống và gây quĩ cho Hội, mọi người tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ, đi dạy chữ cho dân nghèo thất học; bán báo công khai của Đảng Cộng sản (trong đó có các tờ: Tin tức, Đời nay, Dân chúng và Le Travail); gây quỹ ủng hộ Mặt trận Dân chủ Đông Dương; quyên tiền ủng hộ nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật (1937)…

Từ buồng tối ra ánh sáng cách mạng

Một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử là các hội viên đã tham gia cuộc biểu tình biểu dương lực lượng của ngót 25.000 người nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 01/5/1938 ở khu Đấu xảo (nay là Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội). Nguyễn Bá Khoản, phóng viên Báo Tin tức và Đinh Đăng Định, thợ ảnh của hiệu Ben Photo, hội viên Hội Ái hữu thợ ảnh, đã chụp ảnh về sự kiện này.

Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Hội Ái hữu thợ ảnh phối hợp với thanh niên hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây làm hai xe hoa dẫn đầu cuộc diễu hành: một xe chở biểu tượng nhà máy ống khói, tay giương cao cây búa; một xe chở biểu tượng đồng lúa chín vàng, tay giơ cao chiếc liềm.

Trong một lần tiếp chuyện tôi, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định cho biết, sau sự kiện 1/5, ông đã về làng Hồ ở huyện Thuận Thành tham gia cuộc đấu tranh chống Nhật nhổ lúa trồng đay; luôn có mặt trong các cuộc tuyên truyền vận động cách mạng của Việt Minh và từng hoạt động nghệ thuật trong Ban trinh sát Thành bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu.

Các hội viên khác cũng tỏa đi các nơi chụp ảnh tố cáo sự hà hiếp áp bức dân nghèo của bọn thực dân phong kiến, cảnh đồng bào sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và cả những cuộc đấu tranh của thợ thuyền…

Cũng qua câu chuyện của Đinh Đăng Định và một số người khác, trong đó có các ông Tô Na, Nguyễn Bá Khoản, tôi được biết: Linh hồn của Hội Ái hữu thợ ảnh Hà Nội chính là đồng chí Phan Trọng Tuệ, một cán bộ chủ chốt của Thành ủy Hà Nội, đã từng hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi. Ông sinh ngày 7/7/1917 tại làng Khánh Tân, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, nay thuộc thành phố Hà Nội.

Hoạt động ở Hội Ái hữu thợ ảnh, ông Phan Trọng Tuệ đóng vai một người “thợ ảnh”, làm việc trong buồng tối của hiệu Dân chúng, thường đi chụp ảnh để lấy cớ tuyên truyền cách mạng, có điều kiện tiếp xúc với những quần chúng giác ngộ. Ông là người vận động thành lập chi bộ Đảng trong Hội Ái hữu thợ ảnh do Hội trưởng Ngô Lê Động làm Bí thư và cũng là một trong những người chủ chốt tổ chức cuộc kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5 tại khu Đấu xảo nói trên. 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Phan Trọng Tuệ từng giữ những trọng trách trong Đảng và trong bộ máy nhà nước. Năm 1939 - 1940, là  Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm phụ trách tổ chức Đảng liên tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ; trong kháng chiến chống Pháp, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu miền Tây Nam Bộ; tại Đại hội Đại biểu của Đảng các khóa III và VI, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa IV, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, được phong hàm Thiếu tướng, rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Ông đã hai lần bị thực dân Pháp bắt và bỏ tù (lần thứ nhất vào ngày 12/2/1935, khi mới tròn 17 tuổi, sau cuộc biểu tình thị uy phản đối hiệp ước Patenitre do có người khai báo và dẫn mật thám đến bắt tại Lào; lần thứ hai vào năm 1943 bị kết án 27 năm tù giam và đày ra Côn Đảo). 

Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương, Huy chương, Huy hiệu cao quí khác. Tên ông được đặt cho một đường phố chạy dài 3,9km, từ ngã ba đường tàu, thị trấn Văn Điển trên đường đi Hà Đông, qua đất các xã Vĩnh Quỳnh, Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đến Cầu Bươu.

Trong những cánh chim đầu đàn của Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam, cũng xin được thành kính nhắc đến cố Hội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Hội Ái hữu nhiếp ảnh Ngô Lê Động. Ông đã tham gia kháng chiến ở Thủ đô, từng là Đại đội trưởng Đại đội tự vệ “Sao Vuông”, chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt trong trận Chợ Đồng Xuân.

Rồi đây, khi điều kiện cho phép tôi sẽ cùng một số bạn đồng nghiệp nghiên cứu và hoàn thành một tài liệu lịch sử về những hoạt động phong phú và vẻ vang của Hội Ái hữu điện ảnh ở thành phố Sài Gòn (ra đời cùng một thời điểm) để ghi nhớ tấm gương sáng ngời của các nhà nhiếp ảnh thuộc thế hệ trước, đã từ các buồng tối bước ra những chân trời ánh sáng của cách mạng. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.