Nhờ một ca khúc, Đài Loan thoát thảm cảnh 'chết' trong rác thải

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLVN) - Tại các thành phố lớn, mỗi ngày có hàng ngàn tấn rác sinh hoạt được thải ra ngoài gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Một phần là do công nghệ xử lý lạc hậu, một phần là do người dân vẫn chưa có ý thức phân loại rác ngay từ ban đầu.

Rước rác về nhà khi chưa đủ khả năng xử lý

Theo điều tra của một số tờ báo tại châu Âu, họ lần theo dấu vết rác thải nhựa và giấy cũ mà các nước G7 xuất khẩu và phát hiện ra rằng số lượng rác chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt.

Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Kông. Từ năm 2017 đầu năm 2018, lượng rác nhựa ở Indonesia tăng vọt 56%, nhưng nhiều nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%. 

Xảy ra tình trạng trên là do từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập rác do vật liệu này bẩn hoặc nguy hiểm, đe dọa cho môi trường. Và Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận phế thải của các nước phát triển trong điều kiện môi sinh và vệ sinh kém. 

Chủ tịch Ủy ban Phụ trách rác thải nhựa tái chế của BIR Surendra Patawari Borad cho biết, các công ty tái chế, xử lý rác ở Đông Nam Á đang nhập khẩu ồ ạt rác thải, họ còn được nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ, lập công ty liên doanh… Tuy nhiên, ông Borad cảnh báo, Đông Nam Á không có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực tiếp nhận lượng rác thải khổng lồ này.

Các nước Đông Nam Á nhập khẩu rác thải nhựa từ các nước phát triển đang phải hứng chịu vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Indonesia hiện trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng rác nhựa thải ra môi trường biển gây ô nhiễm (3,2 triệu tấn/năm).

Người dân đất nước này tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm nhựa/phút, với phân nửa là vật dùng một lần như túi nylon, ống hút, muỗng, chai nước, bao bì thực phẩm và đa phần được vứt vào bãi rác thải, không phân loại để tái chế.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm 70% lượng rác nhựa thải xuống đại dương vào năm 2025. Indonesia cũng tiến hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi bằng những vật liệu thay thế khác, chẳng hạn rong biển và bột sắn.

Mới đây, công ty khởi nghiệp Evoware ở thủ đô Jakarta đã ra mắt màng bọc thực phẩm có thể ăn được, nhựa tự hủy và bao bì làm bằng tảo biển. Trong khi đó, thành phố Bitung khuyến khích người dân đổi rác nhựa lấy gạo tại các siêu thị.

Khủng hoảng rác ở Việt Nam

Còn tại Việt Nam, TP. Hà Nội đã nhiều lần phải đối diện với tình trạng rác ứ đọng, ngập ngụa do dân chặn không cho xe chở rác vào bãi chôn lấp. Người dân đã phải chọn cách này để bày tỏ quan điểm của mình, hi vọng mọi người thấy được tình cảnh tận cùng của những hộ dân sống trong vùng bãi rác từ hàng chục năm nay. Nó được mô tả là “ăn cũng phải mắc màn vì ruồi, nhặng”, “thiếu thốn đủ đường”, “bệnh tật ngày càng nhiều”…

Đà Nẵng, đô thị hơn một triệu dân mỗi ngày hứng từ 900 đến 1.000 tấn rác sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2025, lượng rác sẽ tăng lên khoảng 1.800 tấn. Thời gian dài, Đà Nẵng xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Sau gần 30 năm hoạt động, bãi rác lớn nhất thành phố này đã quá tải, gây nhiều hệ lụy với môi trường sống của cư dân lân cận.

Khoảng 1.700 hộ dân quanh bãi rác Khánh Sơn hàng ngày phải hít thở không khí kèm mùi hôi đậm đặc. Đã nhiều lần, họ xuống đường chặn xe chở rác ra vào bãi, khiến khu vực nội thành ùn ứ rác. Cả chục cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân diễn ra suốt nhiều năm chưa tìm được lời giải.

Tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) cũng từng có hai bãi rác là Đèo Sen và Hà Khẩu xử lý bằng công nghệ chôn lấp, nhưng do gây ô nhiễm nên đã dừng hoạt động. Hàng trăm nghìn tấn rác được chôn lấp trong 10 năm đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây trầm trọng. Những ngày mưa bão, bể chứa nước rỉ thải chảy tràn vào nhà dân, gây ngập úng ruộng, vườn. Người dân "ăn cơm cũng phải mắc màn, khi ngủ cũng phải đeo khẩu trang".

Năm 2013, vì không thể chịu được mùi hôi thối và lo sợ sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ dân sống gần đó đã gửi đơn kiến nghị đến chính quyền yêu cầu đóng cửa bãi rác.

Nhưng “khủng hoảng” rác thải đang diễn ra không chỉ đơn thuần là chuyện những cọng rác và bãi chôn lấp rác. Quan trọng hơn nữa là phải có kế hoạch dài hơi cho vấn đề rác thải. Giải pháp rẻ là chôn lấp đã không còn “dễ” thực hiện trong bối cảnh lượng rác thải ngày một tăng lên mà đất thì không còn.

Một khó khăn nữa là do các đô thị ở Việt Nam thường không phân loại rác đầu nguồn nên việc áp dụng công nghệ cao khó thành công. Không phân loại rác đầu nguồn cũng sẽ dẫn đến các loại nhựa khi chôn xuống phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Điều này cần rất nhiều từ ý thức của người dân. 

Cần có giải pháp hữu hiệu

Với lượng rác thải lớn hơn nhiều so với diện tích sinh hoạt, Đài Loan (Trung Quốc) từng được mệnh danh là "Đảo rác", vậy mà chỉ trong vài năm, điều này đã thay đổi hoàn toàn. Mọi chuyện bắt đầu bằng một bài hát tuyên truyền phát lên, người dân nhanh chóng mang theo rác thải ra đường, hai xe tải màu vàng kích thước lớn xuất hiện. Thế nhưng, họ không quăng mọi thứ lên xe, những công nhân vệ sinh cùng người dân nơi đây bắt đầu phân loại để rác nào vào đúng thùng đó.

Rác thải được đựng trong xô, thùng nhựa... Nhưng họ không ngại phải di chuyển xa cũng như mất công phân loại rác thải. Và rất nhanh chóng, rác thải như rau củ hỏng hoặc thức ăn sống chưa nấu chín được họ đưa vào thùng màu xanh dương, thức ăn chín được đưa vào thùng đỏ để sau đó tái chế làm phân bón.

Trong khi những vật dụng khác từ chai nhựa, cốc thuỷ tinh, kim loại, bóng đèn hỏng... được xếp gọn gàng vào một thùng khác. Chiếc xe còn lại treo biển nhận giấy, báo cũ nên toàn bộ giấy báo được người dân đưa vào chiếc xe này.

Vì vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Đài Loan từ thiên đường rác đã chuyển mình trở thành một trong những khu vực tái chế rác tốt nhất toàn cầu. Thống kê vào năm 2015, tỷ lệ tái chế rác của Đài Loan đạt tới mức 55%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia đã phát triển khác. Ngay cả ở Mỹ, thời điểm cao nhất con số tái chế này cũng chỉ lên tới mức 35%.

"Để người dân tuân thủ quy định về rác thải, chúng ta phải đưa việc đổ, phân loại rác tiện lợi hơn với người dân. Chúng ta cần có những khen thưởng và có những mức phạt xứng đáng", giám đốc dự án kiểm soát chất thải nói.

Tại những khu chợ đêm hoặc trong các dịp lễ hội, nơi tập trung đông người, họ thường dùng loại thùng rác tiện lợi làm bằng khung sắt, sau đó mắc túi rác lớn có thể chứa tới cả 1m3 rác vào để người dân vứt rác. Và cứ cách vài chục mét lại có một nơi gom rác như vậy, thùng rác tiện lợi có ở khắp mọi nơi khiến sau lễ hội đường xá vẫn sạch sẽ.

Người dân "phải" mua túi để tái chế

Ở thành phố Đài Bắc, tiện lợi đồng nghĩa với việc có tới hơn 4.000 điểm thu rác hoạt động 5 ngày mỗi tuần và thậm chí cả các ứng dụng trên di động để thông báo cho người dân biết sắp có xe rác tới gần.

Để khuyến khích tái chế với người dân, Đài Loan yêu cầu người dân mua loại túi đặc biệt để dùng cho rác thải không thể tái chế. Túi nhỏ có giá 1 Tân Đài Tệ (TĐT) trong khi 5 túi lớn có mức giá 216 TĐT (khoảng 145.000 VNĐ). Đối với những người vứt rác sai vị trí hoặc vi phạm quy định bị phạt tới 6.000 TĐT (khoảng 3,8 triệu VNĐ) và có thể sẽ bị bêu danh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một đặc điểm nữa trong hoạt động tái chế của Đài Loan chính là các quỹ chính phủ được các hãng sản xuất đóng góp. Ngành nào dùng vật liệu gì, sẽ phải đóng góp tiền cho quá trình tái chế vật liệu đó. Ví dụ như các hãng sản xuất nước ngọt đóng chai dùng nhiều vật liệu PET, chai nhựa... Số tiền đóng góp này sẽ giúp cho Đài Loan có chi phí để tái chế tốt hơn. 

Khả năng tái chế của người Đài Loan không những tới từ người dân, chính quyền mà một phần rất lớn tới từ nhiều tổ chức tình nguyện. Ví dụ điển hình là Tzu Chi, một tổ chức Phật giáo phi chính phủ, tổ chức này thành lập hơn 4.500 điểm tái chế rác trên toàn Đài Loan và có lượng tình nguyện viên cực lớn để giúp phân loại, thu thập và xử lý rác thải đúng quy trình.

Hoạt động của hội được diễn ra vào mỗi buổi sáng, khi mà hàng trăm người về hưu tụ tập nhau lại ở mỗi địa điểm để thu gom rác. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Tzu Chi đã thu được 100.000 tấn rác thải tái chế, chiếm 3% tổng lượng rác thải tái chế tại Đài Loan. Rất nhiều rác thải sau đó đã được tái chế trở thành vật dụng hàng ngày được nhiều người ưa chuộng.

Quy củ là thế, thế nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp vi phạm ở Đài Loan. Chính quyền bố trí nhiều camera theo dõi ở khắp nơi để ghi hình những người vi phạm. Ở lần đầu bị phát hiện, họ sẽ chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng.

Thế nhưng, ở lần thứ 2, đoạn video sẽ được quay lại, hành vi vi phạm sẽ được trình chiếu trên các màn hình công cộng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu còn tiếp tục tái phạm, người vi phạm sẽ phải trả số tiền lớn cho chính quyền.

Số tiền phải trả kia được chia đôi, một phần chính quyền Đài Loan giữ và phần còn lại gửi cho người đã phát hiện sai phạm. Đó cũng là khi mà nghề "bắt người đổ rác trộm" xuất hiện ở Đài Loan.

Từng có một người bán hàng chợ đêm nhận được tới 700.000 TĐT (hơn 400 triệu VNĐ) do phát hiện 4.900 người vi phạm trong vòng 10 tháng, tất nhiên người này cũng có cuộc sống chẳng mấy yên bình khi thường xuyên bị những người vi phạm doạ nạt.

Bằng việc tái chế rác thải, Đài Loan hiện nay không những có môi trường trong sạch hơn mà còn là một trong những quốc gia thu lợi từ rác thải tái chế lớn nhất trên thế giới, phối hợp giữa quản lý chất thải và tái chế vật liệu, ngành công nghiệp tái chế đã mang về hàng tỷ USD mỗi năm cho Đài Loan.

Ví dụ điển hình là những công ty tái chế sản phẩm điện tử, một công ty tại Đài Loan cho rằng họ có thể triết suất vàng tinh khiết tới 99,99% từ linh kiện điện tử bỏ đi.

Đọc thêm

Hành động vì khí hậu sau COP29: Hành trình mới và cam kết mạnh mẽ

COP29 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. (Ảnh: UNFCCC)
(PLVN) - Hội nghị lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua Khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. Đây được coi là một thành tựu đáng kể, mở ra cơ hội cho việc giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn về mặt chi phí. Tuy nhiên, bên cạnh những hứa hẹn, thị trường carbon toàn cầu cũng đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết để bảo đảm tính hiệu quả và công bằng.

Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên Huế

Dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản ngoài vùng biển Thừa Thiên Huế; do một số khó khăn trong công tác xây dựng định mức và tình hình thời tiết tại địa phương.

Bão số 9 suy yếu dần, miền Bắc chuyển lạnh

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, cơn bão số 9 đang có xu hướng suy yếu dần. Trên đất liền, do tác động của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ đêm và sáng mai trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét...

Bão giật cấp 14 đổ bộ biển Đông

Dự báo vị trí,m hướng di chuyển của bão số 9. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) - 7h hôm nay 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, khu vực vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Trên đất liền, khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng các nơi khác...

Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030

 Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) -  Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân.