Hội thảo là hợp phần cuối cùng của dự án “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” thí điểm trong năm đầu tiên tại Huế, là dịp để các đại biểu đến từ cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế, các lãnh đạo cộng đồng cùng thảo luận về thực trạng quản lý rác thải tại Việt Nam, từ đó mở ra những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này trong trường học.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ trung bình một ngày, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%, đáng chú ý là lượng túi nilon tăng theo từng năm.
Với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.
Tại hội thảo, bà Đỗ Vân Nguyệt- Giám đốc trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) - cho biết, nhựa sống lâu hơn con người rất nhiều trong khi đó công nghệ xử lý rác còn hết sức thô sơ và việc xử lý rác một cách triệt để là chưa có.
Theo bà Nguyệt, việc chỉ chôn và đặc biệt là đốt rác rất thô sơ sẽ là một mối nguy hại về sức khỏe rất lớn đối với con người do có rất nhiều chất độc hại sản sinh ra trong quá trình thiêu hủy.
Bà Joana Santos - cố vấn cấp cao tổ chức Wiser Environment, Anh - cho biết, Anh có một chiến lược cấp quốc gia rất tổng thể cho vấn đề quản lý rác thải, từ việc nâng cao nhận thức cho người dân, ở ngay tại khu vực cư dân sinh sống cho tới việc hợp tác với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với các tổ chức chuyên về quản lý rác thải, làm việc với các doanh nghiệp tư nhân hay việc đưa ra và giới thiệu về các sáng kiến thông qua chương trình giáo dục trong các trường học và những chương trình mang tính cộng đồng.
Tại Việt Nam, Dự án “vì một thế giới không rác thải” do Hội đồng Anh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thời gian qua đã không chỉ trang bị cho các thầy cô giáo và các em học sinh kiến thức, kỹ năng về quản lý rác thải mà còn truyền cảm hứng về tinh thần công dân tích cực, mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững.
Với sự hỗ trợ và cố vấn của các giảng viên nguồn, 12 nhóm dự án hành động vì môi trường đã được triển khai và đang cho kết quả rất tích cực như dự án Xà phòng Xanh an toàn cho người sử dụng lẫn môi trường, dự án Vườn treo Babylon, The Shark, Vườn sinh thái, Gạch Polymer…
Một sản phẩm của các học sinh tại Huế. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định đánh giá cao những kết quả của dự án “Vì Một thế giới không rác thải” trong trường học, cho rằng những hoạt động của dự án rất phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh Thừa thiên Huế và thành phố Huế trong năm 2019.
Ông Định cho rằng dự án “Vì Một thế giới không rác thải” trong trường học với sự đồng hành của Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ là một sự phối hợp hoàn hảo giữa các sở ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác quản lý và nâng cao nhận thức về quản lý rác thải.