Trong tiềm thức của những người già trong làng, nghề làm gạch, ngói ở Mậu Lương đặc biệt hưng thịnh vào những năm 70- 80 của thế kỷ trước. Khi đó, dòng sông Nhuệ còn rộng lớn, phù sa màu mỡ bồi đắp cả một vùng bãi bờ rộng lớn chứ không như bây giờ. Vậy nên “trời cho” cả một khoảng thời gian dài gần nửa thế kỷ người dân không thiếu đất làm gạch ngói. Đất làm gạch ngói là lớp đất thịt nằm sâu dưới lớp đất mặt khoảng 2 mét, mịn dẻo và tuyệt đối không pha chút cát nào.
Ngày đó cả làng đêm ngày đạp đất, đóng ngói, thổi lò; lúc nào cũng rậm rịch, râm ran, hối hả, bận rộn mà no đủ. Điều đặc biệt của công đoạn làm ngói nam ở Mậu Lương là ngói được đốt bằng rơm, quá trình đun rơm cũng phải trải qua trong ba ngày, mỗi lò đốt hết hơn 3 tấn rơm mới có được mẻ ngói đẹp. Nghề làm gạch giúp Mậu Lương từ một làng thuần nông nghèo trở nên giàu có. Cũng vì vậy mà nhiều thế hệ người dân nơi đây gắn bó, tâm huyết với nghề, hun đúc nên thương hiệu ngói một thời hưng thịnh.
Trong dòng chảy đô thị hóa, làng lên phố, ngay bản thân người làng cũng không còn chuộng ngói nam, nhiều gia đình đã chuyển nhà ngói thành nhà tầng, mái bằng, bê tông cốt thép. Hiện tại làng Mậu Lương hầu như đã sử dụng nhà mái bằng, chỉ có vài nhà lợp ngói.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đất đai cạn kiệt, việc làm ngói thủ công gây ô nhiễm khiến nghề ngói cổ truyền ở Mậu Lương dần bị triệt tiêu. Hàng làm ra ít người mua, nghề không còn nuôi được người nên các hộ dân buộc phải tìm nghề khác. Đó là nguyên nhân khiến nghề ngói cổ đã biến mất khỏi làng như chưa từng có một thời mang lại ấm no, hưng thịnh cho dân.
Vẫn biết đó cũng là quy luật của cuộc sống nhưng những người già trong làng, những nghệ nhân từng cả đời gắn bó với xắn đất, đạp đất, đóng ngói, đốt lò vẫn khôn nguôi nhớ tiếc. Họ tiếc rằng, trong khi nghề rèn thủ công ở làng Đa Sỹ cùng phường vẫn được chính quyền đầu tư phát triển, bảo tồn thì nghề làm ngói cổ ở Mậu Lương lại bị thất truyền, mai một. Họ ao ước được truyền thụ, bảo tồn nghề thủ công, cổ truyền cho mai sau…